Cơ chế điều hành giá xăng: Mỗi bộ một ý
Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu theo thị trường ra đời được 3 tháng thì bị bỏ quên. Nếu không giải quyết được những tồn đọng thua lỗ của doanh nghiệp, thất thu ngân sách thì rất khó có một thị trường xăng dầu ổn định, cân bằng lợi ích.
Những tồn đọng khó xử lý
Suốt tuần qua, thông tin thị trường xăng dầu thế giới hạ nhiệt, doanh nghiệp lãi to liên tục được đăng tải. Song, doanh nghiệp vẫn lờ đi chuyện giảm giá, Bộ Tài chính cũng đang nghe ngóng. Tính tới ngày 5/6, các doanh nghiệp xăng dầu cho biết giá cơ sở đã giảm từ 4,9- 5,3% so với giá bán lẻ hiện hành. Lần điều chỉnh giá gần đây nhất đã trôi qua 14 ngày.
Nếu đối chiếu với Nghị định 84 sẽ thấy, "luật" bắt buộc doanh nghiệp sẽ phải giảm giá tương ứng trong trường hợp này. Nghị định đã nêu rõ giá cơ sở giảm so với giá bán lẻ trong phạm vi từ 12% trở xuống thì doanh nghiệp phải giảm tương ứng. Thời gian tối đa phải điều chỉnh là 10 ngày.
Song, ngay cả phía cơ quan quản lý, các động thái tăng thuế gần đây dường như cũng "vi phạm" Nghị định 84. Điều 27 của Nghị định chỉ cho phép Nhà nước áp dụng các biện pháp điều tiết tài chính như thuế nhập khẩu, Quỹ bình ổn giá nếu như giá cơ sở giảm mạnh trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành.
Thế nhưng trong hai đợt giảm giá, tăng thuế hôm 9/5 và 23/5 vừa qua, chưa có lần nào mà tỷ lệ chênh lệch giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ tới trên 12%. Cụ thể, hôm 23/5, biên độ giảm của giá cơ sở so với giá bán lẻ chỉ loanh quanh 2-3% nhưng Bộ Tài chính đã tăng thu thuế từ 2-3% tùy loại xăng dầu.
Ngay cả trong trường hợp cần tăng giá, cơ chế 84 cũng đã bị loại trừ, không áp dụng. Nghị định này quy định trong phạm vi giá cơ sở tăng 7% so với giá bán lẻ thì doanh nghiệp được tự tăng giá. Và nếu biên độ tăng này vượt trên 12% thì Nhà nước mới bắt đầu áp dụng các biện pháp về thuế.
Tuy nhiên, sau khi được tự tăng, tự giảm giá xăng dầu ở quý I/2010, kể từ tháng 4/2010 đến nay, quyền định giá của doanh nghiệp đầu mối như trên đã bị rút lại mà thay vào đó, Liên Bộ Tài chính- Công Thương định giá.
Ngoài lý do phải bình ổn giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ, câu chuyện rút lại quyền định giá xăng dầu còn xuất phát từ một thực tế rằng, mức tăng giá tuyệt đối tương ứng với tỷ lệ 7% trong nguyên tắc điều chỉnh giá của Nghị định 84 là rất cao so với khả năng dự báo của các bộ.
Đơn cử như đợt bắt buộc phải để cho doanh nghiệp tăng giá hồi tháng 24/2/2011, mức tăng thật sự tương ứng sẽ lên tới 3.510 - 5.850 đồng/lít,kg thay vì mức chỉ tăng 2.110 - 3.550/lít, kg.
Ở lần tăng giá gần đây nhất là 20/4/2012, mức tăng giá cho xăng là 900 đồng/lít chỉ tương ứng tỷ lệ 3,93%, tăng giá dầu diezen chỉ 500 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ 2,34%. Nói cách khác, nếu tăng tới 7% thì con số tuyệt đối tăng lên cho một lít xăng dầu đã có thể lên tới gần 2.000 đồng/lít và cho dầu diezen là 1.000 đồng/lít. Quả thật, đây là mức tăng gây sốc cho người tiêu dùng.
Tháng 4/2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 yêu cầu, "sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn, không để giá xăng dầu tăng trong thời gian ngắn, gây bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng". Chỉ thị số 2164 ngày 30/11/2010 của Thủ tướng cũng chỉ đạo "áp dụng các biện pháp tài chính, tiền tệ, thuế để giữ bình ổn giá xăng dầu". Dù các chỉ đạo từ Chính phủ yêu cầu Liên bộ phải bình ổn thị trường song để thực hiện yêu cầu đó của Chính phủ, Liên Bộ Tài chính- Công Thương đã hoãn việc thực hiện điều khoản về giá của Nghị định 84 mà trước đó, do chính mình soạn thảo ra.
Người dân đang mong chờ một đợt giảm giá xăng (Ảnh minh họa)
Sửa đổi: Trong vòng luẩn quẩn
Đánh giá thực trạng về Nghị định 84 lại đang có sự khác biệt lớn giữa Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương.
Báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định điều hành giá xăng dầu từ năm 2009 đến nay đang đuợc thực hiện theo quy định tại điều 27 với nguyên tắc "giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Doanh nghiệp được quyền định giá, tăng giảm trong phạm vi biên độ nhất định dưới sự giám sát, kiểm soát, điều tiết của Nhà nước".
Báo cáo Chính phủ sau đó, Bộ Công Thương đánh giá ngược lại rằng rằng, điều 27 về đã không được thực hiện tốt. Chế độ tự định giá này chỉ thực hiện trong quý I/2010. Thời gian còn lại cho đến nay, giá xăng dầu do Nhà nước định đoạt mà cụ thể hơn, chủ yếu do Bộ Tài chính quyết. Hậu quả là doanh nghiệp còn treo 5000 tỷ đồng nhưng ngân sách chưa có cơ chế bù.
Đặc biệt, quan điểm về mức độ cạnh tranh của thị trường xăng dầu giữa hai Bộ cũng có nhiều điểm vênh nhau. Bộ Tài chính cho rằng do có nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nên thị trường có sự chi phối. Đồng thời thuế nhập khẩu thấp, có lúc là 0% nên trước mắt chưa thể giao cho doanh nghiệp tự định giá như Nghị định 84 quy định.
Ngược lại, Bộ Công Thương cho biết rằng, kể từ khi có Nghị định 84 thì thị trường xăng dầu đã cạnh tranh hơn khi có thêm 4 doanh nghiệp tư nhân tham gia, đó là NamViet Oil, Công ty Thành Lê, Công ty Mipec và công ty Hải Hà. Trong lĩnh vực nhiên liệu bay, còn có thêm một doanh nghiệp Nhà nước tham gia.
Mặc dù có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nhưng các doanh nghiệp này không thể chi phối thị trường xăng dầu, vì yếu tố tiên quyết là giá không phải do doanh nghiệp định đoạt. Trong khi đó để kiềm chế lạm phát, chính 3 - 4 doanh nghiệp đầu mối lớn nhất lại phải chịu sức ép chính trị là nén giá, tăng sản lượng nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt do các doanh nghiệp nhỏ bỏ thị trường. Do đó, doanh nghiệp càng lớn thì sẽ càng lỗ to.
Nêu kiến nghị sửa đổi Nghị định 84, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng việc cần sửa chi phí kinh doanh đang bị lạc hậu (600 đồng/lít xăng từ năm 2009), chi phí hoa hồng, thù lao cho đại lý. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương thì những khoản cần sửa này thực chất chỉ được quy định ở Thông tư 234/2009 do Bộ Tài chính ban hành nên thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính tự quyết, không liên quan nội dung Nghị định 84.
Với nhiều ý kiến khác nhau đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa một số chi tiết ở Nghị định 84 và trước mắt chưa giao cho DN định giá, còn Bộ Công Thương đề nghị cần thực hiện hoàn chỉnh Nghị định 84 một thời gian nữa rồi mới đánh giá toàn diện, chính xác và đề xuất sửa đổi.
Có thể thấy, cái khó của liên bộ hiện nay chưa giải quyết được là các tồn đọng của thị trường xăng dầu. Đó là các khoản lỗ và âm Quỹ bình ổn. Chỉ khi nào đưa thuế nhập khẩu về mức trung bình khoảng 10 -15%, giải quyết xong số lỗ cho doanh nghiệp và số âm quỹ thì mới có thể thực sự vân hành Nghị định 84 được.
Nếu không, làm theo ý kiến của Bộ Công Thương, nguy cơ DN đưa lỗ vào giá có thể xảy ra, giá tăng đột biến, gây sốc, thiệt thòi cho người tiêu dùng. Còn nếu thuận theo ý kiến của bộ Tài chính, lộ trình thị trường hóa giá xăng dầu đến năm 2013 có nguy cơ thất bại, tiếp tục kéo dài. Vòng luẩn quẩn DN tiếp tục phải nén giá, chịu lỗ và Ngân sách thì không thể bù đắp được.