11/7, tổ chức tang lễ cho cán bộ chiến sỹ vụ máy bay rơi

Nhiều cán bộ chiến sỹ tử nạn trong vụ máy bay rơi đã để lại vợ hiền và con nhỏ bơ vơ.

Chiều qua (8/7), Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân đã có buổi làm việc với thân nhân của cán bộ, chiến sỹ tử nạn trong vụ rơi máy bay Mi-171 sáng 7/7.  Theo kế hoạch, lễ tang sẽ được tổ chức vào ngày 11/7.

Trung tướng Võ Văn Tuấn (Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, cơ quan giám định vẫn đang giải mã dữ liệu trong chiếc hộp đen được tìm thấy của chiếc máy bay gặp nạn.

Tuy nhiên, theo vị tướng, bản thân chiếc hộp đen cũng cho thấy có trục trặc về kỹ thuật. Hiện việc tìm ra nguyên nhân cụ thể vụ tai nạn vẫn đang rất khó khăn. Mặt khác, cơ quan chuyên môn y tế vẫn đang đang xét nghiệm để xác định nhân thân của những cán bộ, chiến sỹ trong vụ máy bay rơi.

vu may bay roi o hoa lac

 Di ảnh của các chiến sỹ thuộc Tiểu đoàn 18 đặc công (Bộ Tư lệnh Thủ đô) 

Trả lời báo chí, Đại tá Trần Quang Hòa (Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện cứu hộ đường không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) cho biết, bước đầu xác định máy bay gặp nạn khi đang trên đà lấy độ cao. Vì chưa lên đến độ cao cho phép, các chiến sỹ đã không thể nhảy ra ngoài mặc dù đã mang dù trên người.

Căn cứ vào quỹ đạo cất cánh, máy bay sẽ bay phía trên khu chợ Hòa Lạc đang tập trung rất đông người. Nhưng khi gặp sự cố, tổ lái đã cố gắng điều khiển máy bay đi vào khu vực có bãi đất trống để không gây thương vong cho người dân.

Căn nhà trọ 10m2 nay vắng anh

Chiều qua, chúng tôi cũng tìm đến gia đình Đại uý Nguyễn Đào Hồng Tâm (Trưởng bộ môn Dù hàng không); Trung uý Đỗ Văn Năm (đặc công thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô) và Thượng tá Hoàng Lại Long (phi công điều khiển chiếc máy bay bị tai nạn).

Trong căn phòng trọ khoảng 10m2 chật hẹp của Đại uý Nguyễn Đào Hồng Tâm, vợ con anh không thể gượng dậy nổi. Đại uý Nguyễn Đào Hồng Tâm ra đi để lại người vợ đang là giáo viên cùng 2 con nhỏ. Đứa con thứ 2 của anh chưa đầy 15 tháng tuổi. Gia đình vẫn chưa dám cho cháu lớn biết tin bố hy sinh.

nguyen nhan vu may bay roi o hoa lac

Bức ảnh cưới của Đại uý Tâm

Chị Vũ Thị Phượng (vợ Đại úy Tâm) cho biết, vợ chồng họ đều ở quê xa, lên Hà Nội thuê nhà ở khu Phúc Đồng (Long Biên). Căn phòng vợ chồng chị Phượng ở trọ chỉ khoảng 10m2 với giá hơn 2 triệu/tháng. Đó cũng là cả một nỗ lực bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình anh Tâm quá khó khăn. 2 năm trước, họ chỉ dám ở căn phòng trọ chật hẹp hơn với giá có 900.000 đồng/tháng.

Trong mái ấm của anh Tâm, tài sản giá trị nhất có lẽ là chiếc tivi đời cũ. Còn lại họ chẳng có gì ngoài những vật dụng đơn sơ dành cho sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

"Hai vợ chồng đang cố vượt qua khó khăn vất vả hy vọng có ngày tốt đẹp hơn, ai ngờ anh ấy lại ra đi thế này.” - Chị Phượng không cầm được nước mắt.

11/7, tổ chức tang lễ cho cán bộ chiến sỹ vụ máy bay rơi - 3

Vợ và con của Đại uý Tâm

Bà Đào Thị Hạnh (mẹ Đại uý Tâm) hay tin con trai hy sinh đã không thể đứng vững. Bà Hạnh góa chồng từ năm chưa đến 40 tuổi. Anh Tâm là con trai duy nhất trong 3 người con.

Bà Hạnh ở một mình nuôi con cho đến khi tất cả trưởng thành. Nợ nần bà chưa trả hết. Tốt nghiệp lớp 12, anh Tâm thi đỗ vào phi công và công tác từ đó đến nay. Anh Tâm là niềm hy vọng lớn lao của đời bà. Nhưng nay anh đã ra đi.

Đang phải nằm truyền nước trên giường, người mẹ già chỉ còn biết khóc than cho số phận cay đắng của mình.

Một người thân của gia đình cũng cho hay, Đại úy Tâm là trụ cột, chỗ dựa cho cả vợ con lẫn cả gia đình lớn. "Nay Tâm mất, không biết gia đình và vợ con anh sẽ xoay xở thế nào đây?” .

Em ra đi sau anh 1 tháng

Cũng chung hoàn cảnh khốn khó, trung úy Đỗ Văn Năm (đặc công của Bộ tư lệnh Thủ đô) ra đi khi chính gia đình anh đang trải qua nhiều nỗi đau.

Anh Năm quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá, là con út trong gia đình. Vợ anh Năm đang là giáo viên mầm non tư thục. Anh chị đã có một cháu năm nay 3 tuổi rưỡi. 

Anh trai của trung úy Năm mới chết cách đây hơn 1 tháng. Bố anh đau yếu, mẹ nằm liệt giường gần 10 năm nay. Anh Năm còn một anh trai nhưng hoàn cảnh không khá khẩm gì.

Hằng tháng, anh Năm ngoài việc lo cho cuộc sống vợ con, còn cố gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ già. Nay anh Năm ra đi, nỗi đau gia đình càng chồng chất.

11/7, tổ chức tang lễ cho cán bộ chiến sỹ vụ máy bay rơi - 4

Trung uý Đỗ Văn Năm (cầm đao) luyện tập võ thuật tại đơn vị

Đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm và Trung úy Đỗ Văn Năm vẫn được đồng đội đánh giá là những người hiền lành, luôn hòa đồng cởi mở. Họ luôn nhiệt tình giúp đỡ đồng đội, giúp đỡ người xung quanh. Các anh luôn vui vẻ, hoà đồng.

Anh Tâm còn ở cương vị trưởng bộ môn nhảy dù nên thường xuyên phải quan tâm, chăm lo cho cấp dưới. Đại úy Tâm vẫn luôn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình.

Thượng tá Hoàng Lại Long là phi công trực tiếp điều khiển chiếc máy bay bị nạn. Thượng tá Long quê ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định công tác trong quân ngũ đã 38 năm. Phi công này đã 53 tuổi, lấy vợ muộn và đã có 2 con nhỏ. Mẹ Thượng tá Long kể rằng, trước khi gặp nạn, anh Long gọi điện về nhà nói tạm ứng lương để gửi cho vợ chữa bệnh.

Vợ anh Long cũng nhớ, tuần trước anh mới đưa con lên đơn vị xem máy bay xong. Khi quay về nhà anh còn nói với vợ: "Anh ít khi được về với con. Hôm nay đưa con đi chơi, thấy yêu quá." Rồi hôm nay anh ra đi không về nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Máy bay trực thăng rơi ở Hòa Lạc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN