Chủ tịch Phan Văn Mãi nói về bán ăn tại chỗ, mở lại trường học...

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định việc mở dần các dịch vụ phải đảm bảo trật tự đô thị, không lấy vỉa hè làm quán nhậu, lấy lòng đường làm chỗ để xe...

Sáng 28-10, bên lề kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chia sẻ về việc mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ trên địa bàn TP.HCM.

Theo ông Mãi, chủ quán và chính quyền địa phương phải quản lý để việc mở bán tại chỗ đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như phục vụ 50% công suất và các biện pháp khác.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với báo chí sáng 28-10. Ảnh: LÊ THOA

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với báo chí sáng 28-10. Ảnh: LÊ THOA

Đối với việc thí điểm cho bán bia rượu tại TP Thủ Đức và quận 7, ông Mãi nhìn nhận: “Có ý kiến cho rằng bán ăn tại chỗ thì không nên bia rượu, có ý kiến thì nên. Vì vậy TP muốn có thí điểm để có thực tiễn, nếu tình hình tốt, cải thiện thêm thì việc này sẽ được mở ra”.

Ông Mãi khẳng định, trong thời thí điểm này (đến 15-11), ngoài Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và quận 7 phải theo dõi, đánh giá thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM sẽ theo dõi, đánh giá và có sơ kết, rút kinh nghiệm để tính tiếp. “Nếu ổn thì sẽ tiếp tục mở ra ở những địa bàn có nhu cầu, an toàn” – ông Mãi nói.

Về chuyện mở dần các dịch vụ đảm bảo sinh kế cho người dân, trong đó có bán hàng rong, Chủ tịch UBND TP.HCM nói: “Sắp tới là phải mở dần các dịch vụ, tất nhiên đi liền với sinh kế của người dân, nhưng cũng phải tính toán trật tự đô thị chứ không phải mở cho bán ăn tại chỗ thì lấy vỉa hè làm quán nhậu, lấy lòng đường làm chỗ để xe”.

Ông Mãi nhấn mạnh, việc kinh doanh dịch vụ phải ở những vị trí được quy định, đảm bảo trật tự đô thị và trật tự an toàn giao thông.

Đánh giá về gần một tháng mở cửa, Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận tình hình dịch COVID-19 diễn biến trong kiểm soát, số ca dương tính hằng ngày không tăng đột biến, số chuyển nặng và tử vong có xu hướng giảm.

Hiện nay các quận, huyện đang tiến hành sơ kết, tổng kết để rút ra bài học, củng cố lại hệ thống nguồn lực để vừa kiểm soát dịch, vừa mở cửa cũng như chuẩn bị nếu như có những tình huống mới xảy ra.

TP dần mở lại các hoạt động sản xuất, dịch vụ tập trung. Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, tỉ lệ doanh nghiệp mở lại đạt trên 93%, số công nhân quay trở lại đạt trung bình trên 70%; một số ngành, một số doanh nghiệp có đơn hàng tăng gấp đôi là tín hiệu mừng.

“Tháng 11 trở lại trạng thái bình thường mới hoàn toàn thì chưa, sẽ không đồng bộ hết, sẽ có cái trước cái sau” – ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng việc đưa công nhân quay trở lại TP cần nhiều thời gian vì có trường hợp công nhân sẵn sàng nhưng doanh nghiệp chưa sẵn sàng.

Về phía TP.HCM, TP luôn phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tạo những điều kiện. Trước đây khi điều kiện đi lại chưa thông suốt với các địa phương nhưng nếu như doanh nghiệp có nhu cầu đón tập trung theo đoàn thì TP sẵn sàng trao đổi với các địa phương để phối hợp, thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như tiêm vaccine và hỗ trợ khác cho công nhân trở lại TP.

Ông Mãi cho rằng trong sản xuất dịch vụ thì một trong những yếu tố đầu vào quan trọng là lao động. Do đó, TP sẽ hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp về việc này.

Mở lại trường học: Khẩn trương nhưng phải chắc chắn

Đối với đề xuất mở lại trường học, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định đây câu chuyện rất lớn.

Theo ông, khi bắt đầu năm học thì TP đã tính học kì 1 sẽ gần như học trực tuyến, đến học kì 2 nếu điều kiện tốt hơn thì học trực tiếp.

Tuy nhiên không phải nói như vậy là tới học kì 2 sẽ học trực tiếp mà thực tế là TP đã yêu cầu Sở GD&ĐT chuẩn bị vì trường học đã sử dụng vào các mục đích trong quá trình phòng chống dịch. Vì vậy, trường học phải được chỉnh trang, sửa chữa mà việc này là chuyện rất lớn và mất thời gian.

Ông Mãi cũng thông tin, việc trở lại trường học cũng phải đảm bảo an toàn.

TP đã cho mở lại trường học ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ từ ngày 22-10 và có yêu cầu địa phương, các ngành có đánh giá mỗi tuần; đồng thời giao cho Sở GD&ĐT, Sở Y tế đánh giá tình hình và tính toán đề xuất cho UBND TP.

“Việc này rất khẩn trương nhưng phải chắc chắn, làm chặt chẽ” – ông nói. 

Nguồn: [Link nguồn]

Người Sài Gòn: Lâu lắm rồi mới được ra quán thưởng thức đồ ăn nóng, nhâm nhi ly cà phê

Ngày đầu quán ăn uống tại TP.HCM được mở bán tại chỗ, một số quán có khá đông khách thưởng thức. Bên cạnh đó,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ THOA ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN