1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc: Phải sống

Sự kiện: Thời sự

Sau khi khống chế tàu FV Na Ham bắt giữ 28 thuyền viên, cướp biển Somalia đưa họ vào đất liền, nhốt con tin trong một căn lều bằng bạt giữa sa mạc. Hằng ngày ăn cơm gạo mốc, sống chung với rắn rết, thiếu nước ngọt và nhiều người trong số họ bị đánh đập thậm tệ. Cuộc sống tủi nhục nơi xứ người tưởng chừng không lối thoát...

1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc: Phải sống - 1

Sự trở về kỳ diệu của thuyền viên sau hơn 4 năm bị cướp biển Somalia bắt cóc

Một năm lênh đênh

Từ lúc rơi vào tay cướp biển, con tin phải trải qua quãng thời gian tồi tệ nhất. Lại những ngày lênh đênh trên biển trong hải trình bất định, không còn buông cần câu cá, không còn tiếng hò reo. Sự ngột ngạt bởi bị giam cầm dưới họng súng thành áp lực đè nặng lên mỗi thuyền viên. “Một số người có ý định nhảy xuống biển trốn, nhưng nhớ đến cái chết của thuyền trưởng lại rùng mình”, anh Phương kể. Ba ngày đêm đầu tiên, 28 thuyền viên chỉ được ăn đúng một bữa. Nhiều người đói lả. Khi phát hiện, bọn cướp biển lại cho thêm một ít nước uống cầm hơi. Khoảng 12 giờ đêm ngày 20/3/2012, tàu bỗng dừng lại, các thuyền viên được cướp biển cởi trói cho xuống mạn tàu dưới sự giám sát của 7 tay súng.

Rạng sáng, ngày 21/3, khoảng 70 tay súng được một chiếc tàu chở ra tiếp cận con tàu đánh cá. “Chúng đưa từng người ra phía sau tàu tra tấn, rồi bắt gọi điện về cho gia đình với nội dung đưa tiền sang để chuộc. Lúc tôi gọi về cho vợ khoảng 11 giờ đêm, chỉ được nói vài câu bị giật tắt điện thoại”, Nguyễn Văn Xuân nhớ lại. Thi thể thuyền trưởng được chúng gói lại, xác vị thuyền trưởng xấu số bọc sơ sài để cạnh những bì gạo, thùng rau, ngày này qua tháng khác làm nhiều người lo lắng và sợ hãi. “Mỗi lần bị chúng dẫn xuống hầm đông lấy thực phẩm lên chế biến thấy xác thuyền trưởng nằm cạnh thực phẩm khiến ai nấy sợ hãi”.

Nhiều bữa ăn, một số thuyền viên sợ gạo ẩm mốc hơi lạnh từ xác người nên bỏ bữa, chỉ uống nước cầm chừng. Nhiều người sinh bệnh, chân tay cứ sưng tấy thâm đen nhưng không hiểu bị bệnh gì. “Tôi hai lần chân tay bị sưng tấy nằm một nơi. Ra ký hiệu xin thuốc, bọn cướp biển không cho. Tôi vờ tuyệt thực không ăn uống hai ngày, may mắn chúng đưa đến cho một bọc thuốc”, anh Hạ kể. Bệnh tật hành hạ, ăn uống kham khổ, một thuyền viên người Indonesia đã tử vong trên tàu. “Nhìn anh ấy ra đi không ai cầm được nước mắt, mọi người lo lắng về những ngày tiếp theo của bản thân mình. Nhiều lúc đêm ngủ mơ thấy vợ con, tỉnh dậy thấy đang nằm cạnh bọn cướp biển lại không ngủ được, thao thức suốt đêm”, thuyền viên Hạ nói.

