Chuyện bắt “thủy quái” trên dòng sông thơ mộng dưới chân đèo Mã Pì Lèng

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Người đàn ông nhỏ thó phải vật lộn với con “thủy quái” nặng hơn 50kg trên sông Nho Quế khiến ông bị ngã đập miệng vào đá gãy 3 chiếc răng cửa.

Sông Nho Quế từng là nơi trú ngụ của nhiều loài “thủy quái” nước ngọt nặng hàng chục kg.

Sông Nho Quế từng là nơi trú ngụ của nhiều loài “thủy quái” nước ngọt nặng hàng chục kg.

Gãy răng vì vật lộn với “thủy quái”

Sông Nho Quế đẹp và thơ mộng đến vậy nhưng cá, tôm lại chẳng có là bao. Anh Hướng – người lái thuyền chở chúng tôi đi trên sông Nho Quế cho hay, có những hôm anh đi câu cả ngày chỉ được vài con cá nhỏ. Hay có những người đánh hàng 50-60 chiếc lưới bát quái nhưng cũng chỉ thu về vài lạng tôm, dăm ba con cá.

Chúng tôi lấy làm lạ, anh Hướng cho biết, ngày trước, sông cũng có cá, thỉnh thoảng người dân quăng chài vẫn bắt được những con cá rất to cỡ mấy chục cân, ba ba cỡ lớn cũng nhiều nhưng giờ thì ít rồi.

Theo hướng dẫn của người lái thuyền, chúng tôi đi về phía hạ nguồn sông Nho Quế, mạn gần thủy điện Bảo Lâm 3 (Cao Bằng). Nơi đây lòng sông rộng hơn và đã từng có người đã bắt được những con “thủy quái” trên sông.

Chúng tôi tìm vào nhà ông Hứa Văn Héng – một người dân xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), người đã từng câu được cá chiên “khủng” trên sông Nho Quế.

Cá chiên là loài cá da trơn, có râu; thịt vàng, thơm và dẻo quánh. Loài này đặc biệt chỉ sống ở vùng nước xiết, cạnh hang hốc, ghềnh đá cheo leo, cũng vì thế mà  nó có sức sống bền bỉ.

Một con cá chiên trưởng thành, tối đa có thể nặng lên tới 50-60kg. Chính vì trọng lượng lớn nên loại cá này còn được mệnh danh là “thủy quái” vùng nước ngọt.

Cá Chiên là loài cá nước ngọt, ưa vùng nước chảy xiết, trọng lượng lên tới 50-60kg. Ảnh tư liệu. 

Cá Chiên là loài cá nước ngọt, ưa vùng nước chảy xiết, trọng lượng lên tới 50-60kg. Ảnh tư liệu. 

Ông Héng nhớ lại, khoảng hơn 20 năm về trước, ông cùng 2 người bạn ra sông Nho Quế căng lưỡi chùm bắt cá. Lúc ấy, chưa có thủy điện nên lòng sông nhỏ, nước chảy xiết. Ông Héng căng hàng loạt những chùm móc câu ngang 2 bên bờ sông với hy vọng sẽ được một ít cá mang về cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Sau nửa ngày ngồi đợi, một con cá chiên rất to đã mắc vào lưỡi câu chùm của ông. Thấy con cá quẫy rất mạnh, biết là có cá to, ông Héng lao xuống dòng sông để bắt cá.

“Cũng may nước sông lúc bấy giờ cạn nên con cá không vùng vẫy được lâu. Tôi lôi con cá vào bờ, buộc dây dù vào đuôi nó. Lúc tôi đang buộc dây thì nó giật mạnh khiến tôi ngã lao về phía trước, đập miệng vào đá làm gãy 3 cái răng cửa”, ông Héng vui vẻ kể lại.

Sau khi đưa cá lên bờ, ông Héng vác cá về nhà. Con cá dài và to hơn cả thân người ông khiến bà con dân bản ai cũng trầm trồ, kéo đến xem. Hồi ấy, chuyện ông Héng câu được cá “khủng” là chủ đề bàn tán xôn xao khắp trong bản.

Do con cá quá to nên ông Héng quyết định mang đi bán để lấy tiền trang trải cuộc sống. Ông đưa cá lên lưng ngựa mang ra trung tâm huyện Mèo Vạc, mất cả nửa ngày đi.

“Con cá hơn 50kg, tôi thu về gần 1 triệu đồng, đủ để mua gạo, mắm muối và lương thực cho gia đình dùng trong một thời gian dài và cắm lại 3 chiếc răng giả”, ông Héng chia sẻ.

Không chỉ câu được cá chiên “khủng”, ông Héng còn nhiều lần câu được ba ba cỡ lớn. Ông nhớ, có hôm, ông câu được tới 4-5 con, trong đó có con nặng khoảng 15kg. Tất cả ông đều mang ra phố huyện bán để lấy tiền trang trải cuộc sống còn nhiều khó khăn ở vùng núi từ những năm cuối của thế kỷ trước.

Ngoài ông Héng, ông Hứa Văn Hính – một người hàng xóm của ông cũng đã bắt được một con cá chiên “khủng” khác, khoảng 32kg cách đây đã hơn 20 năm.

Ông Hứa Văn Hính vui vẻ kể lại câu chuyện từng câu được con cá chiên 32kg.

Ông Hứa Văn Hính vui vẻ kể lại câu chuyện từng câu được con cá chiên 32kg.

Lần ấy, trong một lần mùa lũ về, nước sông dâng cao, chảy xiết, ông Hính ra sông giăng lưới. Giăng lưới xong, ông ngồi buông cần câu cá. Một lúc sau, ông Hính thấy lưới động mạnh. Biết có cá to, ông vội vàng thu lưới lại thì phát hiện một con cá chiên to đã dính lưới.

“Do nước lớn, tôi mất hàng chục phút để vật lộn với con cá cho nó đuối sức. Mắt lưới của tôi rộng cỡ 20cm cũng đã rách gần hết nhưng may mắn cũng đưa được con cá lên bờ”, ông Hính nhớ lại.

Ông Hính vác cá về nhà, đặt lên cân thì được 32kg. Ông cũng mang ra phố huyện bán để lấy tiền trang trải cuộc sống.

“Thủy quái” dần biến mất

Ông Héng và ông Hính là 2 trong số ít người may mắn câu được “thủy quái” trên sông Nho Quế trong quá khứ. Nhiều năm trở lại đây, người ta không còn câu được những con cá hay ba ba “khủng” nữa. Mặt sông giờ đây lúc nào cũng yên ả, “thủy quái” dần biến mất.

Anh Hướng – người lái thuyền cho chúng tôi biết, trước đây, mỗi khi mùa mưa về, nước sông Nho Quế hung dữ, chảy cuồn cuộn mang theo đầy ắp cá, tôm về cho người dân. Thế nhưng từ năm 2007, khi công trình thủy điện đầu tiên Nho Quế 3 bắt đầu được xây dựng, con sông bắt đầu hiền hòa hơn.

Đến hiện tại, trên sông Nho Quế đang tồn tại 5 nhà máy thủy điện gồm: thủy điện Nho Quế 1, 2, 3 tại địa phận Hà Giang và thủy điện Bảo Lâm 3, 3A tại địa phận Cao Bằng.

“Từ khi có đập thủy điện giữ nước lại, lòng sông phía trước mỗi đập rộng và sâu hơn, phía sau đập có lúc lại cạn trơ đáy. Tôm, cá tự nhiên từ đó cũng vơi dần đi. Lâu rồi, tôi không nghe thấy ai câu hay đánh lưới được cá, ba ba mấy chục kg.

Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy thủy điện là sự phát triển tất yếu của cuộc sống bởi, điện mang lại sự phát triển kinh tế, tiếp cận với công nghệ hiện đại cho người dân vùng cao”, anh Hướng tâm sự. 

Hình ảnh sông Nho Quế một bên đầy, một bên cạn do được ngăn bởi đập thủy điện sông Nho Quế.

Hình ảnh sông Nho Quế một bên đầy, một bên cạn do được ngăn bởi đập thủy điện sông Nho Quế.

Nhằm đảm bảo sông có cá, hài hòa với tự nhiên, làm sạch môi trường, chính quyền cũng như các nhà máy thủy điện đã thả hàng tấn cá nước ngọt như trắm, trôi, chép, rô phi… xuống sông Nho Quế. Sau nhiều năm, người dân đi câu dính những con cá trắm gần 10kg hay những con cá chép 4-5kg.

Nhận thấy sự phát triển tốt của các loài cá quen thuộc trên sông, chính quyền xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) đã bắt đầu thử nghiệm mô hình nuôi cá trong lồng bè trên sông Nho Quế. 

Ngoài giá trị du lịch, nuôi cá lồng trên sông Nho Quế hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.

Ngoài giá trị du lịch, nuôi cá lồng trên sông Nho Quế hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao.

Đây là một bước đi đột phá và sáng tạo của xã Khâu Vai trong việc tận dụng lợi ích của dòng sông Nho Quế. Nếu xã Khâu Vai thành công, đây sẽ là tiền đề để những địa phương khác sống cạnh sông Nho Quế học tập, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang.

(còn nữa)

------------------

Sông Nho Quế giống như một “báu vật” của Hà Giang. Với vẻ đẹp thơ mộng riêng biệt của mình, nó không chỉ mang lại giá trị về du lịch mà còn là nơi phát triển kinh tế cho người dân vùng cao nguyên đá. Mời quý độc giả đón đọc kỳ 3: Ngắm vẻ hoang sơ, kỳ vĩ của sông Nho Quế xanh biếc dưới chân đèo Mã Pì Lèng vào lúc 0h30 ngày 31/1/2020 trên mục Tin tức trong ngày.

Nguồn: [Link nguồn]

Kỳ quan thiên nhiên “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam ẩn mình dưới chân đèo Mã Pì Lèng

Nếu đã một lần đặt chân đến vùng cao nguyên đá Hà Giang, đi qua đèo Mã Pì Lèng, chắc hẳn mọi người không thể bỏ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang – Hoàn Như ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN