Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trăm năm Sở thú - Thảo Cầm viên

Sự kiện: Thời sự

Trong lịch sử hơn 320 năm của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, ít có công trình nào tồn tại và gắn bó như một phần cơ thể của đô thị, đứng vững trong mọi thăng trầm của lịch sử và trở nên thân quen với mọi tầng lớp nhân dân như Thảo cầm viên Sài Gòn, tức Sở thú - theo cách quen gọi của người dân Nam bộ.

Cách nay ngót 150 năm, Sở thú đã là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn của nhiều du khách. Nằm trong top 10 vườn thú có tuổi thọ cao nhất của thế giới, Sở thú TP Hồ Chí Minh hiện không chỉ là nơi có bộ sưu tập “khủng” về thú, cây quý hiếm mà đây còn là nơi gắn với nhiều câu chuyện hết sức thú vị, không phải ai cũng biết...

Những cổ vật độc nhất vô nhị

Trên trục đường chính của Sở thú có cột bia gắn bức tượng bán thân một “ông Tây” bằng đá hoa cương màu hồng. Đó là tượng J.B. Louis Pierre, người có công sáng lập và cũng là giám đốc đầu tiên của Sở thú. “Để tưởng nhớ và ghi công J.B. Louis Pierre, nhân 100 năm ngày sinh của ông, tháng 2-1933, Hội đồng khoa học Pháp đã cho xây dựng một cột bia bằng đá hoa cương đặt phía sau khu vườn kiểng.

Năm 1994, nhân 130 năm thành lập Sở thú, cột bia đã được tôn tạo và đặt tại đây”, ông Phạm Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Thảo cầm viên Sài Gòn, cho biết.

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trăm năm Sở thú - Thảo Cầm viên - 1

Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh trong Thảo Cầm Viên.

Gần đó là Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, một  công trình rêu phong được xây theo lối kiến trúc “Đông Dương cách tân”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, bảo tàng này do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế và hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon đảm trách xây dựng trong 3 năm. Về sự ra đời công trình này, một số tài liệu cho biết, ngày 18-2-1927, nhà sưu tầm cổ vật Holbé qua đời, để lại nhiều cổ vật trị giá 45.000 đồng bạc Đông Dương.

Để mua lại số cổ vật, Hội Nghiên cứu Đông Dương triệu tập cuộc họp bất thường và thống nhất xin 5 hội viên hảo tâm cho mượn trước số tiền khá lớn kể trên, đồng thời mở cuộc quyên góp thêm tiền trong dân chúng. Sau khi hoàn tất công việc trên, Hội thực hiện đúng cam kết trước đó - tặng lại nhà nước số cổ vật.

Để có chỗ gìn giữ và trưng bày số di vật vừa mua được, cùng với nhiều cổ vật khác mà Hội đã có trước đó, Hội đề nghị với chính quyền xây dựng bảo tàng, có 1 phòng làm trụ sở và thư viện của Hội (chứa trên 5.000 tác phẩm chuyên khảo về Đông Dương và Viễn Đông bằng các thứ tiếng).

Cuối tháng 11-1927, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse chấp thuận đề nghị, cho thành lập bảo tàng mang tên ông. Ngày 1-1-1929, bảo tàng được khánh thành nhưng mãi đến ngày 3-9-1958, bảo tàng mới chính thức mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng rộng 3.000m2, trong đó 1.000m2 gồm 4 khu vực quanh đại sảnh hình bát giác và hình chữ U ở phía sau rộng gần 2.000m2.

Bà Phạm Ngọc Uyên, Trưởng phòng Trưng bày - Giáo dục - Truyền thông Bảo tàng cho biết, ban đầu bảo tàng chỉ có khoảng 2.893 cổ vật, chủ yếu là bộ sưu tập của Holbé. Đến cuối thế kỷ XX, số hiện vật có giá trị tăng lên trên 30.000. Ngoài ra, bảo tàng còn có trên 25.000 sách báo và tài liệu có giá trị cho công việc nghiên cứu các ngành khảo cổ học, dân tộc học, sử học, bảo tàng học...

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trăm năm Sở thú - Thảo Cầm viên - 2

Đông đảo du khách đến tham quan Bảo tàng lịch sử thành phố.

Trong bảo tàng có nhiều di vật “độc nhất vô nhị”, có di vật được xác định có từ thời nguyên thủy. Nhiều cổ vật của văn hóa Champa, văn hóa Óc Eo, điêu khắc Campuchia, súng thần công - đại bác, gốm một số nước châu Á, xác ướp Xóm Cải, văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam, tượng Phật giáo một số nước châu Á... cũng được trưng bày tại đây. Cùng với đó là các hiện vật và hình ảnh về lịch sử Việt Nam, văn hóa của một số nước láng giềng...

Đền thờ Vua Hùng ngày nay trong Sở thú được dựng năm 1926. Lúc đầu, đền này gọi là đền Kỷ niệm - nơi tưởng niệm những người Việt Nam tử trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918). Sau năm 1954, đền được chuyển sang thành đền thờ Vua Hùng. Trong đền còn thờ một số nhân vật lịch sử khác như Trần Hưng Ðạo, Lê Văn Duyệt...

Đền thờ Vua Hùng tại đây có kiến trúc khá giống kiến trúc các đền ở Huế, với bộ mái chồng diêm, thêm một hàng hiên phía trước, tạo thành 3 tầng mái cong. Các họa tiết trang trí có hình rồng và phượng theo thể cung đình. Những bậc đá lên xuống các cửa đều có đôi rồng chầu. Trong đền, trên các bao lơn xung quanh có chạm khắc các hình: Hạc, lân, quy, phượng, tô đắp tinh xảo và sơn màu vàng, đỏ. Các lỗ thông gió xung quanh cũng được chạm khắc tinh xảo đẹp mắt.

Đền được chống đỡ bằng 12 cây gỗ mật màu đen bóng, đường kính khoảng 50 cm; giữa đền có hương án, phía sau là chính điện với 3 bàn thờ: Ở giữa, thờ Quốc tổ Hùng Vương, bên trái, thờ những bề tôi trung thành và tướng giỏi và bên phải, thờ tổ tiên trăm họ Việt Nam... Mỗi năm, bảo tàng và đền thờ Vua Hùng đón trên 300.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Sở thú cũng là nơi đặt tượng voi đồng lớn nhất Việt Nam, được đặt trên bệ có gắn 4 biển đồng lớn hình chữ nhật ở 4 mặt, có khắc dòng chữ lưu niệm giống nhau, bằng 4 thứ tiếng: Việt, Thái, Anh, Pháp. Bản tiếng Việt ghi: “Đức hoàng đế Paramindr Maha Prajadhipok, vua nước Xiêm La, đã tặng để làm kỷ niệm trong việc Ngài ngự qua bên nước Indochine (tức Việt Nam) lần đầu, ngự lên tại Sài Gòn ngày 14-4-1930”.

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trăm năm Sở thú - Thảo Cầm viên - 3

Sọ người với khuyên tai hình hai đầu thú cách nay khoảng 2.000 năm trưng bày trong Bảo tàng.

Theo lời ông Hưng, Sở thú được thành lập vào ngày 23-3-1864, tên gọi đầu tiên là Vườn bách thảo. Đô đốc Toàn quyền Đông Dương khi đó là Pierre-Paul De La Grandière đã ký nghị định cho phép xây dựng Vườn bách thảo với tham vọng dùng nơi này để nâng cao văn hóa và các hoạt động bảo tồn động, thực vật, cũng như phục vụ công trình nghiên cứu cho các nhà khoa học Đông Dương.

Điểm đến hấp dẫn

Ông Hưng đã cho chúng tôi xem tấm bản đồ mà theo ông là “tấm bản đồ duy nhất còn sót lại và được lưu giữ” thể hiện quá trình hình thành, phát triển mà lãnh đạo Sở thú sở hữu được. “Đây cũng là tấm bản đồ duy nhất tại Việt Nam liên quan đến Sở thú được vẽ cách đây gần trăm năm”, ông Hưng cho biết.

Tấm bản đồ này thể hiện đầy đủ nhất một giai đoạn phát triển quy mô nhất của Sở thú. Ngay sau khi chuẩn đô đốc Pierre-Paul de La Grandière ký nghị định cho xây dựng Vườn bách thảo tại Sài Gòn, một bác sĩ thú y của quân đội Pháp khi đó tên là Louis Adolphe Germain, được giao nhiệm vụ mở mang 12ha trên vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây. Sau 1 năm xây dựng, một số chuồng trại đã xây xong.

Để biến nơi này thành nơi nuôi trồng các loài động, thực vật của toàn Đông Dương, vừa để trưng bày, vừa để cung cấp cây giống cho Viện Bảo tàng quốc gia lịch sử tự nhiên (có trụ sở tại Vườn bách thảo Paris và có nhiều chi nhánh trên khắp nước Pháp - PV) và trồng dọc theo các trục lộ ở Sài Gòn; viên Thống đốc Nam Kỳ nhận thấy cần phải có người giỏi chuyên môn hơn. Do vậy, vào ngày 28-3-1865, ông đã mời J.B. Louis Pierre, người phụ trách chăm sóc thực vật của Vườn bách thảo Calcutta (Ấn Độ), sang làm giám đốc đầu tiên của Sở thú.

Đến cuối năm đó, công trình hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm được nhập về từ các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia... và được mở rộng đến 20ha.

Năm 1869, nhân ngày Quốc khánh Pháp 14-7, Thảo cầm viên Sài Gòn mở cửa thường trực cho dân chúng vào xem. Thời điểm đó, công viên có 509 loài động vật, trong đó có 120 loài thú, 344 loài chim và 45 loài bò sát. Người dân Sài Gòn khi ấy quen gọi Thảo cầm viên Sài Gòn là “Sở thú” và tên gọi phổ thông này được duy trì cho tới tận hôm nay.

Để nối từ khu 20 ha ban đầu với khu 13ha, những người lãnh đạo Sở thú bấy giờ (1924-1927) cho bắc cây cầu nội bộ. Hiện khu vực 13ha này là một phần khu đô thị mới nằm dọc theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn cạnh cầu Thị Nghè 2. Vào năm 1927, đường nội bộ trong khuôn viên cả hai khu vực vừa kể được trải nhựa, bổ sung các giống cây lạ từ Nhật Bản, xây dựng các chuồng thú có quy mô lớn và kiên cố như chuồng lồng tròn để nuôi khỉ, chuồng cọp.

Chuyện về vườn thú 155 tuổi: Trăm năm Sở thú - Thảo Cầm viên - 4

Tượng voi đồng lớn nhất Việt Nam đặt trong Thảo cầm viên.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sở thú tiếp đón hàng triệu lượt du khách đến tham quan hằng năm. Hiện Sở thú là thành viên của nhiều tổ chức động, thực vật quốc tế, trong đó có Hiệp hội các Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA); Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Hiệp hội Vườn thú và Hồ cá thế giới (WAZA); Tổ chức Quản lý loài quốc tế (ISIS)...

Diện tích hiện chỉ còn chưa tới 20ha, trong đó có hơn 1.000 cá thể động vật thuộc 125 loài; hơn 2.000 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan nội địa, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai và thảm cỏ xanh,... Sau 155 năm xây dựng, phát triển và ngót 150 năm phục vụ, Sở thú vẫn là một trong những công viên vui chơi giải trí ưa thích nhất tại TP Hồ Chí Minh của người dân và du khách trong, ngoài nước.

10 vườn thú lớn và lâu đời nhất trên thế giới

Xây dựng từ năm 1752, Schonbrunn (Áo), được xem là vườn thú lâu đời nhất thế giới. Thế chiến thứ II tàn phá vườn thú, làm giảm khoảng một nửa số lượng động vật. Sở thú London (Anh) đi vào hoạt động ngày 27-4-1828, ban đầu chỉ phục vụ nghiên cứu khoa học, 20 năm sau mới mở cửa đón du khách. Vườn thú Dublin (Ireland) hoàn thành năm 1830 và mở cửa đón công chúng một năm sau đó.

Vườn thú Berlin (Đức) khánh thành ngày 1-8-1844. Với diện tích 35 hecta, vườn thú này hiện có 17.000 động vật thuộc 1.500 loài - đứng đầu thế giới về số lượng động vật. Vườn thú Moscow (Nga) thành lập năm 1864 - cùng năm với Thảo cầm viên, là nơi cư trú của 1.127 loài động vật khác nhau.

Được thành lập năm 1882, Ueno là vườn thú lâu đời nhất Nhật Bản; là nơi cư trú của hơn 2.600 loài động vật. Điểm nhấn đặc biệt của Ueno là loài gấu trúc. Smithsonian là Vườn thú quốc gia của Mỹ, rất rộng lớn, khách tham quan không mất phí vào cổng.

Vườn thú Helsinki (Phần Lan) được hoàn thành vào năm 1889, hiện có tới hơn 20 loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vườn thú quốc gia ở Nam Phi rộng 85 hecta là “em út” so với các sở thú nêu trên.

Bí mật ngàn năm trong mộ thuyền

Có niên đại 2.500 năm, mộ thuyền Việt Khê được đánh giá là ngôi mộ cổ nhất và đẹp nhất của nền văn hóa Đông Sơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Bình – Nguyễn Cảnh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN