Chủ tịch QH: Luật VN phức tạp nhất thế giới là đúng

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Tư pháp “hệ thống pháp luật của Việt Nam đến nay vẫn phức tạp nhất thế giới” là đúng.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp, Hà Hùng Cường trước Quốc hội sáng 12/6, đại biểu Phương Hữu Việt (Bình Dương) nhắc lại việc tại phiên chất vấn chiều 11/6, Bộ trưởng có nói hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới.

Trước đó chiều qua, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói rằng, hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam có lẽ phức tạp nhất thế giới với rất nhiều chủ thể được ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thậm chí đến tận chủ tịch xã. Đại biểu Việt đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, cách khắc phục?

Tiếp tục phiên chất vấn sáng 12/6, trước câu hỏi lại của đại biểu Phương Hữu Việt về việc này, Bộ trưởng Tư pháp vẫn khẳng định “đúng là như vậy, thưa đại biểu”.

Bộ trưởng cho biết, cuối năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hợp nhất.

“Lúc đó sẽ rõ thêm nguyên nhân ra làm sao, và định hướng “phát quang” pháp luật của Việt Nam như thế nào”, Bộ trưởng nói.

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tư pháp, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại: “Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói một cách “văn học” hệ thống pháp luật của Việt Nam đến nay vẫn phức tạp nhất thế giới”.

“Phức tạp là đúng rồi. Mình đang trong quá trình xây dựng, chưa thật hoàn thiện nên có tình hình ấy. Nhưng càng ngày “tình hình ấy” càng được khắc phục, đó là tiến bộ của đất nước chúng ta”.

Chủ tịch QH: Luật VN phức tạp nhất thế giới là đúng - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Ba quyền ấy kiểm soát lẫn nhau, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, như Hiến pháp quy định.

Qua chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp này, Quốc hội thấy, lo lắng rằng hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều vấn đề. Công tác xây dựng pháp luật, triển khai thực hiện pháp luật từ các cơ quan của nhà nước tới người dân còn nhiều tồn tại khiếm khuyết.

Chương trình đưa ra rồi lùi lại, chậm ban hành văn bản, chậm hướng dẫn triển khai, chậm phổ biến để nhân dân hiểu biết, thi hành...

Kết luận lại, Chủ tịch Quốc hội nói: “Công tác xây dựng pháp luật, ban hành văn bản pháp luật, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện pháp luật còn nhiều yếu kém, đáng lo lắng. Làm hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước hạn chế.

Việc này Quốc hội có trách nhiệm, nhất là các cơ quan của Quốc hội, trong đó người chịu trách nhiệm lớn nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Về Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Tư pháp – cơ quan tham mưu, gác cửa từ chương trình đến kiểm soát, có đình chỉ văn bản, hủy văn bản nào trình thủ tướng cũng do Bộ Tư pháp.  Cho nên có thể nói, các thành viên Chính phủ và Bộ trưởng Tư pháp có trách nhiệm. Các cấp ở địa phương cũng đều có trách nhiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN