Chuyển hòn đá "lạ" ra khỏi đền Hùng

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có công văn yêu cầu tỉnh Phú Thọ chuyển hòn đá lạ ra khỏi đền Hùng.

Trao đổi với PV sáng 16/5, ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, sau khi dư luận lên tiếng, tỉnh Phú Thọ đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ xin ý kiến về hòn đá lạ tại khu di tích đền Hùng.

Ngày 14/5, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có công văn trả lời tỉnh Phú Thọ, khẳng định hòn đá lạ không có trong danh mục hiện vật và nội dung tu bổ đã được phê duyệt, Bộ yêu cầu tỉnh Phú Thọ chuyển ra khỏi đền Hùng.

Bộ cũng yêu cầu Ban quản lý di tích rút kinh nghiệm trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị của di tích lịch sử đền Hùng.

Trước đó, những ngày diễn ra lễ hội Đền Hùng 2013, hòn đá “lạ” tại đền Thượng (Khu di tích Đền Hùng) tạo sự chú ý của dư luận. Hòn đá hình cánh buồm, được gia cố khá lạ mắt. Mặt trước và sau của hòn đá có ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp. Nhiều người dân đồn thổi rằng hòn đá này là một dạng bùa yểm.

Chuyển hòn đá "lạ" ra khỏi đền Hùng - 1

Nhiều người dân hiếu kỳ xem hòn đá và rải cả tiền

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, hòn đá ở Đền Hùng được một người dân cung tiến năm 2009, khi tu sửa đền. Điểm “lạ” nhất của hòn đá là những hình vẽ chằng chịt và ký tự cổ. Chỉ những nhà chuyên môn mới hiểu được ý nghĩa của những hình vẽ trên hòn đá. Nhưng lúc đưa vào đền đã có nghiên cứu và được sự đồng ý của những người có trách nhiệm với khu di tích.

Ông Ân thừa nhận, có nhiều ý kiến xung quanh hòn đá “lạ”. Có ý kiến cho rằng, nên có hội thảo bàn bạc về hòn đá “lạ” này. Có ý kiến cho rằng, nên rời bỏ hòn đá lạ khỏi Đền Hùng, không nên sa vào tranh luận.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng lên tiếng đề nghị rời hòn đá ra khỏi khu di tích lịch sử đền Hùng.

Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cho rằng, nhất định phải bỏ hòn đá này ra khỏi đền Hùng. Bởi đây là hòn đá mang đầy tính mê tín di đoan và vô lối, không theo dòng chảy văn hóa nào của tổ tiên.

Theo ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam, vấn đề phong thủy có thể là do tập quán, có thể tôn trọng, nhưng nếu là nơi di tích đặc biệt của Quốc gia, cần tuân thủ luật Di sản. Đưa cái gì mới vào, bỏ cái gì ra phải tuân theo quy định, nếu sai, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN