Nhọc nhằn nghề... nhặt bóng golf

Để được vào làm caddy ở sân golf L.Đ, Thu đã phải vượt qua hàng trăm cô gái khác sau nhiều đợt tuyển chọn. Sau đó, cô phải trải qua khoá huấn luyện vô cùng gian nan. Nhiều lúc Thu muốn bỏ cuộc vì mệt mỏi.

Gian nan đường vào sân golf

Bài liên quan: Nhọc nhằn nghề... nhặt bóng golf

Nhờ ngoại hình khá, sức khỏe tốt, ăn nói lưu loát, Thu đã vượt qua vòng sơ tuyển để vào làm caddy. Nhưng đó mới chỉ là thử thách ban đầu của tất cả các cô gái xin vào làm caddy ở sân golf. Sau đó, Thu cùng các caddy tương lai còn phải vượt qua vòng sơ tuyển về tiếng Anh, đó cũng là một khó khăn lớn đối với các caddy dự tuyển, bởi các cô phần lớn họ đều xuất thân từ nhà nông, để nói được một vài từ tiếng Anh như: one, two, three, green, troly,… là cả một quá trình.

Những ứng viên may mắn lọt qua tất cả các vòng sơ tuyển sẽ được thử việc tại sân golf. Đây chính là thời gian huấn luyện gian khổ nhất đối với những caddy tương lai. Trong thời gian này, các cô phải thể hiện được thể lực và khả năng giao tiếp của mình.

Nhọc nhằn nghề... nhặt bóng golf - 1

Ngày đầu ra sân, Thu phải dạo bộ khắp sân golf để... nhổ cỏ. Người quản lý phát dụng cụ cho các caddy để đi nhổ cỏ sân golf, đồng thời giải thích để những caddy mới phân biệt được cỏ nhân tạo để giữ lại, nhổ cỏ tự nhiên đi. Công việc này tưởng đơn giản, song để được coi là hoàn thành nhiệm vụ, caddy cũng kiệt sức trong ca làm việc đầu tiên. Người quản lý nói với caddy, công việc này sẽ rèn bản lĩnh kiên trì, sự dẻo dai của đôi chân và con mắt tinh tường.

Kết thúc buổi tìm hiểu về cỏ trên sân golf, Thu và các đồng nghiệp phải học rất nhiều thứ luật golf rắc rối, nắm chắc các tình huống phải xử lý bằng luật golf trên sân. Học tiếng anh, học cách nói, học đi, học tư thế ngồi, học cười, học địa hình trên sân, phải thuộc chi tiết từng hố gôn có những gì: teeing ground fairway, green, bunker, OB, rough... là gì? Học thuộc khoảng cách chi tiết các hố trên sân, học cách tháo nắp túi gậy,… Sau đó là khóa học về cách lái xe điện trên sân. Đây cũng là một khóa học vô cùng quan trọng vì liên quan đến sự an toàn của khách hàng khi đi đánh golf.

Cuối cùng, caddy học việc sẽ được ra sân thực hành giống như những caddy thực thụ. Họ sẽ được các giáo viên dạy cho cách tìm bóng, cách sửa vết bong chóc trên sân, học cách tính điểm, báo chính xác về khoảng cách đến hố golf, đoán hướng gió và đường bóng lăn... Trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng, tất cả caddy đều phải nắm chắc những kiến thức đó.

Nhọc nhằn nghề... nhặt bóng golf - 2

Thông thường, mỗi caddy phải đi bộ từ 8km – 10km trong 4-5 tiếng liên tục

Khởi đầu gian nan

Đối với Thu, kể từ được nhận làm caddy học việc thì mỗi ngày ra sân là một trải nghiệm thú vị và cũng là một thử thách. Mỗi ngày, Thu phải phục vụ một vị khách khác nhau, không ai giống ai, có người dễ tính, có người khó tính. Bất kể khách là người thế nào thì một điều mà tất cả các caddy như cô đều phải nhớ là luôn luôn tươi cười, niềm nở với khách. Nếu họ có sai mình vẫn phải xin lỗi và nhận phần sai về mình.

Sáng sớm, các cô đã phải tập trung tại phòng chờ caddy từ 5h sáng để chuẩn bị đồ đạc, trang điểm chờ đến lượt để ra sân.

Khi ra sân, caddy phải mặc tới 2-3 áo thun cổ dài tay, bên ngoài thêm bộ đồng phục sân golf. Ấy vậy mà cái nắng gay gắt của mùa hè vẫn làm làn da của các cô gái sạm đen. “Những lớp áo dày còn có tác dụng thấm mồ hôi rất tốt. Có buổi, hết ca làm, quần áo ướt nhẹp mồ hôi. Công việc của các caddy phụ thuộc hoàn toàn vào lượng khách đến chơi golf. Nên dù trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh... có khách đến là phải phục vụ. Chính vì thế mà nhiều caddy bị bệnh cảm cúm, sổ mũi quanh năm. Chúng em gọi đó là ‘bệnh nghề nghiệp’ của caddy”, Thu giãi bày.

Thông thường, một caddy phải đi theo đoàn, tay kéo xe đẩy gậy để phục vụ khách chơi golf. Trung bình qua một tour 18 lỗ golf, những “chân dài” phải đi bộ từ 8km – 10km với những địa hình cao thấp khác nhau, trong thời gian khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Nhưng ngày đầu tiên ra sân, Thu đã phải đi bộ hai vòng tour (36 lỗ golf), tương đương 9 tiếng đồng hồ. Cô còn phải kéo theo túi gậy nặng chừng 15kg cùng với thực phẩm và đồ uống của khách.

"Một tuần liền diễn ra như vậy. Nhiều lúc em muốn bỏ cuộc nhưng mọi người nói rồi sẽ quen, và rằng ở quê hiếm có công việc nào thu nhập khá như làm caddy. Hơn nữa, những cô gái mới chỉ học hết cấp III như em rất khó xin việc. Nếu có thì cũng chỉ đi làm công nhân ở khu công nghiệp, lương vừa thấp lại độc hại. Nên em vẫn cố gắng bám trụ ở đây”, Thu tâm sự.

Những ngày có khách chơi golf, mỗi caddy phục vụ được nhận 50.000 đồng tiền lương cho 5 giờ làm việc (một ca). Ngày thường ít khách, họ làm việc một ca nhưng vào những ngày đông, đặc biệt là những ngày cuối tuần, các caddy phải làm 10 tiếng một ngày mới đáp ứng được nhu cầu của khách. "10 tiếng một ngày, vất vả nhưng được thêm tiền tip. Thường sau mỗi ca, khách cho 100.000 đồng, nếu hài lòng họ cho 200.000 đồng hoặc có thể hơn. Đây là số tiền khách cho tự nguyện để thưởng công của bọn em", ở nhà quê đâu phải dễ kiếm được số tiền đó trong một ngày”, một caddy nói.

“Cứ như vậy, sau 2-3 tháng học việc, nếu được đánh giá tốt, chúng em sẽ được nhận làm caddy chính thức. Trong thời gian học việc này, chúng em sẽ không có lương, chỉ có vài trăm ngàn phụ cấp ăn uống.  Không ít caddy đã không trụ nổi đến ngày được ra sân chính thức”, Thu cho biết.

----------------------------------------------

Rất nhiều caddy xuất thân từ nông dân, nhưng cũng có những nữ sinh hay nhân viên đang làm việc tại các khu công nghiệp. Ai cũng vì cuộc sống mưu sinh mà phải bươn trải và nuốt nước mắt chịu nhục để kiếm tiền trên chính mảnh đất mà trước đây họ làm chủ. Đón đọc kỳ tiếp theo "Đầy tớ sân golf" vào 19h00 thứ Hai, 1/10/2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huệ Anh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN