Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P1)

Con đường nào đã đưa một hoàng tử đỏ của một gia đình truyền thống trở thành một ngôi sao trên bầu trời chính trị Trung Quốc và cuối cùng bị coi là kẻ tội đồ chờ phán xét trước tòa án?

Bạc Hy Lai là sản phẩm của những thăng trầm lịch sử Trung Quốc trong 50 năm gần đây, và con đường từ một “hoàng tử đỏ” tới một tội đồ của ông đã tốn khá nhiều giấy mực của báo chí. Để giúp độc giả có cái nhìn toàn diện hơn về sự sa lầy của nhân vật lừng lẫy một thời trên chính trường Trung Quốc này, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả loạt bài về Bạc Hy Lai, từ hoàng tử đỏ đến kẻ tội đồ.

Ngày 22/8, Tòa án Trung cấp Tế Nam bắt đầu phiên xét xử vụ bê bối chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua kể từ sau sự sụp đổ của Bè lũ Bốn tên trong cuộc Cách mạng Văn hóa tàn phá Trung Quốc trong thập niên 1970. Tâm điểm của phiên tòa được chờ đợi từ lâu này chính là cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, một ngôi sao từng rực sáng trên bầu trời chính trị Trung Quốc, để rồi vụt tắt trong một cú “ngã ngựa” đầy bất ngờ.

Bạc Hy Lai sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Cha của ông là cựu Phó thủ tướng Bạc Nhất Ba, một trong Bát đại nguyên lão, khai quốc công thần của đảng Cộng sản Trung Quốc. Vị thế này nghiễm nhiên đã biến Bạc Hy Lai trở thành một trong những “hoàng tử đỏ”, những con người được coi là thế hệ lãnh đạo kế cận của Trung Quốc, trong đó có đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P1) - 1

Đại gia đình hoàng tử đỏ Bạc Hy Lai (Hàng thứ hai, ngoài cùng bên trái)

Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, ông Bạc Nhất Ba đã từng bị đấu tố và bị bỏ tù, khiến cậu con trai cũng gặp nhiều long đong lận đận. Tuy nhiên, sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc, ông Bạc Nhất Ba được phục hồi danh dự, Bạc Hy Lai đã được bố mình giao phó trọng trách trở thành một chính trị gia.

Trong thời kỳ đó, cũng như các “hoàng tử đỏ” khác, Bạc Hy Lai thường nhận được những đặc quyền mà dân thường không dám mơ tới, đây chính là những tiền đề để ông bước chân vào con đường chính trị. Năm 1976, Bạc Hy Lai bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình khi kết hôn với Lý Đan Vũ, con gái Lý Tuyết Phong, cựu bí thư thứ nhất thành ủy Bắc Kinh, một trong những nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc thời bấy giờ.

Có nguồn thông tin cho rằng Bạc Hy Lai và Lý Đan Vũ đến với nhau thông qua sự mai mối của gia đình hai bên sau khi Bạc Hy Lai trở về Bắc Kinh làm việc tại một nhà máy. Sau đó, Bạc Hy Lai bỏ việc ở nhà máy và thi vào trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P1) - 2

Bạc Hy Lai và Lý Đan Vũ lúc mới kết hôn

Năm 1977, Bạc Hy Lai tốt nghiệp khoa Lịch sử quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh và chuyển sang theo học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc để lấy bằng Cao học vào năm 1982. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1980.

Sau những khổ ải mà ông đã trải qua trong cuộc Cách mạng Văn hóa, mọi thứ với Bạc Hy Lai khi ấy giống như một bức tranh màu hồng. Lý Đan Vũ cũng sinh cho Bạc Hy Lai một người con trai mang họ mẹ là Lý Vọng Trị, thế nhưng từ đây cuộc hôn nhân mang hơi hướng sắp đặt của họ bắt đầu rạn nứt.

Những bất đồng và mâu thuẫn giữa hai người lên tới đỉnh điểm, và Bạc Hy Lai cực chẳng đã phải đề nghị ly hôn. Thế nhưng Lý Đan Vũ khăng khăng không chấp nhận chia tay, và cuộc hôn nhân của họ chỉ thực sự chấm dứt khi có sự can thiệp của hai người cha đầy quyền lực.

Lúc đó ông Bạc Nhất Ba đang là Phó thủ tướng kiêm Phó chủ tịch Ủy ban Cố vấn Trung ương của Đảng Cộng sản dưới thời Đặng Tiểu Bình. Vào thời điểm ấy, Bạc Nhất Ba được coi như cánh tay phải của Đặng Tiểu Bình.

Bạc Nhất Ba đã gửi thư cho ông Lý Tuyết Phong đề nghị ủng hộ cho hai đứa con ly hôn bởi “Bạc Hy Lai là đứa con có triển vọng nhất” của Bạc Nhất Ba. Bức thư này đã khiến ông Lý Tuyết Phong rất tức giận, và cuộc hôn nhân giữa Bạc Hy Lai và Lý Đan Vũ chính thức chấm dứt không lâu sau đó.

Năm 1984, khi bước sang tuổi 35 tuổi, Bạc Hy Lai đã được bổ nhiệm làm Phó Bí thư huyện Jin, tỉnh Liêu Ninh (sau này được sáp nhập vào thành phố Đại Liên). Vị trí này đã đưa sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai lên một nấc thang mới, mặc dù là hơi muộn so với vị thế của một “hoàng tử đỏ”, con trai của khai quốc công thần Bạc Nhất Ba. Và từ đây con đường tiến thân của ông cứ lên vù vù như diều gặp gió.

Là con trai của Phó Thủ tướng, người có rất nhiều quyền lực trong đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ cấp cao, Bạc Hy Lai rất được đảng và nhà nước Trung Quốc chú ý đào tạo và bồi dưỡng.

Sau đó không lâu, Bạc Hy Lai nắm giữ chức vụ Thị trưởng thành phố Đại Liên. Năm 2001, Bạc Hy Lai được đề bạt làm Tỉnh trưởng tỉnh Liêu Ninh. Cũng trong năm nay, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sáp nhập Bộ Ngoại thương và hợp tác kinh tế, Ủy ban Nội thương nhà nước và Ủy ban Kinh tế nhà nước thành Bộ Thương mại.

Bạc Hy Lai: Từ hoàng tử đỏ đến "tội đồ" (P1) - 3

Bạc Hy Lai chia tay người dân Đại Liên để về làm tỉnh trưởng Liêu Ninh

Năm 2004, sau khi ông Hồ Cẩm Đào nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc, Bạc Hy Lai đã được điều về trung ương nắm giữ chức Bộ trưởng Thương mại mới được thành lập. Trên cương vị này, Bạc Hy Lai đã có nhiều đóng góp trong quá trình ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ-Trung vào năm 2005.

Tuy nhiên, chỉ sau khi được đưa về Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, thành phố lớn nhất Trung Quốc với số dân hơn 30 triệu người vào năm 2007, Bạc Hy Lai mới khẳng định được bản lĩnh và năng lực lãnh đạo của mình.

_________________________

Sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai sẽ phát triển rực rỡ ra sao, mời các bạn đón xem trong kỳ 2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN