Bị thu oan 59 giấy tờ, đòi bồi thường 152 tỉ
Từng là cựu bí thư phường, sau 26 năm bị oan đã được bồi thường 136 triệu đồng, nay ông đòi bồi thường tiếp 152 tỉ đồng.
Ông Châu Ngọc Ngừng (SN 1957, ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, TP Bến Tre) trước đây là bí thư Đảng ủy, chủ tịch HĐND phường 6, thị xã Bến Tre (nay là TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Ngày 10-12-1990, ông Ngừng bị cơ quan CSĐT công an tỉnh khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.
Bồi thường xong thì có kháng nghị
Ngày 20-1-1993, sau hơn một năm bị tạm giam, ông Ngừng được cho tại ngoại. Cùng năm 1993, TAND tỉnh Bến Tre xử sơ thẩm, tuyên ông Ngừng không phạm tội như cáo trạng truy tố. Sau đó VKSND tỉnh Bến Tre kháng nghị phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự này. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao xử phúc thẩm tuyên chấp nhận kháng nghị về phần dân sự, phần trách nhiệm hình sự thì giữ nguyên bản án sơ thẩm (tức ông không có tội).
Sau khi bản án có hiệu lực, ông Ngừng đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần. Năm 2007, VKSND tỉnh đã lập biên bản thương lượng bồi thường theo Nghị quyết 388 nhưng không thành. Từ đó ông Ngừng khởi kiện ra tòa đòi bồi thường oan.
Tháng 2-2016, TAND TP Bến Tre xử sơ thẩm vụ kiện dân sự, tuyên buộc VKSND tỉnh phải bồi thường cho ông Ngừng hơn 136 triệu đồng và phải xin lỗi, cải chính công khai. Ba tháng sau, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm tuyên ý án sơ thẩm.
Tiếp đó tháng 11-2016, ông Ngừng đã được VKSND tỉnh tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường 136 triệu đồng theo bản án.
Tuy nhiên, ông Ngừng vẫn có đơn đề nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy hai bản án trên. Ông Ngừng yêu cầu VKSND tỉnh phải tiếp tục bồi thường tiền cấp dưỡng nuôi một người con của ông sinh năm 1987. Thời gian cấp dưỡng từ ngày ông bị bắt giam (lúc đó người con ba tuổi) đến khi xét xử hình sự sơ thẩm. Ông cũng yêu cầu cơ quan CSĐT công an tỉnh trả lại các bản chính của 59 giấy tờ (đánh số từ 1 đến 59) đã bị thu giữ từ năm 1990 trong lúc ông bị bắt oan.
Đặc biệt đầu năm 2019, chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã có kháng nghị đề nghị TAND cùng cấp xử giám đốc thẩm hủy một phần bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm trên.
Ông Ngừng được VKS xin lỗi vào cuối năm 2016 và hiện nay đã tàn phế sau tai nạn giao thông. Ảnh: CTV - Đ.HÀ
Vì sao đòi bồi thường thêm 152 tỉ?
Ngày 7-5, TAND Cấp cao tại TP HCM xử giám đốc thẩm vụ án, đã tuyên chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM. Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy một phần bản án dân sự phúc thẩm và sơ thẩm theo yêu cầu của ông Ngừng. Theo đó, hội đồng giao hồ sơ vụ án về cho TAND TP Bến Tre xét xử sơ thẩm lại để giải quyết phần yêu cầu cấp dưỡng nuôi con và việc thu giữ 59 giấy tờ theo biên bản tạm giữ ngày 10-12-1990 của cơ quan CSĐT công an tỉnh.
Án giám đốc thẩm nhận định tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng 59 giấy tờ là giao dịch dân sự giữa ông Ngừng và những người khác, việc công an thu giữ không gây thiệt hại để từ đó tách ra để ông Ngừng kiện thành vụ khác là sai. Bởi nếu công an tỉnh không trả lại bản gốc các giấy tờ này thì ông Ngừng không thể khởi kiện những người trước đây đã xác lập giao dịch với ông. Do đó cần phải buộc cơ quan CSĐT công an tỉnh trả lại 59 giấy tờ này.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngừng cho biết tòa sơ thẩm và phúc thẩm không chấp nhận khoản yêu cầu bồi thường cấp dưỡng nuôi con là thiệt thòi cho ông. Ngoài ra, các giấy tờ bị công an thu giữ không trả lại cho ông là hết sức vô lý.
“Nếu bản chính các giấy tờ này không còn thì tôi yêu cầu cơ quan CSĐT công an tỉnh phải bồi thường cho tôi theo giá trị thực tế trong giấy tờ cộng lãi phát sinh đến ngày tòa xử phúc thẩm. Giá trị bồi thường tạm tính đến cuối tháng 6-2019 là hơn 152 tỉ đồng” - ông Ngừng nói.
Theo ông Ngừng, đây là các giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh và cho vay của ông. Toàn bộ 59 loại giấy tờ là các hợp đồng mua bán gỗ và các giấy ông Ngừng cho người khác vay tiền. Vì không có bản gốc nên ông không thể đòi được tiền, nếu quy ra tổn thất thì cơ quan tố tụng đã gây thiệt hại cho ông hơn 152 tỉ đồng.
1/3 thế kỷ vất vả kêu oan Theo ông Ngừng, sau 26 năm ròng rã đi gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan, để có được lời xin lỗi của cơ quan tố tụng là cả chặng đường đấu tranh cam go, tủi khổ mà ông phải gồng mình nếm trải. Từ người đàn ông tuổi 33 đầy nghị lực, sau gần 30 năm tóc ông Ngừng đã bạc trắng, mắt mờ, khuôn mặt đầy những vết nhăn. Ông Ngừng kể đã có biết bao biến cố xảy ra với gia đình trong thời gian ông bị oan. Vì vướng vòng lao lý mà ông đã phải bán hết tài sản, đất đai và vay mượn tiền bạc của nhiều người để đi kêu oan. Bi kịch còn cay đắng và đau xót hơn khi trong một lần đi gửi đơn kêu oan, ông Ngừng bị tai nạn giao thông khiến ông mất một chân và mù một bên mắt. Sau đó con mắt còn lại cứ mờ dần và đến nay thì hai mắt của ông dường như đã mù hẳn. Ông Ngừng bảo việc ông chỉ được bồi thường hơn 136 triệu đồng là chưa thỏa đáng vì cơ quan tố tụng đã gây nhiều thiệt hại về tài sản từ lúc bắt giam ông. Chính vì thế, ba năm nay kể từ ngày được xin lỗi, dù tàn phế, mù lòa nhưng ông Ngừng vẫn kiên trì yêu cầu đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. |
Nguồn: [Link nguồn]
Đại diện các hộ dân quanh nhà máy Rạng Đông cho biết, họ đang yêu cầu Cty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông...