Chính phủ báo cáo QH vụ cá chết bất thường hàng loạt

Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường khiến cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.

Chính phủ báo cáo QH vụ cá chết bất thường hàng loạt - 1

Sự cố môi trường gây hiện tượng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung là một thảm họa về môi trường, gây thiệt hại nặng nề

Thực hiện yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung gửi tới các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Tháng 8, công bố đánh giá toàn diện thiệt hại

Lý giải việc chậm kết luận về sự việc gây bức xúc trong dân, Chính phủ khái quát, quá trình đấu tranh để buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố là công việc hết sức khó khăn, phức tạp vì công tác thu thập hồ sơ, chứng cứ đấu tranh pháp lý gặp nhiều trở ngại, mất thời gian. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo xây dựng kịch bản làm việc, đấu tranh trực tiếp với tập đoàn Formosa Đài Loan cũng như công ty Formosa tại Hà Tĩnh, đảm bảo chặt chẽ, khôn khéo để đạt kết quả cao nhất, không để sơ hở, sai sót có thể gây bất lợi cho Việt Nam về sau.

Kết quả cuộc đấu tranh, các cơ quan đã buộc Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính, trong đó có những hành vi như tự ý thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ công nghệ dập cố khô (dùng khí trơ) sang công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của trạm xử lý nước thải sinh hoạt theo cam kết trong Báo cáo tác đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Phần hậu quả của sự cố, ngoài những con số cập nhật về số lượng thuỷ hải sản chết, số tàu thuyền, ngư dân bị thiệt hại do mất việc, nguồn thu từ du lịch sụt giảm… “Có đến 450 ha rạn san hộ bị tác động trực tiếp, có đến 40-60% rạn san hô bị phá huỷ”- báo cáo nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà những thiệt hại môi trường sẽ được điều tra, đánh giá toàn diện và công bố vào đầu tháng 8.

Dự kiến tháng 8 bắt đầu đền bù người dân

Về xã hội, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự cố gây tâm lý bức xúc, bất an trong dân, làm giảm lòng tin của người dân. Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. Sự cố để lại hệ quả bất an trong xã hội, người dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm hải sản. Nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội cũng tiềm ẩn…

Chính phủ xác định các hoạt động bồi thường sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, trước hết là xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, phấn đấu trong tháng 8-2016 việc bồi thường thiệt hại trực tiếp đến được với người dân.

Đánh giá chung, Chính phủ cũng nhìn nhận, sự cố môi trường này là bài học để nhìn nhận, xem xét đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động thu hút đầu tư FDI trong thời gian vừa qua, nhất là với các dự án có nguồn xả thải lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sự cố. Xác định FDI tiếp tục là nguồn vốn quốc tế quan trọng đối với Việt Nam khi viện trợ phát triển ODA đang có xu hướng giảm, đầu tư gián tiếp khá bấp bênh, nhưng cần định hướng FDI chuyển sang chính sách nâng cấp, coi trọng chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, xác lập hệ thống các tiêu chí giúp sàng lọc, lựa chọn, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, bảo đảm đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước.

Tới đây, khi gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam được dự kiến sẽ thu hút khối lượng lớn đầu tư nước ngoài vào dệt - sợi và nhuộm, những lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng (nhất là khâu nhuộm). Vì vậy, việc tăng cường giám sát FDI từ góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách, tránh tái diễn tình trạng thu được lợi nhuận nhưng tàn phá môi trường của Việt Nam và để lại hệ quả nặng nề cho người dân như sự cố vừa qua.

Chính phủ cũng đánh giá sự cố này cũng cho thấy kẽ hở trong pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường, thiếu quy chuẩn cho việc triển khai các hạng mục công trình xử lý chất thải.

Về phần kiểm điểm trách nhiệm, báo cáo của Chính phủ khái quát, qua sự cố lần này, Chính phủ nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về những thách thức và vấn đề môi trường đặt ra trong chính sách phát triển hiện nay. “Chính phủ xin nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội” - báo cáo chốt lại.

Đánh giá chất lượng nước biển

Về việc quan trắc chất lượng môi trường nước biển, đánh giá về tồn lưu ô nhiễm và các giải pháp khắc phục, Chính phủ cho biết, việc quan trắc hàng ngày tại các bãi tắm từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế vẫn được duy trì đến thời điểm hiện nay.

Chương trình quan trắc môi trường biển ven bờ, gần bờ và xa bờ từ Thanh Hoá đến Quảng Nam được thực hiện với tần suất, mật độ được tăng cường tối đa với 50 điểm quan trắc vùng ven bờ, 27 điểm gần bờ và 16 điểm xa bờ. Kết quả quan trắc cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, môi trường biển và trầm tích khu vực ven bờ và gần bờ tại 4 tỉnh bị ô nhiễm đối với một số thông số như Sắt, Phenol, Amoni…

Tuy vậy, đến nay, môi trường nước biển đã dần được hồi phục, hầu hết các thông số đã đạt ngưỡng cho phép đảm bảo an toàn. Chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm biển tại 4 tỉnh này cũng được triển khai từ 15-6 với 36 tuyến khảo sát vuông góc với đường bờ biển (146 điểm), tổng chiều dài khoảng 348 km để đánh giá trầm tích, sinh vật phù du, sinh vật đáy, hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và mẫu keo tụ trên san hô, các nền đáy cứng. Thợ lặn đã triển khai ghi hình, quay videho hệ sinh thái dưới đáy biển ở các khu vực này.

Kết quả quan trắc thể hiện mức độ ô nhiễm môi trường nước có xu hướng giảm dần theo thời gian, chất lượng nước biển đảm bảo an toàn cho mục đích tắm biển, du lịch. Tuy nhiên, hình ảnh ghi nhận cho thấy, vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, đá cứng và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Mức độ ô nhiễm và tính chất của hợp chất ô nhiễm sẽ được đánh giá chính xác khi có kết quả phân tích mẫu trong tháng 8.

Việc xử lý ô nhiễm tồn lưu toàn khu vực được dự kiến thực hiện trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Người dân bị thiệt hại tại 4 tỉnh hiện vẫn đang chờ đợi được nhận tiền bồi thường của công ty Formosa Hà Tĩnh.

Rà soát, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình quản lý, đầu tư, xây dựng dự án khu liên hợp Gang thép và cảng Sơn Dương tại Formosa Hà Tĩnh. Trường hợp có vi phạm, Chính phủ nêu rõ quan điểm xử lý ngay và nghiêm theo quy định, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng ([Tên nguồn])
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN