Bệnh nhân 91 hứa chở y, bác sĩ Việt Nam bay trên bầu trời

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Bệnh viện phải mời đầu bếp là người châu Âu để nấu nướng những món ăn theo yêu cầu của bệnh nhân. Bệnh viện thực hiện tất cả mong muốn để làm vui lòng bệnh nhân “hơi khó tính” này” - BS Trần Thanh Linh.

“Do bệnh nhân phi công người Anh hơi khó ăn nên điều dưỡng mỗi ngày phải hỏi bệnh nhân này hôm sau muốn ăn gì, ăn vào lúc nào… để chuẩn bị. Món ăn khoái khẩu của anh ấy là sườn cừu, mì spaghetti… và đặc biệt là phở” - chị Lê Thị Hồng Thắm, điều dưỡng Khoa hồi sức cấp cứu thuộc BV Chợ Rẫy, cho hay.

Mời đầu bếp châu Âu nấu ăn riêng cho BN91

“Hiện bệnh nhân chưa ăn được nhiều, mỗi bữa dùng được khoảng 1/4 phần ăn nên vẫn tiếp tục được truyền dung dịch đạm. Khi tiếp nhận từ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân nặng 88 kg. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân còn khoảng 80 kg. Chúng tôi đang cố gắng giúp bệnh nhân ăn nhiều hơn để mau lấy sức” - chị Thắm nói thêm.

Điều dưỡng Thắm chia sẻ trước khi bệnh nhân tỉnh và biết giao tiếp, chị đã cố gắng “bỏ túi” một số câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Tuy nhiên, khi bệnh nhân được rút ống trợ thở và bắt đầu nói được, chị Thắm càng căng thẳng hơn khi bệnh nhân nói tiếng Anh bằng âm hưởng Scotland rất khó nghe.

Chị Thắm nhớ mãi bệnh nhân còn động viên ngược lại mình. “Bệnh nhân sút nhiều kilogam nên tôi phải cố gắng động viên bệnh nhân ăn để cải thiện dinh dưỡng nhưng anh còn an ủi ngược lại tôi rằng do anh không cảm thấy đói nên không ăn chứ không phải không muốn ăn. Khi được bệnh nhân chia sẻ như vậy tôi cảm thấy được an ủi phần nào” - chị Thắm nhớ lại.

Còn kỹ thuật viên vật lý trị liệu và phục hồi chức năng BV Chợ Rẫy Trần Đức Duy cho biết do nằm lâu nên tay chân bệnh nhân yếu. Hiện bệnh nhân được tập vật lý trị liệu mỗi ngày và có thể tự đứng lên ngồi xuống, tay co ra co vào. Tuy nhiên, do bệnh nhân nằm một chỗ khá lâu nên ảnh hưởng không ít đến cơ và khớp. Vì vậy, mỗi khi nhân viên tập vật lý trị liệu vô tình mạnh tay là bệnh nhân than đau. Do đó, nhân viên vật lý trị liệu luôn chú ý thao tác hết sức nhẹ nhàng.

“Chúng tôi cũng thường xuyên để bệnh nhân ngồi trên xe lăn và đưa đi phơi nắng. Có lần bệnh nhân đề nghị đưa tấm bảng và cây viết rồi viết: “Vui lòng đưa tôi đi phơi nắng vào sáng sớm hoặc chiều tối chứ buổi trưa nắng nóng quá”. Lúc đó chúng tôi nhìn nhau, cười tủm tỉm” - anh Duy kể.

“Điều đáng mừng là hiện bệnh nhân có thể tự đi vài bước với sự trợ giúp của dụng cụ và nhân viên vật lý trị liệu” - anh Duy cho biết.

PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo (bìa phải) thăm BN91 ngày 22-6. Ảnh: BVCC

PGS-TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo (bìa phải) thăm BN91 ngày 22-6. Ảnh: BVCC

Được chăm sóc theo thời gian biểu… châu Âu

“Là người trực tiếp điều trị và theo dõi sức khỏe hằng ngày của BN91, tôi rất vui khi thấy hiện giờ bệnh nhân đã có thể tự cạo râu, đánh răng, nhấn bàn phím điện thoại… Điều này cho thấy hoạt động của hai bàn tay bệnh nhân đã trở về bình thường” - BS Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu thuộc BV Chợ Rẫy, chia sẻ.

“Riêng cơ chân đã phục hồi 4/5, bệnh nhân có thể nhấc chân lên cao và chịu lực trên khung đứng dưới sự hỗ trợ của nhân viên vật lý trị liệu” - BS Linh nói thêm.

“Đa phần người châu Á ăn sáng tầm 5 giờ, ăn trưa 11 giờ và ăn tối lúc 17 giờ. Thế nhưng bệnh nhân ngủ tới 8 giờ mới dậy, đánh răng rồi ăn sáng. Giờ ăn trưa của bệnh nhân là 14 giờ và ngồi vào bàn ăn tối lúc 20 giờ. BV phải mời đầu bếp là người châu Âu để nấu nướng những món theo yêu cầu của bệnh nhân. BV thực hiện tất cả mong muốn để làm vui lòng bệnh nhân “hơi khó tính” này” - BS Linh nói vui.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng hơi bướng bỉnh khi không chịu ăn và ngại vận động nên y, bác sĩ phải thường xuyên thủ thỉ thuyết phục, nắm tay động viên người bệnh với câu nói quen thuộc “Be stronger” (Mạnh mẽ lên). Sau khi được giải thích từng chút, cặn kẽ, bệnh nhân cũng dần hiểu ra và hợp tác dễ dàng hơn. Hiện tại, bệnh nhân đã thoải mái hơn rất nhiều, nhất là với những người gần gũi chăm sóc mình hằng ngày. Đặc biệt, anh còn chia sẻ về dự định trong tương lai của mình khi xuất viện là sẽ chở các y, bác sĩ đã chăm sóc cho mình trên chuyến bay do chính mình lái.

Theo Bộ Y tế, cuộc hội chẩn liên viện ba miền lần thứ năm về bệnh nhân phi công người Anh sẽ diễn ra vào hôm nay (23-6) và là cuộc hội chẩn cuối cùng, nhằm đánh giá sức khỏe trước khi cho bệnh nhân xuất viện về nước. 

“Tôi hay động viên anh ấy là giờ anh sống rồi nhưng anh phải quay về cuộc sống bình thường, anh phải mau chóng quay trở về với niềm đam mê của mình là một phi công. Anh có nhớ anh đã hứa sẽ chở chúng tôi bay lượn trên bầu trời không. Anh cần phải cố gắng hơn, vận động nhiều hơn để có bước đi vững vàng” - BS Linh kể.

Cuộc sống hiện tại mỗi ngày của BN91 được lặp đi lặp lại theo một quy trình chăm sóc và trị liệu chu đáo để mau phục hồi sức khỏe. Bệnh nhân ăn sáng xong được bác sĩ vào khám. Tiếp theo, điều dưỡng thực hiện y lệnh của bác sĩ. Sau đó, nhân viên vật lý trị liệu hỗ trợ bệnh nhân phục hồi các chức năng vận động. Kế đến, điều dưỡng chăm sóc vết loét ở vùng cùng cụt cho bệnh nhân do trải qua thời gian dài nằm một chỗ và chịu sự tác động của dụng cụ y tế.

“Thời gian còn lại, bệnh nhân được sinh hoạt tự do, sử dụng điện thoại liên lạc bạn bè… Đến 15 giờ, bệnh nhân tiếp tục được tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân lên giường ngủ tầm 21 tới 22 giờ sau khi đã ăn tối. Nếu khó ngủ, bệnh nhân được cho dùng thuốc an thần” - BS Linh nói thêm.

BN91 là trường hợp mắc COVID-19 nặng nhất đang điều trị tại Việt Nam. Tính đến nay, bệnh nhân đã trải qua hơn 92 ngày điều trị tại hai bệnh viện lớn ở TP.HCM. Bệnh nhân từng có nhiều thời điểm thập tử nhất sinh khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, phổi bị xơ hóa, gần như đông đặc hoàn toàn, chỉ còn 10% hoạt động.

Sau đó, sức khỏe bệnh nhân đã tiến triển tốt lên từng ngày, được ngưng lọc máu từ ngày 27-5, ngưng ECMO vào ngày 3-6, ngưng thở máy hoàn toàn vào ngày 12-6.

Bệnh nhân đủ tiêu chuẩn để được xuất khoa

Tình trạng bệnh nhân phi công người Anh hiện đã khả quan. Bệnh nhân tỉnh, tự thở và tiếp xúc tốt bằng lời nói.

Bệnh nhân không còn dấu hiệu suy hô hấp, phổi phục hồi 85%. Sức cơ tay hồi phục tốt, có thể cầm, nắm, tự ăn. Sức cơ chân hồi phục khá, chân có thể co bình thường. Chức năng gan, thận cũng trở về mức bình thường. Có thể nói bệnh nhân không cần nằm ở Khoa hồi sức cấp cứu và đủ tiêu chuẩn xuất khoa. Hiện bệnh nhân từ giai đoạn điều trị đã chuyển sang giai đoạn điều dưỡng, tập vật lý trị liệu… để trở về cuộc sống bình thường.

PGS-TS-BS PHẠM THỊ NGỌC THẢO, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy 

Nguồn: [Link nguồn]

Nam phi công người Anh chỉ được về nước trong điều kiện nào?

Tâm lý của nam phi công người Anh vui buồn thường xuyên, có lúc khóc, các nhân viên y tế phải động viên, dỗ dành. Bệnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Ngọc- Hoàng Lan ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN