Ai cấm mẹ VN anh hùng thi đại học?

Học, học nữa, học mãi. Không ai cấm người già thi đại học. Không có lý do gì mà mẹ Việt Nam anh hùng lại không được đi thi đại học.

Ông Nguyễn Duy Kiên (Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH) cho rằng thực tế, từng có phụ nữ mới hơn 40 tuổi được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng. Và có thể có những người trẻ hơn sẽ được phong danh hiệu qua thành tích trong thực tiễn lao động đời sống.

Ông Nguyễn Duy Kiên phân tích: Ai cũng biết câu nói: “Học, học nữa, học mãi”, con người có thể học cả đời. Không có lý do gì mà người già lại không được đi thi đại học. Quy định của Bộ GD&ĐT là một chính sách trong giáo dục. Có thể coi quy định đó như một hành lang pháp lý.

Ở góc độ thực tiễn, người dân Việt Nam vẫn quen với hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng là những người đã cao tuổi. Nhưng theo ông Kiên, thực chất có người vẫn trẻ. Tiêu chuẩn mẹ Việt Nam anh hùng không khống chế độ tuổi.

Ông Kiên cho rằng, rất nhiều người trẻ tuổi hoàn toàn có thể xả thân hy sinh vì tổ quốc, dũng cảm cứu người, đóng góp cho xã hội. Những bà mẹ của họ có thể chưa cao tuổi nhưng được xem xét phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

“Trong quá trình chúng tôi làm chế độ chính sách, vẫn có những bà mẹ Việt Nam anh hùng còn trẻ”, ông Kiên nói.

Ông Kiên nêu ví dụ, từng có một bà mẹ tên Hạnh ở Đà Nẵng được phong danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng" khi mới hơn 40 tuổi. Đó là bà mẹ có con trai duy nhất mới 16 tuổi đã dũng cảm hy sinh cứu người. Người con đó đang trên đường đi thi thì thấy một số em nhỏ chết đuối. Thiếu niên này đã dũng cảm nhảy xuống cứu và anh dũng hy sinh. Bà Hạnh sau đó được phong danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng". Giả sử bây giờ có bà mẹ được phong danh hiệu đó ở tuổi 40 thì hoàn toàn có thể thi đại học.

Vị Phó Cục trưởng cho rằng, đâu phải khi đất nước xảy ra chiến tranh mới có “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Sau này, Việt Nam vẫn có thể có rất nhiều phụ nữ trẻ được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Ai cấm mẹ VN anh hùng thi đại học? - 1

Người dân vẫn quen với hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng là những người đã cao tuổi, nhưng thực tế người còn trẻ vẫn có thể được phong danh hiệu "Mẹ Việt Nam anh hùng". (Ảnh minh họa)

Ông Kiên còn cho biết, trước đây, từng có một chính sách cũng đã bị báo chí phản ánh là “bánh vẽ”. Đó là quy định ưu tiên với “con của lão thành cách mạng, chiến sĩ tiền khởi nghĩa”. Người ta cho rằng chính sách đưa ra không thực tiễn. Tuy nhiên, qua rà soát thực tế cho thấy, vẫn có hàng chục người thuộc đối tượng trên đang học đại học.

“Có thể thấy rằng, cho dù họ chỉ là số ít nhưng vẫn là có. Họ phải được hưởng sự ưu đãi. Chúng ta không thể không có chính sách dành cho họ", ông Kiên nêu quan điểm.

Theo ông Kiên, việc đưa ra chính sách mới tạo được hành lang pháp lý đúng đắn. Một nhà nước pháp quyền phải có đủ cơ sở pháp lý để điều chỉnh xã hội. Nếu không có chính sách, đến khi xảy ra thực tiễn, nhiều người lại quay ra thắc mắc vì sao Nhà nước thiếu quan tâm, hỗ trợ.

Ông Kiên còn dẫn chứng thêm, Việt Nam có thể hiếm, nhưng ở nước ngoài, thỉnh thoảng chúng ta vẫn đọc báo thấy nói về những cụ già 70 – 80 tuổi thi, học đại học.

Cuối cùng, Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Kiên cho rằng, quy định Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ là một quy chế đối với người dự thi đại học. Chúng ta thường có thói quen thấy một điều gì lạ hay phản ứng, cho rằng phản cảm, nhưng khi đã quen với điều đó, sẽ thấy hoàn toàn bình thường.

“Đó là một chính sách ưu đãi đối với người có công", ông Kiên nhấn mạnh.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Tạ Văn Thiều (Phó Cục trưởng Cục Người có công - Bộ LĐTB&XH) cũng cho biết, theo quy định, liệt sĩ có thể là bất cứ ai, không kể tuổi tác, nghề nghiệp.

Một em bé 10 tuổi có hành động dũng cảm cứu người mà hy sinh, có thể được xem xét công nhận danh hiệu liệt sĩ. Người mẹ của thiếu niên đó có thể mới 30 tuổi cũng có thể được xem xét phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ông Thiều còn cho rằng, kể cả “Mẹ Việt Nam anh hùng” hay “Người có công với cách mạng” có già đi chăng nữa thì vẫn có thể đi thi đại học. Thực tế từ trước đến nay vẫn có những người 70, 80 tuổi đi thi đại học.

Pháp lệnh 04 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định:

Người được phong Liệt sĩ có thể là người đã hy sinh vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng bằng "Tổ quốc ghi công". Một trong các trường hợp được phong tăng danh hiệu liệt sĩ là: Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Pháp lệnh số 05 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”:

1. Có 2 con trở lên là liệt sĩ.

2. Có 2 con mà 1 con là liệt sĩ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

3. Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sĩ.

4. Có 1 con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.

5. Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN