Chuyện người đàn bà có HIV làm nhiều người lo sốt vó

Câu chuyện về chị nhiều người vẫn kể lại, như một bài học về nỗi đau và sự thủy chung, khi mà cơn bão HIV càn quét qua những xóm làng nghèo khó ở Quảng Ngãi.

Câu chuyện về chị nhiều người vẫn kể lại, như một bài học về nỗi đau và sự thủy chung, khi mà cơn bão HIV càn quét qua những xóm làng nghèo khó ở Quảng Ngãi.

Dù câu chuyện ấy đã xảy ra hơn một năm về trước, khi người đàn bà ấy đã kết thúc cuộc đời mình trong tăm tối đớn đau tại một mái tranh nghèo, và hai trong số những người đàn ông đã từng mặn nồng với chị cũng đã lìa đời, nhưng nỗi ám ảnh thì vẫn còn mãi… Nỗi đau của cơn bão bệnh tật ấy phủ ập xuống xóm nghèo một tấm màn đen u ám.

Chuyện người đàn bà có HIV làm nhiều người lo sốt vó - 1

Ngôi nhà đã bỏ hoang của chị Bùi Thị Biển. Ảnh T.G.

Đáng trách hay đáng thương?

Mặc dù nhiều câu chuyện đã được nhắc tới, nhiều khẩu hiệu đã được đưa ra, nhiều bài học đã được nói đến về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Nhưng ở một xóm nghèo của huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) người ta chỉ được biết đến căn bệnh ấy từ một câu chuyện có thật, nạn nhân là người thân quen với họ. Nơi ấy, một làng quê vốn thanh bình, yên ả, đẹp lạ thường với những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát. Ngôi nhà của chị Bùi Thị Biển khá bề thế nhưng lại bừa bộn, cỏ mọc um tùm vì đã lâu vắng bóng người ở. Đây cũng chính là nơi chị Biển đã sống những ngày tháng cuối đời trong sự xa lánh của bà con, hàng xóm láng giềng và sự hận thù của những người đàn ông đã từng chung chạ với chị. Bởi họ cho rằng chị đã gieo cho họ cái chết.

Theo những lời kể đầy cảm thông của những người dân nơi đây, thì chị Biển là nông dân hiền lành chân chất, sống có tình có nghĩa và luôn giúp đỡ mọi người. Chị lấy chồng đã được mười lăm năm, tuy không khá giả nhưng vợ chồng chị hết mực thương yêu nhau. Họ sống bên nhau thật hạnh phúc êm đềm và có được ba người con. Thế nhưng, bi kịch đã đổ sập xuống cuộc đời người phụ nữ tần tảo này vào đầu năm 2005, khi trong một cơn lũ tràn về bất chợt, anh đã lao mình xuống dòng nước lũ rồi mất hút mãi mãi khi cố vớt chiếc ghe bị chìm cho nhà hàng xóm.

Từ ngày người chồng mất đi, bao gánh nặng đè lên đôi vai gầy của chị vì phải lo trả khoản nợ mà anh chị đã vay mượn làm nhà và nuôi 3 con ăn học. Mỗi buổi sáng, chị lặn lội vài chục cây số xuống tít tận vùng biển mua cá, tôm ngược vùng núi bán. Rồi nhiều lúc đêm về, nằm một mình mà chị thương cho số phận của mình, thương cho ba đứa con nhỏ dại không được sự chăm sóc của người cha. Cùng với đó, số tiền nợ đã đến hạn phải trả, mà chị chẳng thể nào kiếm được số tiền dư dả để trả khoản nợ kia.

Khó khăn, vất vả cùng những áp lực cơm áo gạo tiền, dù vậy sắc đẹp trời cho của người đàn bà ở độ tuổi gần tứ tuần vẫn rực rỡ, làm say mê bao con mắt của những gã đàn ông hám của lạ trong vùng. Nhưng đời có ai học được chữ ngờ, chị đã buông mình, chùng bước trước những biến cố ấy của cuộc đời. Tận dụng nhan sắc vốn có của mình, chị đã chung đụng với nhiều người đàn ông, từ làm nông, buôn bán đến công chức "ham của lạ" để có tiền tiêu xài và trả nợ. Quãng thời gian ấy của chị quả thực rất đáng phê phán, bởi dù có lý do gì để biện minh đi chăng nữa, thì đó là điều không thể chấp nhận được.

Chuỗi ngày tăm tối và một kết thúc tất yếu

Cái giá mà chị phải trả cho những ngày sống sa đoạ này là căn bệnh HIV/AIDS. Lần ấy, chị bị sốt, trong khi tiến hành xét nghiệm máu, các bác sỹ đã phát hiện ra sự thật phũ phàng. Mặc dù biết trước nguy cơ lây nhiễm HIV từ việc chung đụng với nhiều người đàn ông là rất lớn và đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận hung tin, nhưng người phụ nữ này vẫn không tránh khỏi cú sốc khi cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm. Sau cái ngày biết hung tin định mệnh ấy, đã có thời gian khá dài, chị Biển đã sống trong trầm uất và đau khổ. Ngày nối ngày chỉ có nước mắt và uất hận làm bạn cùng với chị…

Chuyện người đàn bà có HIV làm nhiều người lo sốt vó - 2

Nhiều người phụ nữ khu Tây, Sơn Tịnh kể lại câu chuyện đau lòng này với chúng tôi. Ảnh T.G.

Và rồi chẳng biết vì sao mà mọi người dân trong làng đều biết. Những người đàn ông từng chung chạ với chị đã bỏ của chạy lấy người cùng nỗi hoang mang đến tột cùng. Biết căn bệnh thế kỷ đang từng ngày ngấm ngầm cấu xé, bào mòn sức lực của cơ thể khiến chị Biển tuyệt vọng và bế tắc vô cùng. Dẫu nhận được sự an ủi, động viên của người thân nhưng sự ghẻ lạnh, dè bỉu, xa lánh, những lời kỳ thị cay nghiệt của bà con, hàng xóm láng giềng là điều làm chị càng thêm đau đớn.

Một năm sau, chị tạm biệt cõi đời trong đau đớn, lặng lẽ, để lại "nỗi oan tình" và manh mối danh tính những người đàn ông "ham của lạ" đã đi qua cuộc đời chị. Cái tin chị chết vì bị nhiễm HIV lan truyền nhanh đến chóng mặt, đâu đâu người ta cũng bàn tán xôn xao về danh tính của những người đàn ông từng chung đụng với chị đang mang án tử bổng treo lơ lửng trên đầu. Trong lúc những đứa con chị rơi vào cảnh túng quẫn, tủi nhục thì ở các gia đình của những đàn ông từng gắn bó mặn nồng, chung đụng với chị càng dậy sóng. Các bà vợ khóc lóc, vặn hỏi thì các ông chồng gãi đầu, gãi tai, quanh co chối tội.

Đỉnh điểm dư luận xung quanh câu chuyện này là khi hai người đàn ông từng "thề non hẹn biển" với chị Biển lần lượt qua đời chỉ sau cái chết của chị vài tháng. Chưa có gì chứng minh hai người đàn ông này bị lây nhiễm HIV từ chị, chỉ biết rằng sau khi chị chết, họ bị rơi vào trầm cảm, hoảng hốt, sợ hãi, lo buồn, suy sụp tinh thần trông thấy rồi qua đời nhanh chóng. Cái chết của hai người đàn ông này càng khiến dư luận không ngớt lời bàn tán, nhiều người còn đưa ra dự đoán về danh sách những người đàn ông tiếp theo đã từng ăn nằm với chị sẽ bị "án tử".

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Lê Quang Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Ngãi kể lại rằng ngay sau khi ghi nhận trường hợp chị Biển bị nhiễm, trung tâm đã tuyên truyền và vận động chị đến Trung tâm nhận thuốc, nhưng chị chỉ đến một lần rồi thôi. Với tình trạng bệnh của chị Biển lúc ấy, nếu điều trị đúng theo phác đồ, chị có thể kéo dài thêm được sự sống, nhưng có lẽ vì sự suy sụp tinh thần lẫn búa rìu của dự luận nên chị Biển đã ra đi một cách nhanh chóng như vậy. Cũng theo bác sĩ Quỳnh, có thể còn rất nhiều người đàn ông khác từng chung đụng với chị Biển nghi mình nhiễm, nhưng vì sợ tai tiếng nên vẫn không dám đi xét nghiệm để được điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm cho gia đình và xã hội.

"Nếu như HIV là án tử thì sự kỳ thị là bản án chung thân, đẩy người ta vào ngõ cụt. Muốn giảm kỳ thị, trước hết bản thân người bệnh phải thoát khỏi sự mặc cảm để tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và phòng chống HIV/AIDS. Thật ra cuộc sống không ai hoàn hảo cả, ai cũng từng mắc sai lầm. Đừng bỏ cuộc quá sớm khi mọi thứ vẫn còn có thể! Mong rằng những con người vô tội ấy biết chấp nhận thực tại và đối đầu với tương lai đầy gian nan vất vả phía trước. Hy vọng rằng, mọi người hãy đồng cảm, chia sẻ để những con người ấy vơi đi nỗi đau, có đủ bản lĩnh vững vàng để vượt qua tất cả", bác sỹ Quỳnh chia sẻ thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Ly (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN