Ấn Độ khởi động lò hạt nhân ở tàu ngầm tự chế

Ấn Độ vừa khởi động lò hạt nhân trên INS Arihant, chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do nước này tự thiết kế và chế tạo. Điều này cũng có nghĩa là tàu ngầm đã sẵn sàng thử nghiệm trên biển.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh ngày 10/8 mô tả đây là "một bước tiến vĩ đại trong quá trình phát triển các năng lực kỹ thuật to lớn của Ấn Độ", đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ sớm được thấy tàu INS Arihant đi vào hoạt động.

Nếu thử nghiệm trên biển thành công, INS Arihant có thể được đưa vào hoạt động trong vòng 2 năm tới.

Ấn Độ đã gia nhập câu lạc bộ các nước có tàu ngầm hạt nhân cùng Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh và Nga vào năm 2012 sau khi đưa INS Chakra, tàu ngầm thuê của Nga, vào hoạt động. Giá thuê trong 10 năm tốn khoảng 1 tỉ USD.

Tàu INS Arihant (Hủy diệt kẻ thù), nặng 6.000 tấn, được Ấn Độ công bố năm 2009 như là một phần của dự án chế tạo 5 tàu hạt nhân.

Được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân công suất 85 megawatt, tàu có thể đạt vận tốc 24 hải lý/giờ và mang theo 95 thành viên thủy thủy đoàn. Tàu có khả năng lặn lâu dưới nước, nhờ đó giảm nguy cơ bị phát hiện.

Tàu ngầm hạt nhân này sẽ nới rộng năng lực phòng thủ của Ấn Độ, cụ thể là thêm 1 “bệ phóng” cho tên lửa đạn đạo bên cạnh việc phóng từ trên không hay đất liền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Ngọc (Người lao động/BBC, India Express)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN