Chuyện ít người biết về nguồn gốc chiếc cốc uống bia “huyền thoại”

“Cha đẻ” của chiếc cốc “thần thánh” đã bật mí nguyên nhân vì sao chiếc cốc thô kệch này lại trường tồn với thời gian.

Chuyện ít người biết về nguồn gốc chiếc cốc uống bia “huyền thoại” - 1

 Họa sĩ Huy Văn năm nay đã 75 tuổi và chiếc cốc vại, tính đến giờ gắn bó với ông đã gần nửa cuộc đời.

Ra đời như một nhiệm vụ

Bia hơi vỉa hè từ lâu đã trở thành một nét “văn hoá riêng” của người Hà Nội. Trong thời kỳ bao cấp khó khăn, bia hơi dù được coi là mặt hàng xa xỉ nhưng những của hàng Mậu dịch quốc doanh độc quyền bán bia của nhà nước luôn đông kín khách mỗi buổi chiều về. Cảnh tượng cả trăm con người nhẫn nại chờ đợi rồi thất vọng ra về khi chưa đến lượt bia đã bán hết không phải chuyện hiếm.

Chuyện ít người biết về nguồn gốc chiếc cốc uống bia “huyền thoại” - 2

 Người dân xếp hàng mua bia hơi Hà Nội được đựng trong chiếc cốc vại "huyền thoại". (Ảnh chụp trong triển lãm “tái dựng thời bao cấp” vào cuối năm 2015)

Không có cốc "chuyên dụng” để uống bia, người Hà Nội khi đó dùng đủ các loạt cốc chén to nhỏ hay. Năm 1976, hoạ sỹ Lê Huy Văn ngày đó đang làm việc ở Phòng Kỹ thuật Liên hiệp xã Tiểu thủ Công nghiệp Trung ương đã được giao nhiệm vụ thiết kế chiếc cốc uống bia, phục vụ nhu cầu của nhân dân.

Mất chưa đầy một giờ đồng hồ, hình dáng của chiếc cốc đã hiện lên trên bản vẽ và 3 ngày sau mẻ cốc vại bia “huyền thoại” đầu tiên chính thức ra lò tại HTX Thủy tinh Dân Chủ.

"Trên bản vẽ, tôi thiết kế chiếc cốc có hình côn, phần miệng loe to thân đáy nhỏ lại nhằm giúp việc xếp chồng cốc lên nhau thuận tiện; trên thân cốc có gờ tròn để dễ cầm nắm. Cốc có dung tích tới nửa lít do thời điểm đó mua bia mậu dịch mỗi lần xếp hàng chỉ được phép mua 1 cốc, uống xong rồi quay lại xếp hàng mua tiếp. Nên chiếc cốc được thiết kế lớn để mua cho đỡ mất công", hoạ sỹ Văn nhớ lại.

Chuyện ít người biết về nguồn gốc chiếc cốc uống bia “huyền thoại” - 3

 Ra đời trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, chiếc cốc bia vại vẫn có sức sống mãnh liệt và trường tồn suốt hơn 40 năm qua.

Sau khi thiết kế ra chiếc cốc vại bia “huyền thoại”, bản thân hoạ sĩ Lê Huy Văn cũng một thời gian quên bẵng nó mà tập trung vào công việc thiết kế khác. Còn bản thân chiếc cốc bản thân nó lại mang một số mệnh khác, chỉ mất vài năm đã hoàn toàn “xâm lấn” thị trường và cứ thế tồn tại suốt hơn 40 năm qua cùng biết bao thăng trầm của lịch sử.

Khi được hỏi về sức sống mãnh liệt của chiếc cốc bia vại “huyền thoại”, họa sĩ Văn phân tích, có 3 lý do chính khiến chiếc cốc vại tồn tại lâu bền. Thứ nhất, nó được thiết kế khá chắc chắn, đơn giản phù hợp với việc uống bia bình dân. Với hình dáng đơn giản cũng giúp quá trình sản xuất, vận chuyển trở nên thuận tiện hơn. Lý do thứ hai, chiếc cốc được sản xuất từ thuỷ tinh tái chế nên giá thành rẻ, không gây ô nhiễm môi trường. Thứ ba đó là do thói quen của người sử dụng. Một khi họ đã quen với nó thì thật khó để chuyển sang dùng sản phẩm khác.

Năm nay, họa sĩ Huy Văn đã 75 tuổi, tính ra, hơn nửa đời ông đã gắn bó với cốc bia vại. Cũng đã nhiều lần ông nghĩ đến chuyện cải tiến mẫu cốc sao cho đẹp hơn, nhưng chưa thành, do chi phí sản xuất mẫu cốc mới có chi phí cao hơn nhiều lần so với cốc vại.

Chiếc cốc "huyền thoại” không đối thủ

Quả thật vậy, dạo qua một vòng các quán bia hơi ở Hà Nội, từ nơi tầm xoàng vỉa hè cho đến những nhà hàng sang trọng cao cấp, khách đã uống bia hơi đều dùng chung một loại cốc - chiếc cốc thuỷ tinh màu xanh nhạt mang hình dáng thô kệch, sần sùi, đầy bọt thuỷ tinh.

Chuyện ít người biết về nguồn gốc chiếc cốc uống bia “huyền thoại” - 4

 Chiếc cốc vại bia, bao năm qua đã gắn bó với người Hà Nội như một vật dụng quen thuộc.

Cũng đã có nhiều nhà hàng bia cao cấp muốn nâng chất lượng phục vụ khách hàng nên đã thử thay thế cốc uống bia hơi bằng loại cốc thuỷ tinh đời mới trong vắt, có quai cầm hoặc loại cốc nhựa trắng giả pha lê có độ bền cao nhưng đều không được khách hàng ưa chuộng. Họ nói uống bia hơi trong loại cốc nhẹ tếch ấy làm mất đi hương vị đậm đà của bia hơi Hà Nội và đòi chủ cửa hàng phải sử dụng loại cốc vại truyền thống. Vậy là những loại cốc đời mới đành chịu cảnh xếp xó nhường chỗ cho chiếc cốc xanh huyền thoại.

Chuyện ít người biết về nguồn gốc chiếc cốc uống bia “huyền thoại” - 5

 Dù thiết kế đơn giản nhưng hơn 40 năm qua chiếc cốc vẫn đem lại cho người dùng cảm giác thích thú mỗi khi chạm tay vào.

Anh Thắng (Thái Nguyên) chia sẻ: “Uống bia hơi mà không phải bằng loại cốc vại xanh này thì mất hẳn vị ngon rồi."

Cùng chung quan điểm, nhiều người cho rằng bia hơi Hà Nội đã trở thành một “nét văn hoá” riêng. Không cần nhà hàng sang trọng, cốc đẹp, khách vào uống bia hơi có cái thú riêng khi được cầm cái cốc vại thô kệch, bọt tăm nổi li ti khi uống đến đâu bọt bám theo thành cốc tới đó. Chiếc cốc vại ấy từ khi ra đời đến nay như một định mệnh đã gắn liền với văn hoá uống bia hơi Hà Nội.

Chiếc cốc vại với vẻ đẹp dù thô kệch, cổ lỗ nhưng lại đem cho người ta cảm giác thích thú mỗi khi chạm tay vào…hình ảnh những bọt bia lăn tăn đan xen với màu vàng đượm đựng trong khối thuỷ tinh màu xanh đặc trưng ấy đã in đậm vào tâm trí nhiều người, giữ chiếc cốc tồn tại trong suốt hơn 40 năm qua và sẽ còn rất lâu nữa.

Sống dậy ký ức thời bao cấp

Thời bao cấp gian khó nhưng với nhiều người, nó lại là ký ức không thể nào quên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Linh- Đức Cảnh ([Tên nguồn])
Những vật phẩm huyền thoại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN