20 năm bị gán danh ‘ma thuốc độc’

Sự kiện: Thời sự Quảng Bình

Một gia đình cách mạng gần 20 năm nay phải chịu tiếng oan và sự xa lánh của dân làng.

20 năm bị gán danh ‘ma thuốc độc’ - 1

Ông Dịch, bà Hà kể lại câu chuyện 19 năm bị hàm oan mê tín ma thuốc độc và những lá đơn thống thiết kêu oan. Ảnh: MINH QUÊ

“Gia đình tôi nhiều năm qua bị dân làng vu oan là bỏ thuốc độc khiến người đau ốm, chết bất đắc kỳ tử. Mong báo cử phóng viên về xác minh tìm hiểu” - con trai ông Dương Đức Dịch (thôn Rẫy, Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đang góp sức bảo vệ quần đảo Trường Sa ở đảo Phan Vinh gọi điện thoại về phản ánh với báo Pháp Luật TP.HCM trong uất ức.

Ngày nào cũng phải dọn xú uế

Thôn Rẫy nằm sát vùng núi của xã Tây Trạch, nơi gia đình ông Dương Đức Dịch (74 tuổi) sinh sống. Gia đình ông có truyền thống cách mạng, được nhiều đời Chủ tịch nước tặng huân, huy chương.

Một gia đình “cự phách” về tinh thần cách mạng như thế nhưng bị cơn lốc mê tín dị đoan trong vùng đã cướp mất của họ sự yên bình. Trên đường chúng tôi hỏi lối về nhà ông Dịch bà Hà, không ít người tỏ vẻ kỳ thị ra mặt, họ cho rằng ông bà là người rất xấu, gây tác hại với cộng đồng dân cư nên có người chỉ đường qua loa, có người bĩu môi miệt thị.

Nguồn cơn bắt đầu từ 19 năm trước, một phụ nữ tên Thìu nói người anh của bà ấy chết mà không tìm ra bệnh là do bà Hà bỏ thuốc độc. Từ đó lời đồn cứ loang như vết dầu, nó âm ỉ dằng dặc 20 năm nay mà cả gia đình ông không biết cách gì thoát được.

Bà Hà kể: “Họ nói tui là ma thuốc độc. Họ bịa tạc ra thuốc độc này không nhìn thấy, chỉ một cái vỗ vai, hay hắt nước vào áo quần, hay làm cái phép gì đó là nhà người khác đau ốm liên miên, đau đến chết. Thế là họ đổ cho nhà tui”.

20 năm trước, thôn Rẫy đường sá đi lại khó khăn, ai đau ốm gì người dân cứ đi tìm thầy bói tít trên huyện Minh Hóa xa xôi, nghe phán người nhà ai đó trong thôn đau ốm đều do bị bỏ ma thuốc độc. Lời đồn cứ nhắm thẳng vào nhà bà Hà, người ta xa lánh, kỳ thị đến nỗi con cái ông bà đi học cũng bị vạ lây bởi đám trẻ trêu chọc.

Ông Dịch than thở: “Cả làng cay nghiệt với vợ con tui, chó mèo nhà ai chết họ không chôn lấp mà vứt vào cửa nhà, sau cửa sổ, mùi thối bốc lên hôi rình. Gần như ngày nào tui cũng phải dọn xú uế đi chôn”.

Nghĩ đến cái chết để giải oan

Bức quá ông Dịch phải đội đơn lên xã cầu cứu giải oan. Bà Hà nhớ lại: “Hồi đó có vị lãnh đão xã còn nói nếu có thuốc độc thì vứt đi để xóm làng khỏi dị nghị. Cả nhà tui đau đớn. Cũng may có Trưởng công an xã gọi chị Thìu lên xin lỗi và nói không có thuốc độc gì cả.  Nhưng vì không giải thích rõ nên dân tình vẫn không ít người ác nghiệt với nhà tui. Họ vẫn âm ỉ đồn đại, cô lập gia đình. Bao nhiêu năm bấn loạn”.

20 năm bị gán danh ‘ma thuốc độc’ - 2

20 năm bị gán danh ‘ma thuốc độc’ - 3

Đến tháng 11-2017, lời đồn lại bùng nổ lên khi ông Huyến trong thôn đến nhà và nói ông Dịch bỏ thuốc độc. Sau đó đi làm đồng, ông Dịch có vào đất đồng ông Long vệ sinh, liền bị ông Long nói: “Nhà mi có thuốc độc, đến đây làm đất của tau nhiễm độc”. Lời đồn lại lan rộng ra. Dân làng tiếp tục đưa rác bẩn đủ loại tấn công, cô lập gia đình. Người nhà bà Hà đi đến đâu, con nít cũng ù té chạy.

Quá đau khổ, ngày 25-5 vừa qua, bà Hà làm đơn cầu cứu xã, xã bút phê chuyển về ban mặt trận thôn giải quyết. Trưởng thôn Rẫy tổ chức họp với đầy đủ ban bệ của thôn, kể cả hai đối tượng nói nhà ông Dịch bà Hà bỏ thuốc độc. Tuy nhiên, cuộc họp cũng không giải quyết dứt điểm. Sự việc cứ âm ỉ như thế suốt gần bốn nhiệm kỳ lãnh đạo xã…

Ông Dịch vuốt nước mắt nói: “Từ lời đồn ác độc như thế, vợ tui từng tìm đến cái chết để thanh minh cho cả nhà, con cái phải can ngăn, tui phải động viên, giữ chặt bà ấy bên mình để tránh điều xấu nhất”.

• Bà con thôn Rẫy trình độ dân trí thấp, cứ đau ốm không đi bệnh viện, hay tìm thầy bói mới sinh ra cơ sự. Chúng tôi đã tiếp nhận đơn của bà Hà, mời các đối tượng lên, mời cả chị Thìu của 19 năm trước ở Đức Trạch về, chị ấy nói từ ngày xin lỗi đến nay chị không nói đến chuyện bỏ thuốc độc. Còn ông Huyến cũng đã xin lỗi, ông Long thì chưa. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức các hội nông dân xã, phụ nữ xã, xã đoàn… tuyên truyền không để gia đình chính sách ông Dịch, bà Hà bị lời đồn mê tín hàm oan.

Ông DƯƠNG VĂN KHÁNH, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch

• “Ma thuốc độc là mê tín dị đoan, tôi sẽ chỉ đạo để bảo vệ gia đình chính sách này nhằm cho con của ông Dịch, bà Hà yên tâm công tác cùng đồng đội giữ gìn biển, đảo Trường Sa.

Ông PHAN VĂN GÒN, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch

-----------------

Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình, Phạm Thị Hân, cho biết bà sẽ chỉ đạo chị em hội phụ nữ tỉnh, huyện, xã đến thăm hỏi, động viên gia đình bà Hà. Ngoài ra Hội cũng chỉ đạo tuyên truyền đến từng hội viên rằng thực tế không có cái gọi là ma thuốc độc, nhằm từng bước đẩy lùi mê tín dị đoan.

Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình cũng cho hay ông sẽ trực tiếp chỉ đạo huyện đoàn và xã đoàn tuyên truyền trong hệ thống đoàn viên của xã là gia đình ông Dịch bà Hà không gieo rắc bất cứ sai trái nào cho ai. Ma thuốc độc là lời đồn đại mê tín, đoàn viên không nên tin sự dị đoan này. Đoàn viên cũng phải giải thích cho thành viên gia đình dòng họ vấn đề này để ông Dịch bà Hà cùng con cháu không còn cảnh bị người xấu đổ oan bỏ ma thuốc độc. 

Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Bình cũng có chỉ đạo theo hệ thống tuyên truyền trong dân chúng loại bỏ lời đồn ác ý bao lâu nay với gia đình bà Hà nhằm để họ có cuộc sống yên lành.

Kì lạ ngay giữa Thủ đô, cả làng không ai gọi bố là “Bố”

Ngôi làng nhỏ ngay giữa Hà Nội, hàng ngàn năm nay, người dân không bao giờ gọi bố là “Bố” dù đó có là bố đẻ hay...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quê ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN