Chuyện chưa kể về vợ chồng “ông Út vá đường”

Sự kiện: 24h vạn dặm

“Ông Út vá đường” là cái tên được người dân ấp 3, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đặt cho ông Nguyễn Trường Giang (60 tuổi).

Hình ảnh vợ chồng ông Út đi vá đường đã trở thành quen thuộc với người dân địa phương

Hình ảnh vợ chồng ông Út đi vá đường đã trở thành quen thuộc với người dân địa phương

Lấy tiền nhà làm “việc bao đồng”

Từ lâu nay, hình ảnh ông Giang cùng vợ mình là bà Trần Thị Út cặm cụi vá đường đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây.

Ông Út Giang vốn công tác trong quân đội, đến năm 1985 xuất ngũ về địa phương. Sau đó, ông được phân công vào làm ở Hội Chữ thập đỏ xã Khánh Lâm, công tác ở đó cho đến cuối năm 2020.

Ông kể, “cơ duyên” đưa ông đến với “việc bao đồng” xuất phát từ việc, khoảng năm 2011, khi đi đường, ông tình cờ chứng kiến một người đi xe máy gặp tai nạn chỉ vì sụp “ổ gà” trên đường.

Nạn nhân may mắn không chết nhưng bị thương rất nặng. Đêm đó về, ông thức trằn trọc và suy nghĩ: “Nếu mình lấp được “ổ gà” nào thì chỗ đó sẽ an toàn”. Dù về hưu với đồng lương ít ỏi, song ông không ngần ngại, khi ngay sáng hôm sau đi mua vật liệu rồi trộn sẵn ở nhà.

Khi vật liệu đã được trộn xong, ông xúc lên chiếc xe rùa đẩy đi dọc đường, đến chỗ nào có “ổ gà” thì vá, hết “ổ gà” này đến “ổ gà” khác, từ những đoạn đường gần đến những đoạn đường xa. Sau hơn 10 năm, đến nay chính ông cũng không thể nhớ nổi đã vá được bao nhiêu “ổ gà”.

“Ban đầu thấy tôi làm chuyện bao đồng, vợ tôi không đồng tình và quyết liệt phản đối, vì lấy tiền đâu mà làm. Thấy vợ không đồng tình, tôi thuyết phục mãi và được vợ đồng ý đi theo cùng một chuyến. Từ lần đi đầu tiên vợ tôi thấy việc làm của tôi có ý nghĩa, nên từ đó cứ mỗi lần tôi lấy xe rùa đi vá đường là “xin” đi theo, nhiều lúc sang địa phương khác, cách nhà hơn 10km”, ông Giang chia sẻ.

Thấy việc làm của cha mình có ý nghĩa thiết thực, anh Nguyễn Thiện Toàn (con trai của ông Giang) cũng đồng tình ủng hộ và mỗi lần ông đi vá đường ở xa là anh Toàn đều lấy xe máy chở ông đi, chỗ nào không có nước sạch để trộn hồ thì anh phụ cha đi xách nước.

Dần dần, người dân địa phương cứ thấy ông Út Giang đẩy xe rùa chở vật liệu xây dựng là mọi người hiểu rằng ông Út đang đi làm “chuyện bao đồng”.

Hớp ngụm trà nóng, ông Giang kể: “Một lần có hai vợ chồng người kia ghé lại hỏi chuyện và ngỏ ý hỗ trợ tiền để tôi mua vật tư. Nhưng tôi không lấy, mình có bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, nếu lấy tiền rồi không làm thì mình mang tội với người đó”.

Nói về việc làm của chồng mình, bà Trần Thị Út chia sẻ: “Gia đình tôi cũng không khá giả gì nhưng thấy đường hư hỏng, có người sụp té nên tôi ủng hộ chồng để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại”.

Mong muốn việc “vá đường” được lan tỏa

Nhiều năm nay, hình ảnh ông Út Giang cặm cụi vá đường đã trở nên quen thuộc với người dân xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau. Ảnh: Gia Minh

Nhiều năm nay, hình ảnh ông Út Giang cặm cụi vá đường đã trở nên quen thuộc với người dân xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Cà Mau. Ảnh: Gia Minh

Hiện lương thương binh 1 tháng của ông Út là 1.750.000 đồng. Để có tiền vá đường, mỗi tháng ông Út trích ra từ lương hưu của mình khoảng 300.000 - 500.000 đồng để mua vật liệu xây dựng "vá" đường.

Thấy được việc làm ý nghĩa của ông Giang, có nhiều người mang giúp ông nước uống, cũng có người xin số điện thoại, khi thấy đường nào có nhiều “ổ gà” là họ điện cho ông hay. “Lúc đó, tôi rất vui và không nghĩ ngợi gì, chỉ nghĩ một việc mình đến đó vá đường càng sớm càng tốt”, ông Giang bộc bạch.

Khi được hỏi về việc nhiều người nói ông làm “việc bao đồng”, ông cười vui vẻ đáp: “Tôi không nghĩ ngợi gì hết, vì làm sao tránh được điều tiếng. Việc mình làm chỉ mình biết, miễn mình thấy đó là điều nên làm, phải làm và mong muốn việc làm này được lan tỏa. Thấy người dân, các cháu học sinh đi lại an toàn là tôi vui rồi”.

Ông Giang chia sẻ, ngoài việc vá đường, lúc rảnh rỗi không có việc gì làm, ông lại đi phát quang bụi rậm dọc đường: “Tôi xem như đây là một cái nghề của mình. Tôi về hưu rồi, khi về già không làm gì lớn lao được thì làm việc nhỏ nhặt, miễn sao việc làm của mình giúp ích được cho xã hội một chút thôi”.

Cảm kích trước việc làm của vợ chồng ông Giang, ông Cao Minh Đạt, Bí thư kiêm Trưởng ấp 3 chia sẻ: “Việc tự nguyện bỏ tiền túi để vá đường, giúp người dân đi lại thuận tiện là rất đáng quý, nhất là gia cảnh ông bà chẳng khá giả gì. Không những vậy, ông Giang còn thường xuyên vận động mạnh thường quân đóng góp tiền, nhu yếu phẩm tặng cho người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa phương”.

Với đóng góp và việc làm ý nghĩa của mình, năm 2017, ông Giang được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen. Ngoài ra, ông còn được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng nhiều Bằng khen do có những đóng góp thiết thực vào phong trào thi đua, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Câu chuyện về ”bà trùm” rau sạch trên bãi giữa sông Hồng

Là chủ của 5 héc-ta hoa màu, nằm chơi vơi giữa con sông Hồng chảy qua thủ đô Hà Nội, khi hỏi đến chị em bà Lợi - bà...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Minh ([Tên nguồn])
24h vạn dặm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN