Chân dung nữ phó phòng “quậy” UBND tỉnh

Nữ phó phòng “quậy” ở trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh Trần Hồng Ly mấy tuần qua nổi bật trên truyền thông, với mối “quan hệ thân thiết” với Chủ tịch Trần Khiêu và một vẻ đẹp sắc sảo, nói năng mạnh dạn. Bài viết này xin khắc họa đôi nét về chân dung bà Trần Hồng Ly qua những phát ngôn và giải trình của bà.

Cãi cọ và nhắn tin

Trong quyết định khai trừ Đảng bà Trần Hồng Ly của Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trà Vinh, ngày 22/2/2013, bên cạnh lý do là cuộc cãi cọ đêm 7/1, bà Ly còn “sử dụng điện thoại cá nhân nhắn tin nhiều lần vào điện thoại của các đồng chí lãnh đạo cơ quan với nội dung gây hoài nghi, làm mất đoàn kết nội bộ”. Đó là các ông trong Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh: Trưởng ban Lê Tấn Lực, Phó trưởng ban Phạm Tiết Khoa và Lê Văn Khâm.

Có ba trang giấy “tổng hợp tin nhắn từ nhiều máy điện thoại" (những người cung cấp thông tin này chịu trách nhiệm vì còn lưu bản gốc trong máy của mình) được đưa ra làm chứng cứ. Tin nhắn cho ông Tư Lực: “A Khoa kỳ này kỳ lắm a.4 ơi! Ông đt nói với em, ổng đang xin chuyển về làm phó giám đốc sở kế hoạch đó a. Khuya rồi, e chúc a.4 ngủ ngon nha”. Tin nhắn cho ông Khoa: “E bất mãn a.4 Lực với a. Khâm dữ lắm rồi. E cuối năm học xong e xin chỗ khác”. Vẫn tin nhắn cho ông Khoa: “Anh, hôm qua ông nào đem cho a.9 cây mai, rồi ổng đãi ông đó một cữ nhậu trên quán con chị Tuyết gần 4 triệu ký sổ, chưa trả cho con chị Tuyết. Chắc cũng đưa vô phiếu tiếp khách, kinh phí cơ quan chịu nữa rồi”.

Ngoài ra, cảnh sát bảo vệ ở cổng trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh còn cung cấp một đoạn băng ghi âm bà Ly cãi nhau với cảnh sát bảo vệ đêm 7/1/2013.

Trước những thông tin lùm xùm liên quan đến nữ phó phòng Trần Hồng Ly, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhân vật chính trong vụ việc này.

Chân dung nữ phó phòng “quậy” UBND tỉnh - 1

Hiện trường vụ cãi vã giữa bà Ly với cảnh sát bảo vệ đêm 7/1

“Tôi nóng tính”

- Có đơn thư là bà khoe mình có 16 tỷ đồng, có nhà trọ Bạch Đằng?

Tôi chưa bao giờ khoe mình có 16 tỷ đồng, có nhà trọ Bạch Đằng với ai hết. Thực ra nhà trọ mang tên Thanh Hiền, ghép tên mẹ tôi là Trần Hồng Thanh với tên ba tôi là Trần Văn Hiền, việc kinh doanh nhà trọ của ba mẹ tôi. Của cải tài sản của ba mẹ tôi, mắc mớ gì tôi đi khoe, mà khoe để làm gì. Trà Vinh này nhỏ bé lắm, không cần khoe, người ta cũng biết hết.

- Lại có đơn tố cáo bà từ một người không có nhà ở mà mấy năm gần đây trở thành tỷ phú?

Ai mà không nhà ở? Không có nhà ở, chẳng lẽ ở ngoài đường à? Năm 2002, tôi ly hôn, căn nhà toạ lạc tại khóm 1, phường 2, kêu bán để chia tiền cho chồng của tôi. Tài sản chia đôi, tôi cũng có của cải từ thời điểm đó rồi. Gia đình tôi đâu phải dân thất nghiệp, nằm chờ thời. Ông nội tôi là bộ đội hy sinh, ba tôi cũng bộ đội bị thương, sau giải phóng ba cùng mẹ tôi bươn chải, tảo tần lo làm ăn, nuôi con ăn học thành đạt mới có của ăn của để, dư giả như ngày hôm nay, trên quê đất mênh mông, nhà lớn to đùng không ai ở.

- Anh chị của bà đều đã thành đạt?

Gia đình tôi khá giả, có tiếng nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Em gái tôi là giảng viên của trường đại học. Em trai tôi học đại học cảnh sát đạt loại giỏi, được rút về Bộ Công an làm việc 2 năm, sau đó mới chuyển công tác về Công an tỉnh từ năm 2009 đến nay, vì ba mẹ tôi có duy nhất một đứa con trai. Anh rể, em rể tôi cũng đều là công an. Bây giờ, ba tôi tiếp tục nuôi chị em tôi học cao học.

- Có phải gia đình nhiều người thành đạt, bà lại quen biết nhiều cán bộ cao cấp của tỉnh nên (như một lá đơn tố cáo) bà thao túng quyền hạn?

Việc này, họ chủ yếu nói tôi tự sắp xếp các hình thức khen thưởng cho tập thể phòng và cá nhân tôi rồi lập biên bản “tất cả thống nhất 100% theo ý kiến bà Trần Hồng Ly”. Thực sự không có. Xét khen thưởng cuối năm thì phải đưa ra hội đồng, lấy phiếu tín nhiệm. Tháng 5/2007, từ Sở KH-ĐT tôi được chuyển công tác về Ban Quản lý các khu công nghiệp làm cán bộ văn phòng. Đến ngày 15/8/2011, có quyết định chia tách một phòng ra hai phòng, tôi mới được làm phó một phòng. Tôi làm phó phòng tới thời điểm này, mới hơn một năm mà năm 2012 đến nay chưa xét thi đua. Vậy từ năm 2007 đến 2011, lúc đó tôi là “lính”,  làm sao tự tôi khen cho tôi được. Người tố cáo tôi chứng tỏ trình độ hiểu biết còn quá kém. Còn tôi, từ khi đi làm đến giờ, đố kỵ với việc chạy theo thành tích, đố kỵ với những cá nhân cuối năm lấy thành tích của người khác mang về làm bảng thành tích cho mình.

- Phải chăng sự đố kỵ ấy với bản tính thẳng thắn mà bà cũng bị tố cáo là hay gây mất đoàn kết nội bộ, gặp người này nói xấu người kia, gặp người kia nói xấu người này, bịa đặt nói xấu lãnh đạo?

Nếu vậy, làm sao đại hội Công đoàn cơ sở Ban Quản lý Khu kinh tế vào tháng 9/2012, cả tập thể cán bộ, công chức - đoàn viên công đoàn bỏ phiếu kín tín nhiệm bầu tôi giữ chức Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2013-2015, và tôi cũng đã được bầu chức vụ này nhiệm kỳ rồi. Đến tháng 11/2012, Công đoàn ngành (tức Công đoàn Khu kinh tế, quản lý 11 công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu công nghiệp Long Đức) lại tiếp tục bầu tôi vào Ban chấp hành với số phiếu 88,73%; bầu tôi là đại biểu đi dự Đại hội Liên đoàn Lao động tỉnh nhiệm kỳ 2013-2015 với số phiếu 78,87%.

Chân dung nữ phó phòng “quậy” UBND tỉnh - 2

Bà Trần Hồng Ly: "Người tố cáo tôi chứng tỏ trình độ hiểu biết còn quá kém"

- Có lời tố cáo bà không chấp hành tổ chức kỷ luật?

Đây là lời bịa đặt. Nếu nói tôi không chấp hành tổ chức kỷ luật thì phải có cơ sở chứng minh. Nếu có quyết định điều động mà tôi không chấp hành thì mới nói tôi không chấp hành tổ chức kỷ luật được.

Thời gian qua, lãnh đạo cơ quan tôi liên tục ra quyết định điều động tôi. Năm 2007, từ văn thư đánh máy của Sở KH-ĐT sang Văn phòng Ban Quản lý. Ngày 17/2/2011, điều tôi qua làm chuyên viên Phòng Quản lý Doanh nghiệp-Lao động và Tài nguyên Môi trường. Đến ngày 8/9/2011, tách phòng, tiếp tục điều tôi qua Phòng Quản lý Doanh nghiệp-Lao động làm chuyên viên. Ngày 15/9/2011, lãnh đạo làm quy trình qua 5-7 bước, lấy ý kiến dân chủ đạt số phiếu 100%, mới bổ nhiệm tôi làm Phó phòng. Chỉ trong vòng 4 năm mà luân chuyển điều động tôi qua rất nhiều phòng, ban trong đơn vị, tôi nghiêm túc chấp hành, tôi có cãi lại hay chống đối gì đâu?

Ngày 15/4/2011, thành lập Ban Quản lý Xây dựng cơ bản còn phân công tôi kiêm nhiệm thủ quỹ của ban này, tôi đảm nhận và làm việc rất tốt, không thất thoát tiền bạc công quỹ. Còn có lời tố cáo là tôi “muốn đến cơ quan thì đến, không đến thì thôi, không ai quản lý, không ai dám nói”. Chuyện không nói có, tố cáo tôi dồn dập như vậy. Còn tôi, từ tháng 12/2008 đến cuối năm 2012, được cơ quan cử đi học lớp Đại học Luật, tất cả lịch học từng đợt, tôi đều gửi cho lãnh đạo, ngày nào không có học, tôi tự giác về cơ quan làm việc. Nếu cần thiết, tôi mang hết kết quả học tập và kết quả làm việc thời gian qua chứng minh. Ngày 17/12/2012, tôi xin nghỉ phép năm và được lãnh đạo ký duyệt. Chắc họ thấy vắng mặt tôi ở cơ quan, họ buồn hoặc họ nhớ tôi, hay họ rảnh quá, không có việc gì làm nên họ tố cáo cho vui.

- Trở lại vụ va chạm đêm 7/1/2013 ở trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh, bà thấy mình có khuyết điểm hay không? Tại sao sau đó, công an mời làm việc nhưng bà không đến?

Tôi thành thật nhận khuyết điểm vì nóng tính và quá nóng ruột tài sản của mình, cái điện thoại bị bể nát, nên giận quá không kìm được, có những lời nói nặng nề, khó nghe. Thật sự tôi cũng không muốn sự việc này xảy ra đâu. Còn tôi đâu có tội tình gì mà công an gửi giấy mời. Buộc tội tôi gây rối trật tự cơ quan, gây rối sao đêm đó ông Bình không chịu lập biên bản, tôi đã yêu cầu ông Bình rất nhiều lần.

Một đoạn băng ghi âm đêm 7/1/2013, lúc bà Trần Hồng Ly cãi nhau với cảnh sát bảo vệ ở cổng trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh:

- Nam: Em đang ngồi gác, chị này chạy xe từ ngoài với tốc độ cao, chị chạy thẳng vô, rồi em chạy ra ngăn lại.

- Nữ: Mày khỏi có cự tao, UBND tao muốn vô giờ nào là tao vô, trách nhiệm của tụi mày gác hay không là của tụi mày, chặn lại hay không là trách nhiệm của tụi mày, tao muốn vô giờ nào là tao vô, tao bức xúc giờ nào là tao vô, tao biểu tình chừng nào là tao vô. Tụi mày không có quyền gì hết, tao bức xúc giờ nào là tao vô, tụi mày phải hỏi đầu đuôi câu chuyện, tụi mày phải dàn xếp hoà giải, tụi mày vô đây đập đồ của tao là sao?

- Nam: Tui đâu có đập.

- Nữ: Thằng này đập.

- Nam: Tại vì chị chỉ nó rớt điện thoại chứ đâu ai đập.

- Nữ: Chỉ cái gì, tụi mày cả chục thằng đập điện thoại của tao, tụi mày đừng có nói chuyện đó với tao. Mẹ! Đừng có một chục thằng mà ăn hiếp một mình tao”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sáu Nghệ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN