Ấn Độ: Cảnh sát thả 283 kẻ giết người, cướp của

Gần 300 trọng phạm bị kết án chung thân đã được cảnh sát cho phép về nhà mà không có bất kỳ biện pháp quản lý nào.

Ngày 19/6, một tòa án ở Ấn Độ đã ra lệnh cho cảnh sát thủ đô New Delhi phải truy tìm bằng được 283 tội phạm sát nhân, bắt cóc và cướp giật đã bị kết án chung thân nhưng lại được cảnh sát cho bảo lãnh ra ngoài trong quá trình kháng cáo.

Theo tòa án này, những tội phạm trên nằm trong số hơn 900 tù nhân bị kết án chung thân ở thủ đô, và những người này được thả ra ngoài xã hội bất chấp việc họ đã bị kết tội giết người và nhiều tội danh nghiêm trọng khác.

Sự biến mất của gần 300 trọng phạm này đã khiến cảnh sát New Delhi mất mặt và thể hiện thái độ dễ dãi của họ trong việc cho bảo lãnh đối với cả những tù nhân và bị cáo nguy hiểm nhất.

Ấn Độ: Cảnh sát thả 283 kẻ giết người, cướp của - 1

Cảnh sát Ấn Độ phóng thích tù nhân

Hồi đầu năm, nam diễn viên nổi tiếng Bollywood là Sanjay Dutt cũng được cảnh sát cho phép ra ngoài một tháng để chăm sóc vợ ốm trong khi đang ngồi tù 5 năm vì tội sở hữu vũ khí trái phép có liên quan đến các vụ đánh bom ở Mumbai năm 1993 khiến 250 người thiệt mạng.

Năm ngoái, một trong những chính trị gia cao cấp nhất của Ấn Độ là Lalu Yadav cũng đã được bảo lãnh cho ra ngoài chỉ 10 tuần sau khi bị kết án 5 năm vì tội tham nhũng.

Từ năm 2010 đến nay, hầu hết các tù nhân ở Ấn Độ đều có thể được bảo lãnh ra ngoài bằng tiền sau khi một tòa án phán quyết rằng những người đang trong quá trình kháng cáo có thể được bảo lãnh ra ngoài trong quá trình chờ phán quyết cuối cùng.

Trong khi đó, bà Sunil Gupta, một quan chức thuộc Cơ quan Quản lý Nhà tù New Delhi cho biết số trọng phạm trên được thả ra ngoài để “thiết lập lại các mối quan hệ xã hội và gia đình”.

Mặc dù cảnh sát đã ghi lại địa chỉ cư trú của những trọng phạm này, nhưng khi họ tìm cách liên lạc trở lại đều không nhận được câu trả lời. Những bị cáo này có thể sống nhởn nhơ ngoài xã hội từ 4 đến 5 năm trong quá trình đợi kháng cáo.

Bà Vrinda Grover, một luật sư nổi tiếng ở Ấn Độ cho rằng sai sót trên xảy ra vì “cảnh sát đã không thực thi nhiệm vụ của mình một cách đúng đắn”.

Bà này nói tiếp: “Cảnh sát cần phải có những biện pháp hiệu quả để quản lý các bị cáo khi họ được bảo lãnh ra khỏi tù. Chúng ta không thể loại trừ khả năng những trọng phạm bị kết án chung thân này có thể tiếp tục phạm tội một khi thoát khỏi tầm kiểm soát của cảnh sát.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Telegraph) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN