Các thỏa thuận miệng để được vay tiền của ông Trần Quí Thanh

Khi vay tiền, các bị hại phải theo các điều kiện thỏa thuận miệng của ông Trần Quí Thanh như lãi suất 3%/tháng và làm hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho ông hoặc con gái ông... 

VKSND Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trần Quí Thanh và hai con gái của ông Thanh là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông Trần Quí Thanh và hai con gái bị cáo buộc cho 4 cá nhân vay tiền thông qua hợp đồng giả cách chuyển nhượng tài sản hoặc cổ phần của dự án. Bản chất của việc này nhằm che giấu việc cho vay và không trả lại tài sản.

Ông Trần Quí Thanh

Ông Trần Quí Thanh

Theo cáo trạng, thông qua người môi giới 4 bị hại đến gặp cha con ông Trần Quí Thanh đều bị yêu cầu kèm theo các điều kiện thỏa thuận bằng miệng để được vay tiền. Các điều kiện thỏa thuận bằng miệng để được vay tiền của ông Trần Quí Thanh, gồm:

Lãi suất 3%/tháng và 3 tháng trả lãi 1 lần (tiền lãi lần đầu bị khấu trừ ngay trong số tiền cho vay).

Người vay phải có tài sản (nhà đất, dự án) và phải lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho ông Thanh hoặc hai con gái ông Thanh thông qua thủ tục công chứng.

Lập cam kết bán/mua lại tài sản sau mỗi 3 tháng tương ứng với giá gốc (tiền cho vay) cộng với tiền lãi của 3 tháng.

Bị hại khi vay tiền đều phải chịu các khoản thuế, lệ phí trước bạ… khi làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho cha con ông Thanh để vay tiền. Phải thanh toán chi phí môi giới 3-6% trên tổng số tiền vay được.

Cụ thể, đầu năm 2018, ông Lâm Sơn Hoàng thông qua Nguyễn Hoàng Phú (môi giới) dùng 4 thửa đất của mình để vay 115 tỉ đồng từ ông Trần Quí Thanh.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, từ ngày 8-1-2019 đến 10-1-2019, ông Thanh đã chuyển khoản 104 tỉ đồng vào tài khoản của ông Hoàng. Do chưa có tiền trả nợ gốc, từ tháng 4-2019 đến tháng 5-2020, ông Hoàng đóng cho ông Thanh 41,4 tỉ đồng tiền lãi (3%/tháng).

Đến cuối tháng 10, ông Hoàng đến gặp ông Thanh xin trả nợ gốc và lãi. Ông Thanh ra điều kiện đến ngày 8-11-2020 ông Hoàng phải trả 154 tỉ đồng (bao gồm lãi phạt là 39 tỉ đồng).

Đến ngày 11-11-2020, ông Hoàng mới chuẩn bị đủ tiền để trả nợ. Ông Thanh lấy lí do quá hạn 3 ngày kể từ ngày 8-11-2020 không chuộc lại 4 thửa đất.

Đến nay, 4 thửa đất đang đứng tên bà Trần Uyên Phương. Theo kết luận định giá, thời điểm ông Hoàng mất quyền mua (11-11-2020), 4 thửa đất nêu trên có giá trị hơn 195 tỉ đồng. Số tiền bị chiếm đoạt được xác định hơn 80,3 tỉ đồng.

Một bị hại khác là ông Nguyễn Huy Đông đã dùng hai thửa đất để vay 80 tỉ đồng từ cha con ông Trần Quí Thanh để trả nợ ngân hàng.

Ông Đông đã đến văn phòng công chứng làm thủ tục để sang tên chuyển nhượng hai thửa đất cho bà Trần Uyên Phương. Sau đó, bà Phương chuyển 67 tỉ đồng để ông Đông trả cho ngân hàng và nhận lại 2 sổ hồng, thông báo giải chấp…

Sau đó, ông Đông nhận được tờ giấy có nội dung viết tay: “Vay 80 tỉ, trả ngân hàng 67 tỉ, lãi 3 tháng là 7,2 tỉ; tiền môi giới 2,5 tỉ; thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ (2,5%) là 1,6 tỉ đồng, còn lại thực nhận 1,2 tỉ đồng”.

Lúc này, ông Đông mới biết ngoài thuế trước bạ, ông Đông còn bị trừ cả tiền thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, khi vay 80 tỉ đồng, ông Đông chỉ được nhận tiền mặt 1,2 tỉ đồng.

Ngày 18-2-2019, ông Đông được Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh Bình Tân gọi xác minh việc thay đổi tên người sử dụng đất sang bà Trần Uyên Phương. Nhiều lần liên lạc Phương nhưng không được nên ông Đông đã đề nghị dừng việc thay đổi tên sở hữu.

Ngày 5-9-2019, ông Đông tìm gặp ông Thanh xin trả 80 tỉ đồng để chuộc lại 2 thửa đất. Phía ông Thanh yêu cầu ông Đông phải đóng 95 tỉ đồng cả lãi và lãi phạt.

Đến tháng 10-2019, bà Trần Uyên Phương khởi kiện ông Đông, tranh chấp hai thửa đất trên và được TAND 3 tuyên thắng kiện. Đầu năm 2024, TAND cấp cao tại TP.HCM tái thẩm và tuyên hủy bản án sơ thẩm này.

Theo kết luận định giá, giá trị của 2 thửa đất trên gần 119 tỉ đồng. Số tiền bị chiếm đoạt hơn 38,8 tỉ đồng.

Cũng theo cáo trạng, tổng giá trị chiếm đoạt của cha con ông Trần Quí Thanh hơn 1.048 tỉ đồng. Ngoài hai bị hại này, cha con ông Trần Quí Thanh còn dùng thủ đoạn tương tự để chiếm đoạt của bà Đặng Thị Kim Oanh (chủ tịch Công ty Kim Oanh Đồng Nai) hơn 880 tỉ đồng và ông Nguyễn Văn Chung (Tổng giám đốc Công ty DCB) hơn 48 tỉ đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Cơ quan tố tụng cáo buộc bị can Trần Quí Thanh, cựu giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát và 2 con gái cùng các đồng phạm lạm dụng tín dụng chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của 4 cá nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo SONG MAI ([Tên nguồn])
Chủ tịch Tân Hiệp Phát bị bắt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN