Bộ Y tế bác tin virus Ebola lan sang châu Á
Bộ Y tế chưa có thông tin virus Ebola lan sang châu Á cũng như 21 du khách đến Thái Lan nhiễm virus Ebola.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tính đến hết ngày 10/8, thế giới ghi nhận 1779 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có 961 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi. Đặc biệt, WHO đã ghi nhận trên 200 cán bộ y tế đã lây nhiễm virus này.
Trước thông tin 21 du khách đến Thái Lan nhiễm virus Ebola, ông Phu khẳng định, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin bất kỳ người nào thuộc khu vực châu Á nhiễm virus Ebola.
Theo ông Phu, Bộ Y tế đã chủ động ban hành kế hoạch ứng phó với dịch bệnh do virus Ebola với 3 tình huống trong đó khâu giám sát rất quan trọng.
“Khâu giám sát ở tất cả các cửa khẩu và cộng đồng rất quan trọng. Theo đó, việc kiểm soát này sẽ được thực hiện quyết liệt và nghiêm ngặt do tỷ lệ mắc và tử vong do virus Ebola đang cao từng ngày, tử vong nhiều và nhanh”, ông Phu nói.
Ông Phu cũng lưu ý, trong khâu giám sát, không chỉ giám sát những người có triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola mà cần phải giám sát với những người có chung chuyến bay hoặc tiếp xúc với người đó.
Ông Trần Đắc Phu (áo xanh), bác tin virus Ebola lan sang châu Á
Ông Phu cho biết, hiện nay, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam đáp ứng được các xét nghiệm nghi nhiễm virus Ebola. Một số tổ chức quốc tế cũng đã hứa sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề này.
Ông Phu thông tin thêm: Bộ Y tế vừa thành lập Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC). Văn phòng này sẽ tiếp nhận, tổng hợp, xác định, phân tích thông tin về tình hình dịch bệnh và các hoạt động đáp ứng từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tổ chức đánh giá nguy cơ của dịch bệnh và thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng theo quy định.
Đây là văn phòng được Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ giúp đỡ thành lập, làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp, phân tích và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh khẩn cấp từ các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế phục vụ cho việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp.
Văn phòng này có các trách nhiệm tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Văn phòng phối hợp với các đơn vị liên quan huy động, điều phối các đội chống dịch cơ động, các đội cấp cứu lưu động hoặc các cán bộ viên chức y tế từ các đơn vị y tế dự phòng, cơ sở khám, chữa bệnh và các lực lượng có liên quan tham gia vào các hoạt động đáp ứng, phòng chống dịch bệnh khẩn cấp.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, văn phòng sẽ xây dựng kế hoạch, theo dõi, điều phối hoạt động giữa các Tiểu ban thuộc Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế để tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp đáp ứng thích hợp trong các tình huống dịch bệnh khẩn cấp.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị và tổ chức có liên quan huy động các nguồn lực trong nước, ngoài nước và thực hiện hợp tác quốc tế trong công tác đáp ứng, phòng chống dịch bệnh; tổ chức thực hiện các đề án, dự án trong lĩnh vực đáp ứng, phòng chống dịch bệnh khẩn cấp được phân công” – ông Phu nói.
Chiều nay, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi để chủ động đối phó với dịch bệnh sốt xuất huyết Ebola.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố tình trạng y tế khẩn cấp trên toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng Bộ Y tế cũng nhìn nhận, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm và không được chủ quan.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng quá mức.