Ở trên tàu cá khoảng được một năm, các con tin được cởi trói và bắt phải làm những công việc nặng nhọc nhất. Khi buông neo, cướp biển Somalia dùng dây xích để kéo theo hai tàu bên cạnh ghì chặt vào nhau. Sóng to gió lớn, một tàu ở mạn phải bị chìm, lương thực trên tàu cũng hết, bọn cướp biển ra lệnh cho các thuyền viên thu gom tất cả vật dụng lại rồi đưa mọi người vào bờ. Thuyền viên Phan Xuân Phương kể: “Chúng đưa mọi người lên một chiếc xe tải như lùa vịt. Đi được khoảng 2 tiếng đồng hồ, chiếc xe dừng lại dưới một gốc cây. Cái bạt màu xám được căng lên, làm thành túp lều nhốt các con tin”.

Mọi hoạt động bị giám sát chặt chẽ, kể cả khi đi vệ sinh. Nước uống phải dè chừng, chắt chiu từng giọt. “Tôi thường nhìn ra ngoài thấy trước khi đi ngủ, cướp biển thường khấn vái thần linh. Họ nhìn lên trời, quỳ gối lầm rầm nói điều gì đó rồi mới đặt lưng nằm xuống. Ở đó, sa mạc cây cối lưa thưa, nắng nóng thì kinh khủng. Nắng triền miên, xối xả. Đôi khi cả tháng cũng chẳng có giọt mưa nào”, anh Hạ kể.

Tồn tại bằng mọi giá

Cứ nghĩ cuộc sống tốt hơn khi được lên bờ, nào ngờ hành trình để tồn tại trong tay bọn cướp biển của các con tin lại tủi nhục và khổ sở hơn gấp vạn lần. Mọi người được phát cho một chiếc chăn mỏng, phía trên đầu được căng tạm bạt che nắng mưa.

“Nhìn xung quanh chỉ thấy sa mạc cằn khô, bốn phía chỉ có nắng và nắng. Bọn cướp biển lúc này căng thẳng hơn. Người nào không nghe lời lập tức bị chúng dùng báng súng đánh đập thậm tệ. Nhiều lúc tranh thủ bọn cướp ra ngoài, anh em thuyền viên bàn nhau tìm cách trốn nhưng biết trốn đi đâu giữa bốn bề cát trắng?”, anh Xuân kể.

Ngày qua ngày, hải tặc không cho mọi người ra ngoài lán. Mọi sinh hoạt được chúng bắt thực hiện ngay tại chỗ. Bốn năm bị cướp biển bắt giữ, 28 thuyền viên chưa một lần được tắm nước ngọt.

“Tóc, râu ria xồm xoàm. Mọi người xin lại chiếc dao cạo của bọn cướp biển để cạo trọc đầu. Ba năm trời nằm trên cát, sờ đâu cũng thấy cát. Quần áo mọi người mặc xong vài ngày lại đưa ra phơi nắng cho mất mùi rồi đưa vào dùng tiếp”, anh Nguyễn Văn Xuân kể. Nhiều lần thấy có dấu hiệu khác lạ, bọn cướp biển lại di chuyển các con tin vào khu vực sâu hơn, cách chỗ cũ vài km. Nước mưa không có, nước biển cách cả chục cây số, thuyền viên chỉ có cách lấy cát xoa lên người, gọi là...tắm cát. “Có một đợt phải di chuyển vào trong sa mạc khoảng 2 tháng mọi người không được tắm rửa. Ghẻ lở, hắc lào, nấm mọc toàn thân. May mắn sau đó lại được di chuyển ra gần biển mọi người mới được tắm rửa nước mặn”, anh Xuân nhớ lại.

Để gây áp lực cho các thuyền viên bọn cướp biển lấy một loại lá cây nấu lên cho mọi người uống. Khi uống vào sẽ khó ngủ, căng thẳng kèm theo thiếu ăn triền miên làm cho nhiều người nằm liệt một chỗ. “Chúng cho uống loại lá đó làm cho mọi người lo nghĩ rồi mệt lử, không có cơ may chống cự, anh Hạ kể đầy bức xúc. Ba năm trời với công thức cho một ngày tồn tại của 28 thuyền viên chỉ 5 chiếc bánh bột sắn, một bát cơm hẩm mốc làm nhiều người nghĩ chắc chết nơi xứ người. Đói khát, anh em thuyền viên bàn nhau làm bẫy chuột và rắn ngay tại nơi mình nằm để cải thiện bữa ăn.

“Mọi người lấy thép hàng rào, dây chun của quần áo làm bẫy chuột. Nhưng khi phát hiện ra mọi người làm thịt chuột ăn bọn cướp biển ngăn cấm và đánh đập. Hình như bên họ rất kiêng cự ăn các con vật này”, anh Xuân kể.

Tranh thủ những lúc bọn cướp biển không để ý, các thuyền viên làm chuột bỏ vào túi quần giấu bên bếp. Sau khi nấu ăn xong, mọi người cho chuột vào bếp để nướng hoặc luộc chín. “Giữa sa mạc bắt được con chuột và rắn là may mắn lắm rồi. Ở nhà thấy con rết to bằng ngón tay là sợ vãi linh hồn nhưng bên đó mọi người gần như sống chung với nó. Việc nằm giữa cát nên bị rết cắn là chuyện thường”.

Ba ngày tuyệt thực

1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc: Phải sống - 2

1.600 ngày sinh tử trong vòng vây hải tặc: Phải sống - 3

 Trong vòng tay người thân.

Cũng vì đói, khát, ăn thực phẩm ướp cùng xác chết, hơn bốn năm ở xứ người con tin bị bọn cướp biển Somalia bắt giữ không nghĩ mình có ngày trở về bên vợ con, gia đình. Trong 29 người trên tàu, ngoài thuyền trưởng bị bắn chết, một thuyền viên người Indonesia không vượt qua được bệnh tật phải bỏ mạng; một người khác cũng ra đi vì suy nhược cơ thể. Riêng thuyền viên Nguyễn Văn Xuân hai lần thập tử nhất sinh, chân, tay và ngực sưng phù, toàn thân co quắp.

“Thấy bọn cướp biển đối xử tệ, trong người lại bệnh tật ốm đau triền miên, các con tin nghĩ không thể sống sót. Nhiều lần anh em nổi nóng với bọn cướp biển để đòi thêm nước uống, thực phẩm. Những lần như thế chúng lại nhân nhượng một chút. Mục đích của bọn đó là lấy mình làm con tin để ép chủ tàu đưa tiền chuộc chứ không có mục đích giết hại. Nhưng hải tặc tính khí thất thường, biết mô mà lần!”, anh Xuân nói.

Cuộc sống khổ cực, lại bị đối xử thậm tệ, các thuyền viên bàn với nhau tuyệt thực nằm một chỗ. “Thấy mọi người nằm lì chẳng ăn uống gì, bọn cướp biển ban đầu dọa nạt, lấy báng súng dọa đánh từng người. Không lay động được tinh thần các thuyền viên, bọn nó bèn đổi giọng nhẹ nhàng cho biết vài ngày nữa sẽ có nhà báo đến và mọi người sẽ được thả”, anh Xuân kể. Chi tiết bất ngờ này làm các thuyền viên vừa mừng vừa lo.

Thế nhưng nỗi lo lớn hơn vì mọi người nghĩ đến cảnh không lấy được tiền chuộc thì chúng sẽ giết bỏ cho xong vì đã bỏ công giam giữ trong bốn năm qua. Điều lo sợ này càng tăng khi bọn cướp biển bất ngờ đưa lạc đà, dê về lán trại bắt các thuyền viên làm thịt để ăn. Nhiều người nghĩ chúng bố thí cho miếng thịt cuối đời, trước khi “sang thế giới bên kia”. Nghĩ thế nhiều anh em không dám ăn, ai nấy đều thấp thỏm lo lắng.   

          ___________

  (còn tiếp)   

Một hôm, chúng đưa tất cả mọi người ra ngoài phát cho mỗi người một con số rồi loay hoay chụp hình. Một người Philippines biết tiếng Anh nên giao tiếp được, cho biết là họ chụp đưa lên internet. Khoảng 3 tháng là chúng bắt di chuyển, đổi chỗ ở một lần”, thuyền viên Phương nhớ lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Thùy- Quang Long- Cảnh Huệ (Tiền Phong)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN