Bộ TN-MT kiểm tra nước quanh đường ống Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Trung tâm Quan trắc môi trường của Bộ TN-MT lấy nước ở tầng mặt, tầng trung và tầng đáy quang khu vực đường ống ngầm dưới biển của Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) để làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt vừa qua.
Chiều ngày 13-9, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Chí Thanh, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa), cho biết trong buổi sáng ngày 13-9, Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng với Sở TN-MT Thanh Hóa đã vào Nghi Sơn để lấy mẫu nước ở tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy tại các khu vực quanh đường ống ngầm dưới biển của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, cùng một số khu biển có cá chết để làm rõ thêm nguyên nhân cá chết hàng loạt ở xã đảo Nghi Sơn.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ lấy dầu thô ở phao không số cách bờ 35 km rồi đi theo đường ống ngầm dưới biển để đưa vào nhà máy
“Trước đó, vào ngày 8-6, tổ hợp liên doanh nhà thầu có văn bản về việc xúc rửa đường ống dầu thô tại vị trí phao rót dầu không bến SPM-35 km ngoài khơi. Ngay sau đó Ban quản lý đã phối hợp với Sở TN-MT, Công an Thanh Hóa làm việc với liên doanh nhà thầu sau đó cho dừng việc xả nước thải do thử áp lực làm sạch đường ống dẫn dầu thô cách bờ ngoài khơi 35 km, chờ Tổng cục Môi trường vào làm. Hiện lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn không được xả thải nước rửa đường ống ra biển” – ông Thanh nói.
Cũng trong ngày 13-9, Viện nghiên cứu Hải sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cũng đã vào lấy mẫu nước biển ở xã Nghi Sơn, xã Tĩnh Hải và Hải Tiến, huyện Tĩnh Gia, để tìm nguyên nhân cá chết đầu tháng 9 này.
Hai đoàn của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Viện nghiên cứu Hải sản hoạt động độc lập.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải Sản, cho biết từ chiều 13-9 đến sáng ngày mai 14-9, đoàn công tác sẽ lấy mẫu nước 1 giờ/lần tại 3 địa điểm có cá chết nói trên để đưa về kiểm nghiệm. Đoàn này sẽ làm việc tại đây từ ngày 12-9 đến ngày 12-10.
Đề cập đến việc cá chết hàng loạt ở Nghi Sơn có liên quan đến việc nạo vét luồng lạch của Công ty CP gang thép Nghi Sơn hay không, ông Thanh cho biết cá chết ở xã đảo Nghi Sơn nằm hoàn toàn biệt lập và cách xa khu vực nạo vét của đơn vị này, nên nguyên nhân này là không thể.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 10-9, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình cá chết hàng loạt bất thường tại vùng biển Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia. Theo đó, từ các ngày từ mùng 5 và 6-9, ngư dân xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, khi đánh bắt hải sản tại vùng biển gần bờ (phía sau Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn), đã phát hiện một số loài hải sản như ghẹ, cá bơn, cá thèn… chết bất thường và trôi dạt vào bờ.
Cá chết hàng loạt ở xã Nghi Sơn - Thanh Hóa ngày 8-9 vừa qua
Đến ngày 8-9, tại khu vực bờ biển thôn Bắc Yến, xã Hải Yến (huyện Tĩnh Gia), cũng phát hiện cá chết trôi dạt vào bờ. Số lượng thu ở hai khu vực này khoảng 3 tạ cá. Cùng ngày 8-9, cá nuôi lồng ở xã đảo Nghi Sơn bất ngờ chết hàng loạt, đã có 21 hộ với tổng số 207 lồng cá chết, với số lượng hơn 47 tấn cá.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, cán bộ các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã tới khu vực biển Nghi Sơn để làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt . Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa trong quá trình kiểm tra đã phát hiện tại khu vực cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ. Toàn bộ khu vực nuôi cá lồng của xã Nghi Sơn, nước biển có màu nâu đỏ đậm hơn, nhiều cặn lơ lửng.
Sau khi đưa mẫu nước đi phân tích, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên, cá lồng chết hàng loạt là do tác động của loài tảo Hairoi - Creratium furca trong nước biển bùng phát với mật độ cao ở quy mô rộng hay còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa (thủy triều đỏ).