Clip: Sĩ tử thích thú nói về "ý chí của con người" trong đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia
Nhiều thí sinh tỏ ra thích thú với câu nghị luận xã hội nhưng cho rằng cần phải phân tích nhiều, phân tích sâu thì mới lấy được điểm cao từ giám khảo chấm thi.
Clip: Thí sinh đánh giá về đề thi Văn kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019
Sau 120 phút “cân não” với đề Văn, hơn 71.000 thí sinh tại TP.HCM đã hoàn thành môn thi đầu tiên tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019.
Nói về đề Văn này, có thí sinh cho biết đã bị “lệch tủ” nhưng vẫn tự tin với bài làm của mình. Một số khác đánh giá đề thi tương đối, không cần “học tủ” cũng có thể đạt điểm trung bình.
Thí sinh Trương Thanh Vy (Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận 10) chia sẻ: “Em làm đến hết giờ luôn, đề khó. Em nghĩ nếu ai học bài kỹ thì chắc chắn sẽ đạt điểm cao. Còn em ôn bài “Vợ chồng A Phủ” nhưng đề lại ra bài sông Hương (dòng sông được nhắc tới trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" - PV), dù lệch tủ một tí nhưng không sao vì em vẫn làm được”.
Nói về câu nghị luận xã hội, Thanh Vy đánh giá câu nghị luận xã hội này dễ. Vy làm được hơn một trang giấy. Nhìn chung với đề thi này, nữ sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến hi vọng sẽ đạt 7 - 7,5 điểm.
Đề thi môn Ngữ Văn
Thí sinh Vĩnh Đạt cũng không có thời gian thừa khi làm đề thi Văn. Đạt cho rằng đề thi dài, phần đọc hiểu phải phân tích khá nhiều nên không đủ thời gian. Nếu các thí sinh phân bổ thời gian không đúng cách thì sẽ không làm kịp.
Đến từ Trường Quốc tế Việt Úc, thí sinh Nguyễn Huy Trường nhận định: “Em không phải là một học sinh chuyên văn nhưng em có thể làm được Văn. Đề năm nay tương đối, không quá dễ cũng không quá khó. Các bạn không học tủ cũng có thể làm được, do đề đã có một đoạn văn ở đó để mình làm theo rồi”.
Theo đánh giá của Trường, cấu trúc đề cũng như mọi năm, trong đó câu 1 của phần làm Văn đòi hỏi thí sinh phải vận dụng khả năng nghị luận xã hội để nói về sức mạnh của ý chí. “Phải nêu ra một vài dẫn chứng thuyết phục để lấy được điểm của giám khảo chấm thi. Học sinh trung bình cũng có thể lấy được 4 - 5 điểm”, Trường nói.
Nói kỹ hơn về các luận chứng đưa ra trong câu nghị luận xã hội, thí sinh Nguyễn Huy Trường chia sẻ: “Em đưa những luận điểm như ý chí giúp con người ta trở nên mạnh mẽ hơn, có sức mạnh riêng biệt của bản thân để vượt qua những khó khăn, giúp mình có thể đấu tranh được với nó. Em đưa thêm dẫn chứng thầy Nguyễn Ngọc Ký là một người sinh ra đã rất là khó khăn, nhưng nhờ ý chí và sức mạnh của bản thân mà vươn tới những cái to lớn khác”.
Kim Chi (bên phải) đang bàn luận sôi nổi với bạn về đề thi môn Ngữ Văn
Cũng tỏ ra thích thú với câu nghị luận xã hội về ý chí của con người trong cuộc sống, thí sinh Kim Chi (Trường THPT Nguyễn Khuyến) đánh giá: “Thầy Nguyễn Ngọc Ký có nghị lực tập viết bằng chân. Nếu như thầy không dùng ý chí của mình để vươn lên, không dùng ý chí của bản thân để chống lại nghịch cảnh của cuộc đời thì thầy không thể nào thành công và nổi tiếng như bây giờ được”.
Vận dụng vào cuộc sống, Kim Chi kết luận: “Nếu như không có ý chí thì mình không bao giờ tiến bộ được. Tại vì khi gặp khó khăn trở ngại thì mỗi người phải có quyết tâm mạnh mẽ vươn lên để thành công trong cuộc sống”.
Kết thúc môn Văn, chiều 25/6 các thí sinh sẽ thi môn Toán lúc 14h20. Thời gian thi môn Toán là 90 phút, bắt đầu tính giờ làm bài từ 14h30.
Rất nhiều thí sinh đã vui mừng, ôm chầm lấy người nhà sung sướng vì làm bài tốt sau môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt...