Choáng với hình ảnh 2 mắt bão khổng lồ ngoài Thái Bình Dương nhìn từ vệ tinh

Sự kiện: Tin bão

Nhìn trên ảnh mây vệ tinh, 2 cơn bão rất mạnh có tên Lekima và Krosa đang hoạt động ngoài khơi Thái Bình Dương khiến người ta phải rùng mình.

 Hình ảnh vệ tinh siêu bão Lekima (trái) và bão Krosa (phải). Nguồn Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

 Hình ảnh vệ tinh siêu bão Lekima (trái) và bão Krosa (phải). Nguồn Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Theo các cơ quan khí tượng trên thế giới, hiện nay, ở khu vực Tây Thái Bình Dương đang tồn tại song song 2 cơn bão rất mạnh, đó là bão Lekima (đặt theo tên Việt Nam) và bão Krosa.

Siêu bão Lekima với sức gió 234km/h (mạnh cấp 4/5 trên thang bão Saffir-Simpson) được đánh giá là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến Đài Loan trong năm 2019. Còn bão Krosa dù mới hình thành nhưng cũng đã mạnh lên thành bão cấp 3 (trên thang bão Saffir-Simpson với sức gió từ 178–209 km/h).

Nhìn từ ảnh mây vệ tinh, 2 cơn bão này có mắt rất rộng, vùng ảnh hưởng cũng là cực kỳ lớn.

 Hai cơn bão Lekima và Krosa đang hoạt động cùng lúc trên khu vực Thái Bình Dương. Ảnh chụp màn hình.

 Hai cơn bão Lekima và Krosa đang hoạt động cùng lúc trên khu vực Thái Bình Dương. Ảnh chụp màn hình.

Đặc biệt, siêu bão Lekima khi đi qua vùng biển Đài Loan còn hút và “nuốt chửng” một áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông để tăng sức mạnh.

Các chuyên gia khí tượng của Dịch vụ Thời tiết Quốc gia AccuWeather (Mỹ) nhận định, siêu bão Lekima có thể càn quét các khu vực ở Đài Loan (Trung Quốc) đến quần đảo Ryukyu (Nhật Bản).

Siêu bão Lekima khả năng đổ bộ đất liền Trung Quốc. Ảnh NOAA

Siêu bão Lekima khả năng đổ bộ đất liền Trung Quốc. Ảnh NOAA

Sau khi gây mưa, lốc cực lớn cho các khu vực này, siêu bão Lekima có khả năng vẫn mạnh dần lên và đổ bộ vào đất liền Trung Quốc vào ngày 10/8, gây lũ lụt, sạt lở đất.. nghiêm trọng.

Với bán kính ảnh hưởng cực rộng, siêu bão Lekima cũng sẽ đổ bộ khu vực phía nam quần đảo Ryukyu của Nhật Bản với mắt bão đi qua thành phố Miyakojima, nơi có 54.000 người sinh sống.

Để đảm bảo an toàn trước siêu bão Lekima, nhiều hãng bay ở Việt Nam đã điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ sân bay Đào Viên (Đài Bắc) từ ngày 8-10/8/2019.

Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ hủy 02 chuyến bay từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đi Đài Bắc ngày 08.8.2019 bao gồm VN578, VN570; hủy 04 chuyến bay giữa Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đài Bắc ngày 09.8.2019 bao gồm VN571, VN576, VN577, VN579.

Đồng thời, hãng sẽ lùi giờ khởi hành 02 chuyến bay từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đi Đài Bắc tối ngày 9/8 sang rạng sáng 10/8.

Tương tự, Vietjet cũng thông báo sẽ hủy nhiều chuyến bay đi và đến Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) ngày 9/8. Cụ thể, chuyến bay VJ840/ VJ841, VJ844/ VJ845, VJ842/ VJ843 chặng TP.HCM - Đài Bắc - TP.HCM; VJ940/ VJ941, VJ942/ VJ943 chặng Hà Nội - Đài Bắc - Hà Nội sẽ tạm ngừng khai thác.

Bão Krosa với tâm bão rất rộng đang hướng vào Nhật Bản. Ảnh NOAA

Bão Krosa với tâm bão rất rộng đang hướng vào Nhật Bản. Ảnh NOAA

Trong khi đó, từ ngày 6/8, bão Krosa bắt đầu hình thành ở tây bắc đảo Guam (phía Tây Thái Bình Dương). Nhờ hút được năng lượng từ vùng biển ấm, Krosa nhanh chóng mạnh lên thành bão cấp 3 (trên thang bão Saffir-Simpson với sức gió từ 178–209 km/h).

Các chuyên gia khí tượng Mỹ cho biết, bão Krosa hiện đang càn quét khu vực gần Quần đảo Bắc Mariana, gây mưa lớn cho các đảo lân cận gồm cả đảo Guam với lượng mưa lên đến 150mm.

Dự báo, bão Krosa sẽ tiến thẳng vào Nhật Bản cuối tuần này và gây ảnh hưởng lớn đến quốc gia này đầu tuần sau. Do bão Krosa và siêu bão Lekima rất gần nhau nên 2 hệ thống bão này có thể ảnh hưởng lên nhau, gây khó khăn cho việc dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng. Vì vậy, người dân ở các khu vực được dự báo ảnh hưởng cần theo dõi và cập nhật liên tục thông tin về cơn bão.

Siêu bão Lekima “nuốt chửng” áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Một siêu bão có tên Lekima ở ngoài khơi Thái Bình Dương đang hút và làm suy yếu nhanh áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN