Brazil: 23 cảnh sát bị phạt tù gần 3.600 năm

Một tòa án ở Brazil ngày 21/4 kết án 23 sĩ quan cảnh sát mỗi người 156 năm tù vì giết chết 13 tù nhân trong nhà tù Carandiru ở TP Sao Paulo thuộc bang cùng tên năm 1992.

Các công tố viên nói rằng, trong vụ trấn áp bạo loạn trong nhà tù Carandiru, tổng cộng 111 tù nhân thiệt mạng, phần lớn bị bắn chết ở cự ly gần.

Trong số 23 cảnh sát bị kết án, hầu hết hiện đã nghỉ hưu. Trước đó họ bị buộc tội giết 15 tù nhân, nhưng sau đó 2 nạn nhân được cho là do bạn tù sát hại.

Trong phiên tòa hôm 21/4, có 3 cảnh sát được tuyên bố trắng án. Trong một vài tháng tới, hàng chục cảnh sát khác sẽ phải hầu tòa vì liên quan vụ thảm sát trong tù.

Năm 2001, đại tá Ubiratan Guimaraes, người chỉ huy chiến dịch giành lại quyền kiểm soát trong nhà tù Carandiru, bị kết tội sử dụng bạo lực quá mức cho phép. Tuy nhiên, ông này được tòa phúc thẩm tha bổng năm 2006.

Vụ bạo loạn bắt đầu ngày 2/10/1992 sau khi cuộc tranh cãi giữa hai tù nhân lan nhanh trong số các băng đảng kình địch. Lúc đó, Carandiru giam giữ khoảng 10.000 người tù, trở thành một trong những nhà tù lớn nhất Nam Mỹ.

Các tù nhân nói rằng, cảnh sát chống bạo động đã đàn áp cuộc bạo loạn một cách dã man. “Chúng tôi không bao giờ nghĩ rằng, họ sẽ tới và giết người một cách bừa bãi, vì không phải tất cả mọi người đều tham gia cuộc nổi loạn”, cựu tù nhân Jacy de Oliveira kể.

“Cảnh sát bắt đầu bắn mọi người. Lúc đó tôi ở trên tầng 5. Nếu bạn nhìn vào mắt viên cảnh sát, bạn sẽ bị bắn chết”, ông Jacy nói.

Luật sư của 23 cảnh sát bị kết án cho rằng, họ chỉ làm phận sự của mình, giết người để tự vệ vì nhiều tù nhân có vũ khí.

Dù bạo loạn trong nhà tù không hiếm ở Brazil, nhưng số người bị giết ở Carandiru và tốc độ “rùa bò” của hệ thống tư pháp nước này trong việc xét xử những người liên quan khiến công chúng bị sốc.

Carandiru bị đóng cửa năm 2002, sau khi các tù nhân đồng loạt nổi dậy ở 27 nhà tù ở bang Sao Paulo. Trong vụ nổi dậy này, các tù nhân bắt làm con tin hàng nghìn người tới thăm thân nhân trong tù.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thạch Vũ (theo BBC, AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN