Xót xa những hài nhi bị chối bỏ, người đàn ông giúp 21 bà mẹ đơn thân "vượt cạn"

Không muốn phải nhặt thi hài thai nhi, ông Phụng nhận nuôi các cô gái có ý định phá thai và chăm sóc cho đến ngày “mẹ tròn, con vuông”.

Ông Phụng nhổ cỏ, chăm sóc cho các nấm mồ thai nhi. Ảnh: An Nhiên

Ông Phụng nhổ cỏ, chăm sóc cho các nấm mồ thai nhi. Ảnh: An Nhiên

Xót xa những sinh linh bị “chối bỏ”

Buổi chiều một ngày giữa tháng 9 (tháng 8, Âm lịch) chúng tôi đến thăm nghĩa trang Đồng Nhi, nơi chôn cất các thai nhi xấu số. Bên cạnh con đường nhựa lởm chởm đá là hàng ngàn nấm mồ nhỏ nằm xen kẽ vào nhau. Có những nấm mồ có tên, bên cạnh đó là nhiều nấm mồ khác chỉ được khắc trên bia hai chữ “vô danh” cô quạnh.

Giữa hàng ngàn nấm mồ, ông Nguyễn Phi Phụng với nước da ngăm đen, đang khom người nhặt cỏ, dọn dẹp. Hướng ánh mắt về phía những bia mộ, người đàn ông ở cái tuổi ngũ tuần kể, vào năm 1992, linh mục Nguyễn Vân Đông (nhà thờ Đức An, TP.Pleiku) lập nên nghĩa trang này để các sinh linh kém may mắn có chốn yên nghỉ.

Đến năm 2002 ông Phụng được thuê để xây mộ cho những đứa trẻ bị chối bỏ này. Mỗi ngày đến làm việc ông chứng kiến nhiều thai nhi bị bỏ lại bên đường hoặc treo trên cây. Nhìn sinh linh còn nhỏ, tay chân chưa hình thành hết... ông Phụng không cầm được nước mắt.

Nhiều người đến thăm và thắp nhang cho những đứa trẻ xấu số. Ảnh: An Nhiên

Nhiều người đến thăm và thắp nhang cho những đứa trẻ xấu số. Ảnh: An Nhiên

Ông nhớ, vào một buổi chiều mưa gió cách đây 18 năm, sau khi hoàn thành công việc, ông dắt xe chuẩn bị ra về thì phát hiện một túi bóng đen được để trên phần mộ nghĩa trang.

Theo bản năng ông tiến lại gần và mở ra thì bàng hoàng khi phát hiện bên trong là một bé trai. Nhìn quanh không thấy ai ông chỉ biết nâng thai nhi trên đôi tay run run của mình. Đầu óc ông khi đó trống rỗng bởi ông chưa từng nghĩ rằng một đứa bé đã đầy đủ bộ phận cơ thể lại bị người thân chối bỏ.

“Lần đầu tiên bế sinh linh lên, đôi tay tôi run từng hồi, người như bất động. Tôi không sợ mà chỉ thấy thương các con”, ông Phụng ngẹn ngào nói.

Bần thần suy nghĩ một hồi lâu, ông Phụng đưa thai nhi đi chôn cất rồi đặt tên phần mộ của cháu là “bé Mập”. Từ đó, ông quyết định gắn bó với nơi này để giúp những sinh linh kém may mắn có một “ngôi nhà”.

Để có thể “đón” các con về nhà nhanh nhất, ông Phụng để lại số điện thoại của mình ở nhiều nơi. Khi có các bào thai bị chối bỏ, những nơi này sẽ gọi ông đến để ông “đưa các con về nhà”. Không kể ngày đêm, khi hay tin ở đâu có thai nhi bị chối bỏ ông lại tức tốc lên đường “đón” các con.

Tấm bảng với dòng chữ “Xin đừng vất bỏ vùi lấp chúng con” trước nghĩa trang với mong muốn không còn đứa trẻ nào bị chối bỏ nữa. Ảnh: An Nhiên

Tấm bảng với dòng chữ “Xin đừng vất bỏ vùi lấp chúng con” trước nghĩa trang với mong muốn không còn đứa trẻ nào bị chối bỏ nữa. Ảnh: An Nhiên

Nhận chăm mẹ đơn thân để cứu thai nhi

Ông Phụng cho hay, khi mới bắt đầu gắn bó nơi đây thì chỉ có khoảng 3.800 thai nhi bị chối bỏ. Tuy nhiên đến nay con số đó đã lên gần 25.000.

“Trước đây, mỗi ngày chỉ có khoảng 2-3 cháu bé được đưa về đây chôn cất. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày có khoảng 5 thai nhi. Tôi chỉ mong bản thân mình không có việc làm, khi đó những đứa trẻ ấy sẽ được sống, được nhìn thấy ánh mặt trời”, ông Phụng lấy tay gạt ngang khóe mắt đỏ hoe.

Dẫn chúng tôi vào khu nhà thờ chung, phía sau lư hương nghi ngút khói là dòng chữ: “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” khiến ai nhìn thấy đều không khỏi xót xa.

Những chiếc đèn lồng được trang trí trước dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” khiến nhiều người chạnh lòng. Ảnh: An Nhiên

Những chiếc đèn lồng được trang trí trước dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” khiến nhiều người chạnh lòng. Ảnh: An Nhiên

Chuẩn bị cho ngày Tết Trung thu, trong trang thờ, ông Phụng treo hàng chục cái đèn lồng, đèn ông sao khiến nơi đây trở nên ấm cúng hơn.

“Trung thu là của thiếu nhi, những đứa trẻ khác được rước đèn, phá cỗ thì tôi cũng muốn các con ở đây cũng được hưởng niềm vui như bao đứa trẻ khác”, ông Phụng nghẹn lời.

Lấy từ trong túi quần ra tập ảnh chụp những sinh linh bị chối bỏ, ông Phụng chỉ vào tấm hình thai nhi đang nắm chặt tay rồi kể, chiều Trung thu của năm 2004, linh mục Đông đến nghĩa trang “thăm” các con thì phát hiện chiếc túi được đặt trên bàn thờ. Khi mở ra thì một bé trai đã không còn hơi thở. Linh mục nhẹ nhàng đặt con vào tiểu để đi chôn cất. Thai nhi xấu số được linh mục Đông đặt cho cái tên Nguyễn Trung Thu để nhớ ngày con về với cõi vĩnh hằng.

Không muốn phải nhặt thi hài thai nhi, ông Phụng nhận nuôi các cô gái có ý định phá thai và chăm sóc cho đến ngày “mẹ tròn, con vuông”. Mặc cho người đời bàn tán, dèm pha ông Phụng vẫn quyết tâm thực hiện. May mắn, ông Phụng nhận được sự ủng hộ của người vợ. Hai vợ chồng ông Phụng chung tay chăm sóc các bà mẹ đơn thân cho tới khi họ “vượt cạn”. Đến nay ông Phụng giúp được 21 trường hợp mẹ định bỏ con sinh hạ “mẹ tròn con vuông”, tới nay có cháu đã học lớp 9.

“Tôi hy vọng những bậc làm cha mẹ hãy suy nghĩ trước khi hành động, đừng để sau này phải hối hận khi từ bỏ giọt máu của mình. Nếu ai lầm đường, lạc lối hãy đưa các con để nơi này, để các con được chôn cất cẩn thận” – ông Phụng chia sẻ rồi vội vã chào chúng tôi trước khi chạy vụt đi chôn cất 3 sinh linh mới mang về.

Ông Lê Minh Hùng, chủ tịch UBND phường Ia Kring (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, những việc làm của những người trông nom nghĩa trang và chôn cất thai nhi là rất ý nghĩa. Do đó, phường cũng giúp đỡ, hỗ trợ về vấn đề an ninh tại khu vực này để những người nơi đây yên tâm làm việc tốt, giúp đời.

”Người cha” của hàng ngàn hài nhi vô danh

Những nấm mộ nhỏ bé nép mình bên nhau giữa ngút ngàn đá núi và mây trời dội vào tâm can của người đến thăm một sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên ([Tên nguồn])
Những phận đời kém may mắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN