300 tấn cá chết nổi trắng sông: Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu rà soát nguồn thải

Liên quan tới vụ việc cá nuôi chết hàng loạt, Chủ tịch tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông; rà soát các nguồn thải vào khu vực sông có nuôi cá lồng...

Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện thị thành khẩn trương xác định, làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt trong những ngày qua.

Đồng thời, các đơn vị liên quan tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình nuôi cá lồng trên sông, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống, khắc phục.

Chủ tịch tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở TN&MT tổ chức quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung khu vực có cá nuôi lồng chết hàng loạt. Đồng thời, chủ trì phối hợp với UBND các huyện thị thành tổ chức rà soát các nguồn thải vào khu vực sông có nuôi cá lồng.

Trước đó, từ đầu tháng 4 đến nay, người dân xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương) liên tiếp ghi nhận tình trạng cá nuôi lồng trên sông Thái Bình chết hàng loạt, nổi trắng mặt sông.

Người dân Hải Dương vớt cá nuôi lồng chết hàng loạt. Ảnh: PV/BHD

Người dân Hải Dương vớt cá nuôi lồng chết hàng loạt. Ảnh: PV/BHD

Các hộ dân lúc đầu vớt cá rồi đem xử lý chôn lấp tránh ô nhiễm nguồn nước và không khí. Tuy nhiên, sau đó lượng cá chết quá lớn, một số người đã vớt cá thả ra sông. Do dòng sông chảy chậm, cá lưu động tại các khu vực lặng nước, nhiều bèo và thời tiết nắng đã gây ra tình trạng bốc mùi hôi thối, ô nhiễm.

Đáng chú ý, cá chết theo dòng nước chảy vào sông Sặt qua khu vực dân cư đông trong thành phố Hải Dương dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cá chết chủ yếu là cá chép (3-7kg), cá diêu hồng, cá lăng... trôi dạt dọc sông Sặt.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Đoàn thanh niên TP Hải Dương cho biết, trước tình trạng cá chết hàng loạt, số lượng lớn người dân vớt không xuể, chính quyền và cấp đoàn cơ sở đã thông báo và đề nghị huy động đoàn viên thanh niên xuống hỗ trợ nông dân.

Ngày 7/4, Thành Đoàn Hải Dương đã huy động 50 đoàn viên thanh niên chia thành nhiều nhóm xuống xã Tiền Tiến hỗ trợ hàng chục hộ dân vớt cá chết để đơn vị môi trường hỗ trợ chôn lấp, xử lý.

Cũng trong ngày 7/4 và 8/4, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã huy động 40 cán bộ, công nhân từ các đơn vị, xí nghiệp trực thuộc sử dụng ô tô, máy xúc, thuyền, ca nô... tổ chức vớt hàng chục tấn cá chết trôi nổi trên sông Sặt.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ nông dân xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương) vớt cá nuôi lồng chết trên sông Thái Bình. Ảnh: Đoàn thanh niên thành phố Hải Dương.

Đoàn viên thanh niên hỗ trợ nông dân xã Tiền Tiến (thành phố Hải Dương) vớt cá nuôi lồng chết trên sông Thái Bình. Ảnh: Đoàn thanh niên thành phố Hải Dương.

Công nhân tổ chức vớt cá chết từ sông Thái Bình trôi dạt vào sông Sặt, đoạn qua khu vực đông dân cư ở thành phố Hải Dương.

Công nhân tổ chức vớt cá chết từ sông Thái Bình trôi dạt vào sông Sặt, đoạn qua khu vực đông dân cư ở thành phố Hải Dương.

Cá chết trắng sông Sặt được xác định là cá từ các lồng nuôi trên sông Thái Bình chết trôi dạt vào sông Sặt, khu vực đông dân cư gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, đơn vị phối hợp với Cục Thủy sản và Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) xuống kiểm tra nguồn nước. Bước đầu xác định, khu vực cá chết nhiều nồng độ oxy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Hải Dương có khoảng hơn 300 tấn cá các loại nuôi lồng bị chết, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Riêng xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) có 52 hộ nuôi với khoảng 700 lồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngày 19/3, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh loạt cá chết trên hồ Thủy Sứ (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội). Nhiều người cho biết, khu vực bốc mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hoàn ([Tên nguồn])
Ô nhiễm môi trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN