Cặp vợ chồng nghèo viết đơn xin hiến xác

Với suy nghĩ muốn đóng góp cho việc học tập, nghiên cứu và giảng dạy của Trường đại học Y khoa Vinh, cả hai vợ chồng đã viết đơn nguyện hiến xác mình.

Đó là một việc làm rất ý nghĩa của vợ chồng ông Trần Đức, bà Nguyễn Thị Khôi trú ở xóm Hồng Lĩnh, xã Nhân Thành huyện Yên Thành (Nghệ An).

Số phận không may mắn


Chúng tôi về thăm gia đình bà Khôi vào một ngày hè oi bức tháng 6. Chưa kịp ngồi xuống chiếc ghế đá đặt ở cuối sân thì bà Khôi với chiếc xe đạp cọc cạch từ ngoài đi về. Trên mặt lấm tấm mồ hôi vì nắng nóng, bà Khôi quệt vội rồi rót nước mời khách. Kể về hoàn cảnh của gia đình, bà rơm rớm nước mắt, thỉnh thoảng lại buông tiếng thở dài cho vơi bớt muộn phiền.

Cặp vợ chồng nghèo viết đơn xin hiến xác - 1

Bà Nguyễn Thị Khôi, 52 tuổi, cùng với chồng viết đơn xin tình nguyện hiến xác sau khi qua đời

Cuộc hôn nhân của bà với người chồng đầu không đem lại hạnh phúc. Năm 1993, họ li hôn khi con còn nhỏ dại, bà được quyền nuôi con. Năm 1994, hai mẹ con dắt nhau về sinh sống cùng cha mẹ đẻ, được cất cho ngôi nhà ngói hai gian. Nhưng một trận bão lớn đã đánh sập ngôi nhà. May mà anh em, làng xóm thương tình giúp đỡ mẹ con dựng lại nhà và ở cho đến nay.

Với nhiều đóng góp cho đất nước, ông Đức, 76 tuổi, đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang. Còn bà Khôi, sau khi xuất ngũ về địa phương công tác tại Trường THCS xã Nhân Thành, vì sức khỏe yếu bà xin nghỉ hưu cách đây 2 năm. Bà từng được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục.

Trong một lần đi khám bệnh, bà tình cờ gặp ông Đức tại BV Lao Nghệ An khi ông đang phải điều trị bệnh ung thư phổi. Ông Đức đi bộ đội năm 1961, phục viên năm 1978, bị nhiễm chất độc da cam, thương binh 4/4. Ông Đức cũng có hoàn cảnh rất đáng thương, một thân một mình nằm viện không ai chăm sóc. Thương ông, bà nguyện ở lại săn sóc mỗi ngày, rồi tình cảm lớn dần lên như có sự sắp đặt trước. Họ về ở cùng nhau nương tựa lúc xế chiều.

Lấy nhau rồi, ông Đức về sinh sống cùng với mẹ con bà, được bà hết lòng chăm sóc. Đứa con của bà Khôi cũng coi ông như cha đẻ. Thế nhưng bệnh tật không để cho ông được yên, cứ dăm bữa nửa tháng lại phải đi bệnh viện điều trị. Tiền chế độ của ông, tiền lương của bà đổ vào chữa bệnh cũng chẳng thấm tháp gì, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng bà vẫn gắng gượng hết mình để lo cho ông.

“Đến nay số tiền điều trị bệnh cho ông ấy đã tới 150 triệu đồng rồi. Vay mượn anh em, làng xóm rồi bạn bè khắp nơi, giờ không ai dám cho gia đình vay thêm nữa. Đến ngôi nhà cũ này cũng đã sập hai lần rồi mà không có tiền sửa sang lại. Giờ bán nhà đi để trả nợ thì chúng tôi không biết sống ở đâu”, bà Khôi nói.

Cặp vợ chồng nghèo viết đơn xin hiến xác - 2

Căn nhà nhỏ này cũng có nguy cơ phải bán nốt để lấy tiền chữa bệnh. Ảnh: TD

Quyết định hiến xác

Nói về việc cả hai vợ chồng tự nguyện viết đơn hiến xác, bà cho biết: “Năm 2008, khi đang ở bệnh viện chăm sóc ông, tôi xem trên TV và biết được nhiều đơn vị đang cần hiến xác để phục vụ nghiên cứu. Tôi bàn với ông ấy và cùng thống nhất viết đơn. Nhưng vì lúc đó con còn nhỏ, sợ con lo lắng nên chúng tôi quyết định đến khi con lớn thì sẽ viết đơn nguyện hiến xác cho Trường Đại học Y khoa Vinh”.

Tháng 3/2011, vợ chồng ông bà viết đơn gửi cho Trường đại học Y khoa Vinh, trong đơn có đoạn viết: “Đây là tâm nguyện lớn nhất của vợ chồng chúng tôi mong được góp một phần nhỏ cho ngành y tỉnh nhà; cũng là tấm lòng tri ân của gia đình chúng tôi đối với xã hội…”. “Biết được việc làm của vợ chồng tôi, có người cảm động, cũng có người cho đó là “có vấn đề”. Nhưng chúng tôi không quan tâm người ta nghĩ gì”, bà Khôi nói.

Cuộc sống khó khăn, bệnh tật, hiện nay ông Đức được các con riêng đưa về nhà chăm sóc. Bà thì sức khỏe yếu, không làm được việc gì nhiều, trái gió trở trời là đổ bệnh nằm một chỗ. Cậu con trai sinh năm 1992 bị hở van tim bẩm sinh, nay lại bị thoái vị đĩa đệm đốt sống lưng, điều trị đã 5 năm nay nhưng không có tiến triển. Hiện bà Khôi còn phải chăm sóc người mẹ ruột đã 90 tuổi, mắt mờ, tai điếc, mọi sinh hoạt phải có người giúp đỡ.

Bà Khôi nói, nhiều lúc bà muốn buông xuôi tất cả, nhưng vì thương mẹ, thương chồng con nên gắng gượng sống. “Nếu sau này cả hai chết đi sẽ tình nguyện hiến xác cho khoa học. Chúng tôi xác định hiến xác là việc hết sức bình thường, không có gì vụ lợi cả”, bà Khôi nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Đức (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN