Chưa phê duyệt nghiên cứu tiêm vắc-xin phòng lao cho 800 nhân viên y tế để chống Covid-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu này hiện chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt 

Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đăng tải việc Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với một số đơn vị khác thử nghiệm tiêm vắc-xin phòng lao BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu.

Theo đó, dự kiến, đối tượng được tiêm thử nghiệm vắc-xin phòng lao BCG là 800 y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, nghiên cứu này hiện chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết: “Các đơn vị liên quan mới đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, xây dựng đề cương nghiên cứu. Bộ Y tế hiện chưa tiếp nhận hồ sơ, đề cương của nghiên cứu lâm sàng này. Do đó, nghiên cứu chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt thực hiện”.

Một trường hợp nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh minh họa) 

Một trường hợp nhiễm Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh minh họa) 

Với các nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng (thực hiện trên người tình nguyện), theo Bộ Y tế, đơn vị nghiên cứu cần xây dựng đề cương và chỉ được triển khai sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trước khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai, tất cả nghiên cứu y sinh học liên quan đến con người đều phải được Hội đồng đạo đức của Bộ Y tế xem xét, nhận xét, hướng dẫn và chấp thuận về đạo đức và khoa học.

Trong quá trình triển khai, Hội đồng sẽ theo dõi, giám sát các nghiên cứu trong việc tuân thủ đề cương và các quy định về đạo đức trong nghiên cứu; đánh giá việc ghi nhận, báo cáo, xử lý các biến cố bất lợi xảy ra trong quá trình nghiên cứu.

Cũng theo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, hiện nay, có một số nghiên cứu đánh giá hiệu quả sử dụng vắc-xin phòng lao BCG để tăng cường miễn dịch, chống lại virus SARS-CoV-2 đang được triển khai tại Australia và Đức với đối tượng nghiên cứu là các cán bộ y tế làm việc ở bệnh viện có nguy cơ cao bị nhiễm virus.

Chính vì vậy, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã có Công văn gửi Bệnh viện Phổi trung ương về việc đề xuất nghiên cứu khả năng sử dụng vắc-xin phòng lao BCG trong phòng, chống dịch Covid-19.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho biết, thực hiện chủ trương huy động mọi nguồn lực khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối, phối hợp với chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) khẩn trương xem xét, đề xuất định hướng nghiên cứu và phương án triển khai ứng dụng vắc-xin phòng lao BCG phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Bệnh viện Phổi Trung ương đang thiết kế nghiên cứu

GS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Bệnh viện đang thiết kế một nghiên cứu hợp tác với một đơn vị của Pháp để tìm hiểu mối liên hệ giữa vắc-xin lao và bệnh Covid-19.

Đối tượng tham gia là các nhân y tế ở tuyến đầu chống dịch, cụ thể là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, có thể thêm một số bệnh viện khác.

Theo đó, những người tham gia nghiên cứu sẽ được chia làm 2 nhóm: Một nhóm được tiêm vắc-xin phòng lao BCG, một nhóm được tiêm vắc-xin khác không phải vắc-xin phòng lao BCG. Khoảng 800 cán bộ y tế sẽ được lựa chọn tham gia nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu chủ yếu đánh giá xem liệu vắc-xin phòng lao BCG có liên quan đến mức độ nặng của bệnh Covid-19.

Theo GS.TS. Nguyễn Viết Nhung, hiện nước ta có 268 người mắc Covid-19, ngoài một số người nước ngoài đã về nước, còn lại nhóm nghiên cứu sẽ tìm hiểu xem trong số những bệnh nhân này, trường hợp nào đã tiêm vắc-xin phòng lao BCG, nếu tiêm thì kháng thể với lao còn không, nếu còn thì ở mức độ nào. Với những dữ liệu này sau khi đối chiếu phân loại, trường hợp nào bệnh diễn biến nặng- nhẹ có thể cho ra kết quả nhanh bước đầu.

“Vắc-xin phòng lao BCG không phải là yếu tố quyết định một người có mắc hay không mắc Covid-19, không làm giảm nguy cơ mắc Covid-19. Bất cứ ai có tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể mắc. Bệnh viện đang thiết kế nghiên cứu này. Dự kiến, trong tuần này sẽ trình lên Bộ Y tế”, TS Nhung nhấn mạnh.

Theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại Việt Nam, vắc-xin phòng lao BCG được sử dụng từ hơn 30 năm nay và là một trong những vắc-xin cơ bản dành cho trẻ nhỏ, được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội và TP.HCM kiến nghị giảm mức giãn cách xã hội sau 22/4

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đã được kiểm soát tốt, nguy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN