Ai Cập: Bạo loạn vì án treo cổ 21 hooligan
Ngày 9/3, toà phúc thẩm Ai Cập tuyên án tử hình (treo cổ) đối với 21 bị cáo nhận án tử hình hồi tháng 1 vì tham gia vụ bạo lực sân cỏ ở thành phố Port Said năm 2012 khiến 74 người thiệt mạng.
Cùng ngày, toà kết án 15 năm tù/người đối với 10 bị cáo, trong đó có đội trưởng an ninh sân vận động Port Said; 10 năm tù đối với 6 bị cáo khác; 5 năm đối với 2 bị cáo, 1 năm đối với 1 bị cáo. Có tổng cộng 28 bị cáo, trong đó có 7 cảnh sát được tuyên trắng án.
Đầu tháng 2/2012, vào lúc bắt đầu trận đấu tại sân vận động Port Said, cổ động viên đội al-Masry tràn xuống sân tấn công cầu thủ và cổ động viên đội al-Ahly, làm 74 người thiệt mạng. Nhiều cổ động viên và gia đình các nạn nhân cho rằng, cảnh sát can thiệp chậm trễ, thậm chí làm ngơ khi bạo lực xảy ra.
Vì thế, sau khi 7 cảnh sát được tha bổng, nhiều người xuống đường biểu tình, đốt một CLB cảnh sát và trụ sở Liên đoàn Bóng đá Ai Cập. Một số người biểu tình tập trung ở kênh đào Suez, tháo dây neo cho xuồng máy trôi dạt, ngăn cản các chuyến phà... Binh lính cùng với xe tăng, máy bay trực thăng được huy động để bảo vệ kênh đào quan trọng này.
Người biểu tình đốt cháy nhiều nơi ở Port Said và Cairo. Ảnh: BBC
Trước phiên toà ngày 9/3, quân đội phải đảm nhiệm vai trò của cảnh sát ở Port Said. Lần đầu tiên, lực lượng cảnh sát ở 1/3 số tỉnh của Ai Cập đình công. Họ phản đối việc bị chính phủ của Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi sử dụng để đàn áp người biểu tình. Mấy ngày qua, ít nhất bảy dân thường và nhân viên an ninh ở Port Said thiệt mạng trong các đợt xô xát.
Ngày 26/1, ít nhất 30 người mất mạng trong cuộc xung đột giữa thường dân với cảnh sát, nhân viên an ninh ở Port Said, sau khi 21 cổ động viên bóng đá bị kết án tử hình vì gây ra vụ bạo lực đẫm máu nhất trong lịch sử bóng đá Ai Cập.