Ám ảnh lời trăng trối của viên cảnh sát vụ thảm sát ở Paris

Viên cảnh sát theo đạo Hồi Ahmed Merabet chỉ kịp thốt lên "Các người định giết tôi ư?" trước khi bị những tay súng bắn chết sau khi chúng gây ra vụ thảm sát tại tạp chí Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người thiệt mạng hôm 7.1.

Video kinh hoàng từ hiện trường vụ tấn công ở tòa soạn của tạp chí Charlie Hebdo ở Paris cho thấy, viên cảnh sát Ahmed Merabet là nạn nhân cuối cùng bị bắn chết khi các tay súng bịt mặt đang tìm cách tẩu thoát. Anh Ahmed Merabet sinh ra trong gia đình có cha mẹ là người Hồi giáo Bắc Phi nhập cư và sống tại Paris.

Viên sĩ quan cảnh sát 42 tuổi đang đi tuần thì gặp những kẻ tấn công và anh đã hỏi một trong những tay súng bịt mặt rằng: "Cậu định giết tôi ư?

Tay súng trả lời: "Không hề gì đâu, ông cảnh sát" rồi bắn chết Ahmed Merabet.

Ám ảnh lời trăng trối của viên cảnh sát vụ thảm sát ở Paris - 1

 

Chân dung viên cảnh sát Ahmed Merabet (phải) và cảnh anh nằm trên đường sau khi bị những tay súng bịt mặt mặc đồ đen bắn chết.

 

Cái chết của viên cảnh sát Ahmed Merabet đã dấy lên làn sóng cảm thông ở Pháp và hàng nghìn người đang nhắc tên anh trên Twitter với khẩu hiệu Tôi là Ahmed, tương tự như "Tôi là Charlie" để tưởng niệm các nhà báo và họa sĩ tranh biếm họa đã thiệt mạng, cũng như ủng hộ tạp chí bị tấn công Charlie Hebdo.

Một tweet (thông điệp) của người dùng Twitter tên là Dyab Abou Jahjah được chia sẻ hơn 5.730 lần viết: "Tôi không phải là Charlie, tôi là viên cảnh sát Ahmed. Charlie đã cười nhạo đức tin của tôi và tôi đã chết để bảo vệ quyền được làm như vậy".

Một người dùng khác tên là Alan Mendoza chia sẻ: "Một điều quan trọng cần lưu ý là, một cảnh sát Hồi giáo dũng cảm đã bị giết hạit bởi những kẻ tuyên bố đại diện cho Hồi giáo".

Ám ảnh lời trăng trối của viên cảnh sát vụ thảm sát ở Paris - 2

 

Chân dung 2 tay súng tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo đang chạy trốn.

Các đồng nghiệp của viên cảnh sát Ahmed đã bị sốc khi xem đoạn video cho thấy anh bị bắn chết một cách tàn bạo.

 

Một quan chức thuộc Liên đoàn cảnh sát Pháp là ông Rocco Contento chia sẻ, cảnh sát Ahmed Merabet là người rất hiền hòa, nhân hậu, đã lập ra đình và có 8 năm làm cảnh sát. Viên cảnh sát đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ tuần tra quận 11 - nơi tạp chí Charlie Hebdo đặt trụ sở.

"Chúng tôi đều rất sốc", ông Rocco Contento nhấn mạnh.

Một quan chức khác trong Liên đoàn cảnh sát giấu tên cho hay, cha mẹ anh Ahmed nhập cư vào Pháp từ Bắc Phi, vùng chủ yếu theo Hồi giáo. Tuy nhiên, ông không dám chắc Merabet có theo tôn giáo này hay không.

Cái chết của viên cảnh sát Ahmed cũng khiến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phải lên tiếng.

"Bản thân anh ấy là một người Hồi giáo. Đây lại là một lời nhắc nhở về thứ chúng ta đang phải cùng nhau đối mặt. Nó không phải là cuộc chiến tranh tôn giáo, vì tôn giáo hay dựa trên tôn giáo. Nó là hành động tấn công vào loài người với ý định gây sợ hãi và kích động", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon phát biểu trước báo giới.

Trong khi đó, gia đình Ahmed chia sẻ, họ muốn chôn cất anh tại một nghĩa trang Hồi giáo nổi tiếng ở Pháp nằm ở phía đông bắc của Paris, nơi chôn cất hơn 7.000 người Hồi giáo.

Ngoài ra, nhân viên an ninh thứ 2 thiệt mạng trong vụ xả súng tại Paris hôm 7.1 là Franck Brinsolaro, một cảnh sát kỳ cựu đã lập gia đình, người bảo vệ của ông Stephane Charbonnier, Tổng biên tập tạp chí Charlie Hebdo.

Theo truyền thông Pháp, Brinsolaro đã kết hôn với biên tập viên của một tuần báo phát hành ở miền bắc Pháp và họ có con gái một tuổi.

Bức ảnh đầu tiên được công bố chụp bên trong tòa soạn Charlie Hebdo sau vụ thảm sát đẫm máu phơi bày cảnh tượng kinh hoàng, giấy tờ nằm vương vãi trong phòng với những vết máu đỏ trên sàn gỗ.

Ám ảnh lời trăng trối của viên cảnh sát vụ thảm sát ở Paris - 3

 

Bức ảnh đầu tiên được công bố chụp bên trong tòa soạn Charlie Hebdo sau vụ tấn công đẫm máu.

 

Một lỗ thủng do đạn bắn có thể được nhìn thấy trên tường và cửa sổ cũng có nhiều lỗ đạn. Những người sống sót cho biết họ chỉ có thể cứu sống bản thân bằng cách ngồi co rúm sau một chiếc bàn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN