Phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành giúp nâng cao hiệu quả điều trị ung thư

Với chủ đề “Nâng cao chất lượng điều trị ung thư thông qua phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành”, vừa qua hội thảo V-TOP (Vietnam Team Oncology Program) 2024 đã diễn ra thành công. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại Nhật Bản, Hoa Kỳ và trực tiếp tại Việt Nam qua 3 điểm cầu Hà Nội: Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Huế: Bệnh viện Trung Ương Huế, TP. Hồ Chí Minh: Hệ thống Y khoa chuyên sâu Quốc tế Bernard (Bernard Healthcare).

Phát triển từ J-TOP– Mô hình làm việc nhóm trong ung thư đến từ Nhật Bản, V-TOP 2024 có sự góp mặt của các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia ung thư hàng đầu thế giới nhằm lan toả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về khoa học nhóm và làm việc nhóm từ các quốc gia phát triển trên thế giới như Nhật Bản và Hoa Kỳ,

Vai trò của phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành trong điều trị ung thư

Ung thư là tập hợp của nhiều bệnh lý phức tạp, cần điều trị và chăm sóc theo nhóm đa mô thức và đa ngành. Hiện nay, các nhóm y tế đã hình thành tại hầu hết các bệnh viện để phục vụ người bệnh, tuy nhiên chất lượng điều trị và mức độ hài lòng của bệnh nhân vẫn còn phụ thuộc vào năng lực của nhân viên y tế (NVYT), loại hình tổ chức và hệ thống thông tin liên lạc tại cơ sở y tế đó.

Sự phối hợp nhóm trong điều trị ung thư đa ngành có thể gồm hai hoặc nhiều nhóm, gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và các nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Tất cả cùng phối hợp với nhau vì mục tiêu chung là cải thiện sức khỏe của bệnh nhân ung thư. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư phải là một thành viên của nhóm, được trao quyền và tham gia thảo luận trong suốt quá trình điều trị bệnh của mình.

Điều trị ung thư theo mô hình đa mô thức là kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch… giúp kiểm soát và tiêu diệt tế bào ung thư một cách triệt để.

Việc ứng dụng mô hình phối hợp nhóm đa mô thức và đa ngành sẽ phát huy được sức mạnh tập thể, giảm sai sót cá nhân, đồng thời giúp bệnh nhân ung thư được chăm sóc toàn diện, giảm áp lực trong công việc cho các NVYT.

Các thành viên V-TOP 2024 điểm cầu TP.HCM tại Bernard Healthcare.

Các thành viên V-TOP 2024 điểm cầu TP.HCM tại Bernard Healthcare.

Tại hội thảo, GS. Naoto T. Ueno - Giám đốc Trung tâm Ung thư Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) đã chia sẻ về về “Nhóm đa ngành trong quản lý ung thư vú di căn”, ông nhấn mạnh người bệnh sẽ được chăm sóc dựa trên sự phối hợp bởi bác sĩ nội ung thư, ngoại ung thư, xạ ung thư, giải phẫu bệnh, chẩn đoán hình ảnh và các bác sĩ chuyên khoa khác như truyền nhiễm, tim mạch, tiêu hóa… GS. cũng đưa ra khái niệm về mô hình ABC trong chăm sóc đa ngành của ung thư.

Hội thảo còn giới thiệu những nội dung quan trọng như “Tự nhận thức và chỉ số phân loại tính cách MYERS-BRIGGS (MBTI)” hay phần trình bày “An toàn tâm lý – Thông điệp quan trọng để cải thiện giao tiếp nhóm” với 31 lời khuyên để cải thiện việc chăm sóc bệnh nhân thông qua cách tiếp cận nhóm, góp phần cải thiện những khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả khi làm việc nhóm.

GS. Naoto T. Ueno và TS. BS. Phạm Nguyên Quý - Giám đốc y tế, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) đang lắng nghe thành viên V-TOP đầu cầu Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đặt câu hỏi qua hình thức trực tuyến.

GS. Naoto T. Ueno và TS. BS. Phạm Nguyên Quý - Giám đốc y tế, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản) đang lắng nghe thành viên V-TOP đầu cầu Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đặt câu hỏi qua hình thức trực tuyến.

Giáo sư ung thư Đại học Datmouth (Hoa Kỳ) trực tiếp hướng dẫn thành viên V-TOP Việt Nam

V-TOP 2024 đã đưa ra những tình huống “sát sườn” trong thực tế để các thành viên cùng thảo luận.

Đặc biệt ở điểm cầu TP.HCM tại Bernard Healthcare có sự tham gia trực tiếp của GS. TS. BS. Keisuke Shirai – Chuyên gia Ung bướu và Liệu pháp miễn dịch - Giáo sư thuộc Bộ môn Huyết học/Ung thư, Khoa Y, Trường Y khoa Geisel thuộc Đại học Dartmouth kiêm Giám đốc Chương trình Ung thư da tại Trung tâm Ung thư Dartmouth (Hoa Kỳ) với vai trò “mentor” chính xuyên suốt hội thảo.

Các thành viên V-TOP tại điểm cầu Bernard Healthcare, TP.HCM cùng thảo luận dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Keisuke Shirai. (Ảnh: Bernard Healthcare)

Các thành viên V-TOP tại điểm cầu Bernard Healthcare, TP.HCM cùng thảo luận dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Keisuke Shirai. (Ảnh: Bernard Healthcare)

Tại đây, GS. đã đưa ra những lời khuyên để phối hợp nhóm hiệu quả hơn như điều chỉnh thái độ dựa trên cảm xúc của bệnh nhân, đảm bảo an toàn tâm lý. Hay các nhóm lãnh đạo cần tận dụng những nguồn lực sẵn có tại cơ sở y tế để gắn kết với nhau, mang đến lợi ích cho các thành viên nhóm.

GS. nhấn mạnh khi phối hợp nhóm, cần điều chỉnh trên thực tế để bệnh nhân luôn cảm thấy thoải mái và hài lòng, hãy giúp bệnh nhân hiểu luôn có kế hoạch B và C, cùng bệnh nhân vượt qua nỗi sợ.

Chia sẻ thêm về cảm xúc của mình sau hội thảo, GS. Shirai cho biết: “Mỗi quốc gia đều có những vấn đề riêng của mình, tuy nhiên chúng ta có thể tận dụng những nguồn lực sẵn có để tạo nên những điều tích cực, ý nghĩa cho bệnh nhân.”

Nhân dịp này, GS. Shirai cũng đã có buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các bác sĩ đa chuyên khoa của hệ thống Bernard Healthcare. GS. đánh giá cao vai trò của y học dự phòng, tầm soát chuyên sâu trước khi xuất hiện triệu chứng để giảm gánh nặng y tế và chi phí điều trị ung thư.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN