Chú chó vinh dự được tân Giáo hoàng chúc phúc

Chú chó vàng hộ tống một nhà báo khiếm thính là sinh vật đầu tiên được Giáo hoàng Francis cầu chúc phước lành vào cuối tuần qua.

Chú chó Asià thuộc giống Labrador Retriever của một nhà báo truyền thanh khiếm thị đã được phép đi theo chủ vào hội trường Paul VI rộng lớn của Vatican hôm 16/3 và ngồi lặng lẽ ngay cạnh chủ suốt buổi lễ thông báo kết quả bầu chọn Giáo hoàng. Các nhà báo đến Rome từ mấy ngày trước để tường thuật mật nghị (cuộc họp kín của Hồng y đoàn) bầu chọn Giáo hoàng.

“Khi tôi đứng xếp hàng đợi vào hội trường, một số cảnh vệ nói với tôi rằng rất có thể tôi sẽ không được vào trong cùng chú chó”, Alessandro Forlani, phóng viên của đài Italia RAI, viết trên trang Facebook.

“Nhưng chỉ vài phút sau, mấy linh mục Vatican đưa thẻ xanh cho tôi và cử một vệ binh Thụy Điển đưa tôi vào hội trường. Họ để tôi ngồi ngay gần hàng ghế đầu”, anh Forlani kể.

Khi Giáo hoàng gần kết thúc bài phát biểu, một nhóm phóng viên nổi tiếng và phóng viên truyền thông cho Vatican được mời lên gặp Giáo hoàng.

Chú chó vinh dự được tân Giáo hoàng chúc phúc - 1

Chú chó trung thành được Giáo hoàng chúc phúc

Các nhà báo đứng xếp hàng để được Giáo hoàng Francis chúc phúc, một số người thực hiện nghi lễ truyền thống là hôn nhẫn Giáo hoàng, một vài người khác được Giáo hoàng ôm. Một số linh mục đã lại gần Forlani. “Họ nói rằng Giáo hoàng Francis muốn gặp tôi. Ông ấy đã nhìn thấy Asià và muốn gặp cả hai chúng tôi”, Forlani nói.

Asià bước lên bục, ngửi đôi giầy đen và chiếc áo choàng trắng của Giáo hoàng, rồi ngồi đợi khi Forlani nói chuyện với Giáo hoàng.

“Tôi xin Giáo hoàng cầu phúc cho vợ và con gái tôi ở nhà”, Forlani kể lại.

Sau đó, Giáo hoàng đã cúi xuống và vuốt vé chú chó.

“Ngài nói “thêm một lời chúc đặc biệt cho chú chó này”. Ông ấy đã phá lệ khi cho tôi lên bục cùng với Asià”, Forlani nói.

Đây không phải điều đặc biệt duy nhất trong buổi lễ hôm đó. Giáo hoàng Francis không chỉ đọc bài diễn văn được chuẩn bị trước, mà còn nói khá nhiều chi tiết về mật nghị, rằng các Hồng y gợi ý ông nên lấy tông hiệu là Hadrian theo Giáo hoàng Hadrian VI, người đã thực hiện nhiều cải cách tại Vatican.

Giáo hoàng còn đùa: “Một Hồng y khác bảo tôi nên lấy tên là Clement XV. Tên đó nghĩa là ông sẽ trả thù Clement XIV, kẻ đã đàn áp các tu sĩ Dòng Tên”.

Giáo hoàng 76 tuổi cuối cùng tự quyết định lấy tên là Francis theo tên Thánh Francis xứ Assisi. “Ông ấy là của người nghèo, của hòa bình”, Giáo hoàng nói.

Tân Giáo hoàng cũng đưa ra một số kế hoạch nhằm cải tổ Giáo hội Công giáo trở thành tổ chức “của người nghèo, vì người nghèo”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Discovery) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN