Tổng thư ký Quốc hội: Chuẩn bị mọi tình huống để bầu cử thành công

Sự kiện: Thời sự

Các kịch bản bầu cử trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã được các cấp chính quyền chuẩn bị và sẵn sàng.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường

Chỉ còn 2 ngày nữa, ngày 23/5 tới, cử tri cả nước sẽ đi thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, bỏ phiếu bầu ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Cuộc bầu cử là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2021.

Báo Giao thông trao đổi với Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Bùi Văn Cường về các giải pháp đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.

Tăng số lượng ĐBQH chuyên trách

Ban chỉ đạo Bầu cử phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức diễn tập tình huống khi cử tri đến khu vực bỏ phiếu có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 và các cử tri thuộc diện F3 trong chiều 19/5. Ảnh: Tạ Hải

Ban chỉ đạo Bầu cử phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tổ chức diễn tập tình huống khi cử tri đến khu vực bỏ phiếu có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19 và các cử tri thuộc diện F3 trong chiều 19/5. Ảnh: Tạ Hải

Thời khắc toàn dân đi bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và HĐND các cấp đã cận kề. Xin ông cho biết, điểm mới đáng chú ý nhất trong kỳ bầu cử lần này là gì?

Theo tôi, trong cuộc bầu cử này có 3 điểm mới trọng tâm. Thứ nhất, công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ sớm. Hội đồng Bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia đã được thành lập và kiện toàn từ sớm. Công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước.

Những yếu tố này tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử, các hoạt động hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện là cơ sở cho cuộc bầu cử được kịp thời triển khai.

“Về công tác nhân sự người ứng cử, đến thời điểm này các địa phương đã xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan. Tính đến ngày 15/5/2021, tổng số ứng cử viên ĐBQH khóa XV còn lại 866, giảm 2 ứng cử viên so với tổng số 868 ứng cử viên theo Nghị quyết số 559 ngày 17/4/2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia (rút 2 ứng cử viên). Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường”

Thứ hai, cơ cấu, thành phần số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Số lượng ĐBQH chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu HĐND các cấp giảm đều từ 5 - 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính.

Ngoài ra, việc xác định độ tuổi các ứng viên cũng áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021); việc tính tuổi được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và không chuyên trách.

Thứ ba, công tác chuẩn bị bầu cử được diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đòi hỏi các địa phương đã chủ động phòng chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh. Vấn đề này đã được các cấp chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm, và các kịch bản bầu cử đã sẵn sàng.

Như ông vừa nói, nhiệm kỳ này, số lượng ĐBQH chuyên trách tăng lên ít nhất 40%. Việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách có ý nghĩa như thế nào?

ĐBQH là nhân tố cốt lõi để quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách từ ít nhất 35% đến ít nhất 40% tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được coi là giải pháp để nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, song hành với việc với tăng số lượng thì đồng thời phải tăng chất lượng đại biểu chuyên trách. Để việc tăng số lượng ĐBQH chuyên trách thực sự hiệu quả, Ban Tổ chức Trung ương đã có hướng dẫn quy định ngoài những điều kiện, tiêu chuẩn chung của ĐBQH thì các ĐBQH chuyên trách cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng về trình độ chuyên môn (từ đại học trở lên); về chức vụ công tác; về độ tuổi, sức khỏe…

Mọi hoạt động đều gắn với phòng chống dịch

Tình huống tổ chức bỏ phiếu cho cử tri đang phải thực hiện cách ly tại nhà

Tình huống tổ chức bỏ phiếu cho cử tri đang phải thực hiện cách ly tại nhà

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, công tác chuẩn bị cho bầu cử có gì vướng mắc hay không?

Tất cả đã sẵn sàng. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao.

Hội đồng Bầu cử quốc gia đánh giá cao Ban Thường vụ các tỉnh, thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban bầu cử các cấp và các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa nghiêm túc phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức thật tốt cho cuộc bầu cử lần này.

Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả như, công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội Zalo; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri…

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã triển khai những công việc gì để ứng phó, vừa đảm bảo an toàn chống dịch, vừa chuẩn bị cho cuộc bầu cử diễn ra thành công?

Để công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, thành công tốt đẹp, giảm thiểu các ảnh hưởng, tác động từ nguy cơ dịch bệnh trong trường hợp có lây lan, bùng phát, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan.

Theo đó, công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử kết hợp phòng, chống dịch Covid-19 được tăng cường, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân từ việc tính toán các phương án tổ chức bầu cử đến tiếp xúc cử tri, hiệp thương và lập danh sách cử tri... đều gắn với phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, để bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện tạm dừng một số hoạt động, một số loại hình dịch vụ không thiết yếu, đồng thời nhiều trường đại học, cao đẳng đã chuyển sang học tập theo hình thức trực tuyến, dẫn đến có không ít người lao động và sinh viên, học viên trở về địa phương nơi mình sinh sống.

Qua phản ánh của một số địa phương, đã xảy ra tình trạng biến động danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn cụ thể để Ủy ban bầu cử các cấp thực hiện.

Công tác chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất và chuẩn bị các phương án bầu cử trong các tình huống khẩn cấp đã được dự lường. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã yêu cầu các tổ chức phụ trách bầu cử có biện pháp chỉ đạo, theo dõi, kịp thời nắm bắt tình hình biến động của cử tri trong danh sách cử tri trên địa bàn để có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong Ngày bầu cử.

Tất cả đều trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm để tất cả cử tri đều có thể thực hiện quyền bầu cử của mình.

Có phương án riêng với nơi bị cách ly, phong tỏa

Trong tình huống cử tri cách ly tại hộ gia đình, thành viên Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ đến phía trước nhà cử tri, hướng dẫn cách thức bầu cử và phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh chụp buổi diễn tập bầu cử tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chiều 19/5)

Trong tình huống cử tri cách ly tại hộ gia đình, thành viên Tổ bầu cử sẽ mang hòm phiếu phụ đến phía trước nhà cử tri, hướng dẫn cách thức bầu cử và phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh chụp buổi diễn tập bầu cử tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chiều 19/5)

Tại một số địa phương đang phải cách ly, giãn cách xã hội vì dịch phức tạp, phương án bầu cử được tính toán thế nào?

Hiện nay, một số địa phương cũng đã, đang phải tính đến các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn.

Cụ thể, tại Hà Nội, sẽ có thêm các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi bầu cử và có phương án riêng đối với các điểm cách ly, phong tỏa. Ủy ban Bầu cử thành phố đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia về các phương án đặc thù tổ chức bầu cử tại các điểm cách ly y tế.

Theo đó, một số điểm hiện bị cách ly trước là “điểm bỏ phiếu phụ” (do số lượng cử tri ít) nay thành điểm có số lượng cử tri đông, ví dụ như Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.

Vì vậy, Ủy ban Bầu cử thành phố đã xin chia nhỏ và ghép số lượng cử tri đang ở khu cách ly vào các khu vực bỏ phiếu liền kề nhưng vẫn bảo đảm số lượng cử tri tại một đơn vị bầu cử không vượt quá 4.000 người.

Tại TP HCM, Ủy ban Bầu cử thành phố yêu cầu sắp xếp chỗ ngồi đảm bảo yêu cầu giãn cách, hạn chế tập trung đông người; bố trí người tham dự không quá 50% sức chứa của hội trường tổ chức.

Tại Bắc Giang, dự kiến sẽ không tổ chức khai mạc đông người trong ngày bầu cử; chia nhỏ cử tri thành nhiều đợt để bỏ phiếu theo giờ, tránh tập trung đông người...

Tới thời điểm này, nếu vẫn còn khiếu nại, tố cáo liên quan đến các ứng viên thì có được xem xét nữa không?

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử sẽ ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử, tức việc nhận khiếu nại, tố cáo đã thực hiện hết ngày 13/5/2021.

Những ngày tới, các Ủy ban bầu cử tiếp nhận việc khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu và kết quả bầu cử.

Cảm ơn ông!

Bốn lãnh đạo cấp cao ứng cử ở đâu?

Theo danh sách 49 ứng cử viên ĐBQH do Ủy ban bầu cử TP Hà Nội công bố, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân bổ ứng cử ở đơn vị bầu cử số 1 gồm các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Ngoài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các ứng viên khác gồm: ông Nguyễn Trúc Anh (Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội); Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô); bà Nguyễn Thị Hà Tuyên (Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ); ông Vũ Tiến Vượng (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được phân bổ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 10, TP HCM, gồm huyện Củ Chi và Hóc Môn. Đơn vị bầu cử này còn các ứng viên khác là ông Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Hiệp, Phó bí thư Đảng ủy, Bí thư chi bộ Phòng khám đa khoa Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP HCM và Thiếu tướng Phan Văn Xựng - Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM.

Thủ tướng Phạm Minh Chính được phân bổ ứng cử tại Đơn vị bầu cử số 1, TP Cần Thơ (gồm quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền). Tại đơn vị bầu cử này, còn có 4 ứng viên khác là ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ; bà Dư Thị Mỹ Hân, Trưởng Ban tổ chức - Kiểm tra, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Bí thư Thành đoàn Cần Thơ; bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Abavina.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử tại đơn vị bầu cử số 3 TP Hải Phòng, gồm các quận Kiến An, Dương Kinh và các huyện An Lão, Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. Tại đơn vị bầu cử này còn có các ứng cử viên: Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an TP Hải Phòng; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hải Phòng; Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Hải Phòng; Nguyễn Hồng Vân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin về kế hoạch đảm bảo phòng dịch COVID-19 cho người dân đi bầu cử an toàn

"Chúng tôi xin khẳng định việc bầu cử sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch của Hội đồng bầu cử Quốc gia và ngành Y tế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN