Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng giải trình về "100% người không hài lòng" với Sở Công Thương

Sự kiện: Thời sự

Theo Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, số liệu nêu trong báo cáo thẩm tra về mức độ không hài lòng của công dân cũng là để các ngành có giải pháp cụ thể nhằm phục vụ tốt hơn.

Ngày 8-7, tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng Phan Thanh Long đã giải trình về báo cáo thẩm tra của ban này trong đó có đề cập đến việc "100% công dân không hài lòng" với thái độ phục vụ của tổ một cửa Sở Công Thương.

Theo ông Long, báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế là ý kiến của tập thể ban chứ không phải là ý kiến của một cá nhân. Theo ông, báo cáo chỉ nêu tỷ lệ không hài lòng, diễn đạt theo tỷ lệ phần trăm, không nêu con số cụ thể. Trong bảng biểu đánh giá có nhiều nội dung đánh giá nhưng báo cáo thẩm tra chỉ nêu về mức độ không hài lòng đối với nội dung "thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả". 

Ông Long cho hay, số liệu nêu trong báo cáo thẩm tra được dẫn theo 3 nguồn gồm: báo cáo chính thức của UBND TP và các sở, ngành, thường là báo cáo sơ kết 6 tháng; qua hoạt động giám sát; tham chiếu từ các nguồn tham khảo.

Theo đó, Ban Pháp chế đã tham khảo trang đánh giá chất lượng dịch vụ công TP Đà Nẵng từ ngày 1-1 đến 25-6 về mức độ hài lòng của tổ chức và công dân liên quan đến việc thực hiện dịch vụ hành chính công của các Sở, ngành. "Mục đích để các ngành có được thông tin chính thức về mức độ hài lòng của các tổ chức, công dân và nêu ra được những hạn chế, bất cập, từ đó đề ra giải pháp cụ thể nhất nhằm phục vụ tổ chức và công dân được tốt hơn" - ông Long nói.

Công dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa ở Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Công dân làm thủ tục tại bộ phận một cửa ở Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho hay, theo quy định, kết quả khảo sát phải được tổng hợp từ 3 phương pháp khảo sát. Cụ thể gồm: khảo sát bằng phiếu điều tra, hiện nay giao cho Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng tiến hành; phỏng vấn sâu thông qua điện thoại ghi âm thì giao cho Tổng đài dịch vụ công 1022 thực hiện; khảo sát trực tuyến qua Cổng Thông tin điện tử một cửa.

Ông Đồng cho rằng, để xác định được mức độ hài lòng của người dân thì phải tổng hợp kết quả khảo sát của 3 phương pháp nêu trên. "Nếu chỉ lấy mỗi kết quả của phương pháp thứ 3 là khảo sát trực tuyến tại tổ một cửa thì không thể đánh giá một cách khách quan về mức độ hài lòng của người dân được" - ông Đồng nêu ý kiến.

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ, tại bộ phận một cửa, người dân đến giao dịch có khi cho ý kiến đánh giá, nhưng cũng có nhiều người không cho ý kiến. "Như Sở Công thương cho biết, 6 tháng đầu năm nay họ tiếp nhận, xử lý hơn 8.000 hồ sơ nhưng chỉ có lấy đánh giá "không hài lòng" của 1 người để cho rằng 100% không hài lòng thì không thể chính xác, khách quan được"- ông Đồng phân tích. Ông Đồng cũng đề xuất, Ban Pháp chế HĐND TP nên có trao đổi về nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá một cách khách quan hơn.

Trước đó, Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng đã công bố báo cáo thẩm tra tại kỳ họp thứ 15 của HĐND TP diễn ra vào ngày 6-7 có nội dung về khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công. Qua khảo sát, Ban Pháp chế cho hay, tỷ lệ công dân, tổ chức không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức, do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận, do phải đi lại nhiều lần, thời gian trả không đúng quy định còn tương đối cao. Trong đó, phụ chú có giải thích "Do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận: Sở Công Thương 100% không hài lòng; Cục Thuế: 83,33%; Sở Kế hoạch đầu tư: 33,33%; UBND phường Hòa Cường Bắc: 33,33%; UBND phường Thanh Khê Đông 12,5%".

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, Ban Pháp chế sử dụng kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến www.cchc.danang.gov.vn từ ngày 1-1 đến ngày 25-6, giai đoạn này Sở Công Thương chỉ có 1 công dân tiến hành đánh giá mức độ hài lòng vào ngày 3-3 và đánh giá kết quả là "chưa hài lòng". Trong khi, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Công Thương thành phố tiếp nhận tới 8.145 hồ sơ, tương ứng với 8.145 lượt làm việc.

"Việc chỉ căn cứ vào 1/8.145 đánh giá của công dân trên phần mềm khảo sát để xác định tỷ lệ 1 đánh giá chưa hài lòng/ tổng số 1 đánh giá (tương đương với 100% đánh giá) là số liệu chưa đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, chưa khách quan, chưa mang tính đại diện và chưa phản ánh thực tế hoạt động của Sở Công Thương theo đúng các quy định liên quan đến việc khảo sát mức độ hài lòng do UBND TP quy định" - Sở Công Thương phân tích.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Công Thương phản hồi thông tin 100% người dân hài lòng về việc tăng giá điện

Tối 9-6, Bộ Công Thương đã lên tiếng về việc một số trang mạng lan truyền thông tin 100% người dân hài lòng về việc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo B.Vân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN