Chuyên gia nói gì về đề xuất cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương?

Sự kiện: Tin nóng Thời sự

Các chuyên gia giao thông vừa có chia sẻ liên quan đến đề xuất thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương hoặc đường Nguyễn Trãi.

Chuyên gia nói gì về đề xuất cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương? - 1

Cấm đường sẽ gây áp lực đường khác, thêm ùn tắc giao thông

Mới đây, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT đang phối hợp với Viện Chiến lược của Bộ GTVT, nghiên cứu xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông, trong đó, dự kiến phương án sẽ chọn một trong 2 tuyến đường: Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi để thí điểm cấm xe máy. Lộ trình chung của đề án là từ năm 2030 nhưng một trong hai tuyến đường này sẽ được thực hiện sớm hơn từ 2 đến 3 năm.

Cấm đường sẽ gây áp lực đường khác, thêm ùn tắc giao thông

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, việc cấm xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi là việc làm không khả thi, không được người dân hưởng ứng kể cả trong 10 năm nữa.

Ông cho biết, xe máy chỉ chiếm mặt đường khoảng 1/5 so với ô tô, lượng thải ra cũng ít hơn so với ô tô. Chính vì vậy, một số ý kiến của cơ quan quản lý nói rằng xe máy là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, tai nạn là hoàn toàn không đúng.

Chuyên gia nói gì về đề xuất cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương? - 2

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Ảnh: Hoàng Lực

“Hiện nay có tới gần 90% người dân sử dụng phương tiện xe máy để đi lại, buôn bán mưu sinh. Trong khi đó, giao thông công cộng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 10%, năng lực phục vụ chưa tốt. Vậy nếu cấm xe máy người dân sẽ đi bằng gì. Thêm nữa, cấm tuyến đường này người dân sẽ luồn lách đi tuyến đường khác gây áp lực giao thông, thêm ùn tắc giao thông”, ông Thủy nói.

Vị chuyên gia giao thông này cho biết thêm, hiện nay phương tiện xe máy rất thuận lợi, có tốc độ, ít gây ô nhiễm, cơ động, đi được ngõ ngách và đặc biệt phù hợp với người nghèo. “Trong điều kiện vận tải công cộng chưa đáp ứng, yếu kém, đường chưa thông, hè chưa thoáng thì xe máy là phương tiện hiệu quả trong việc giải quyết hạ tầng giao thông”, ông Thủy bày tỏ quan điểm.

TS. Đinh Thị Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý GTVT cho hay, hiện nay, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có nhiều nhà cao tầng, mật độ dân cư, phương tiện đông.

Trong khi đó, tuyến đường Nguyễn Trãi mới chỉ có một tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Trong trường hợp cấm tuyến đường này bà Bình cho rằng số lượng người dân đi từ điểm đầu đến điểm cuối tuyến đường sắt chỉ chiếm khoảng 30%.

Số còn lại 70% người dân chỉ đi một đoạn trên tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông và sau đó phải sử dụng xe buýt để tiếp tục di chuyển đến nơi cần đến. Tương tự, tuyến đường Lê Văn Lương cũng mới chỉ có phương tiện BRT, chưa có tuyến đường sắt.

“Nếu như phương tiện giao thông công cộng không được tăng cường thêm, cải thiện thì không đáp ứng được nhu cầu người dân hoặc gây khó khăn thì họ sẽ lại chọn phương tiện xe máy để di chuyển. Nhiều người tránh đường cấm sẽ đi vào ngõ ngách hoặc các tuyến đường song song với trục sẽ gây thêm áp lực giao thông, ùn tắc xảy ra”, bà Bình phân tích.

Giao thông công cộng thuận lợi, người dân sẽ tự từ bỏ đi xe máy

Chuyên gia nói gì về đề xuất cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương? - 3

Đường Lê Văn Lương dày đặc nhà cao tầng

Ông Phạm Văn Thịnh (50 tuổi) ở phường Mộ Lao, quận Hà Đông cũng lo ngại, hiện nay hệ thống giao thông công cộng không bảo đảm, làm như vậy sẽ gây khó khăn lớn cho người dân. Ông Thịnh nói: “Ngoài việc dùng xe máy đi làm chúng tôi còn sử dụng xe máy đi chợ, chở hàng, đưa đón trẻ con đến trường, học thêm. Nếu cấm đường chúng tôi sẽ gặp khó khăn, không phải ai cũng có điều kiện đưa đón con bằng taxi, hoặc có ô tô riêng”.

Tiến sĩ Bình cho rằng, cơ quan chức năng trước mắt chỉ nên khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng, không nên cấm hoàn toàn xe máy. Trường hợp đối với các tuyến phố cấm, cơ quan chức năng cần phải phân luồng cho xe máy đi vào đường tránh, vòng, hoặc tuyến đường chạy song song.

Ngoài ra, phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng, nâng cao năng lực phục vụ đối với xe buýt trên hành lang của các tuyến còn lại. Nếu Hà Nội muốn cấm phương tiện cá nhân giao thông công cộng phải đạt được ít nhất 40% nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, Hà Nội cần thực hiện dần dần, theo lộ trình từng bước, trước mắt phải xóa bỏ các điểm đen giao thông (32 điểm), xây dựng thêm các tuyến đường sắt trên cao, cầu vượt, mở rộng đường cửa ngõ vào Thủ đô.

Phát triển giao thông công cộng thành mạng lưới giao thông kết nối, không xây dựng đường độc đạo. Tại các con ngõ, phải xây dựng được các phương tiện xe đạp hoặc các bãi gửi xe. Song song với đó, sẽ nghiên cứu hạn chế phương tiện ô tô vào các tuyến phố hẹp, trung tâm theo ngày chẵn, lẻ.

“Khi giao thông công cộng tốt lên, đáp ứng được nhu cầu của người dân thì tự họ sẽ thay đổi thói quen bỏ phương tiện cá nhân. Lúc đó, không cần cấm phương tiện cá nhân họ cũng sẽ từ bỏ”, ông Thủy nói.

8 tháng đầu năm 2018, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đã làm đăng ký, cấp biển số mới cho hơn 218.000 phương tiện, trong số này có hơn 38.000 ô tô, 170 nghìn xe máy. Từ lượng phương tiện gia tăng từ đầu năm 2018 đến nay, tính trung bình mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm hơn 27 nghìn ô tô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển số để đổ ra đường. Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông. Theo UBND TP, dự báo đến năm 2020, TP. Hà Nội sẽ có hơn 843 nghìn ô tô, hơn 6 triệu xe mô tô, xe gắn máy. Đến năm 2030 thì số ô tô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu.

Đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội
Ý kiến của bạn về đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội?

Hà Nội thí điểm cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương

Chiều 11/3 Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện đã trả lời báo chí về việc hạn chế, tiến tới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN