Lơ là chủ quan có thể khiến bạn “mất mạng như chơi” vì căn bệnh quen thuộc trong mùa mưa này

Mùa mưa đến cũng là mùa mà căn bệnh sốt xuất huyết lại bắt đầu xuất hiện và gây thành dịch. Căn bệnh này tuy không mới nhưng có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng nếu bạn chủ quan và không phòng ngừa. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm sốt xuất huyết cao nhất thế giới. Vậy căn bệnh này là gì, nó nguy hiểm như thế nào? Bạn hãy tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết hay còn gọi là sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người nhưng được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi vằn Aedes là tác nhân truyền bệnh. Muỗi sẽ hút máu người mắc bệnh hoặc người đã nhiễm phải virus nhưng không có triệu chứng rồi truyền nó cho người khỏe mạnh. Ăn uống, dùng chung đồ với người bệnh không làm lây nhiễm sốt xuất huyết.

Lơ là chủ quan có thể khiến bạn “mất mạng như chơi” vì căn bệnh quen thuộc trong mùa mưa này - 1

Virus Dengue có 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp này đều gặp ở Việt Nam và có thể luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu với từng tuýp virus nên người ta có thể mắc sốt xuất huyết đến 4 lần trong đời, tuy nhiên rất hiếm khi mắc phải bệnh đến lần thứ 4.

Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường có thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày và sau đó xuất hiện các biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột (khoảng 39-40 độ C), đau đầu, đau nhức cơ khớp, buồn nôn, nôn, nổi hạch và phát ban trong vòng 2 tuần. Các biểu hiện xuất huyết cũng sẽ xuất hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nặng như: da đỏ xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi đến xuất huyết tiêu hóa hoặc nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen.

Lơ là chủ quan có thể khiến bạn “mất mạng như chơi” vì căn bệnh quen thuộc trong mùa mưa này - 2

Nếu không điều trị kịp thời, sốt xuất huyết có thể diễn tiến đến tình trạng sốc như: đau bụng, nôn, cảm giác bồn chồn không yên, ngoài ra còn có các triệu chứng suy tuần hoàn như tím tái, mạch nhanh, chóng mặt, cảm giác đầu lâng lâng, suy giảm ý thức.

Điều trị sốt xuất huyết

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị sốt xuất huyết. Khi mắc sốt xuất huyết nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt như paracetamol nhưng cần tránh các thuốc giảm đau có thể làm tăng nguy cơ chảy máu như aspirin, ibuprofen và naproxen natri. Ngoài ra, bạn cần tăng cường nghỉ ngơi và bù dịch đầy đủ bằng cách uống nhiều nước.

Tuy nhiên, bệnh có thể tiến triển thành thể “sốt xuất huyết nặng” và dẫn đến nguy cơ tử vong. Do đó, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu bỗng nhiên sốt cao trên 39 độ C trong vòng vài ngày, hoặc hạ thân nhiệt dưới 38 độ C và đi kèm với bất kỳ triệu chứng như: đau bụng quằn quại, nôn liên tục, thở nhanh, chảy máu lợi, mệt mỏi, nôn ra máu, hoa mắt, chóng mặt… Khi đó, bạn phải nhập viện để điều trị, để các bác sĩ có thể truyền dịch và các chất cần thiết, theo dõi mạch, huyết áp và đôi khi cần phải truyền cả máu.

Phòng bệnh sốt xuất huyết

Vì chưa có vắc xin phòng sốt xuất huyết nên cách tốt nhất để phòng bệnh là diệt lăng quăng, muỗi và không để muỗi chích. Cụ thể, bạn có thể phòng chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình thông qua các việc sau:

Lơ là chủ quan có thể khiến bạn “mất mạng như chơi” vì căn bệnh quen thuộc trong mùa mưa này - 3

- Diệt lăng quăng và không để muỗi sinh sản: súc rửa hồ, thùng phuy, lu, xô chứa nước trước khi thay nước mới; đậy kín nắp lu, hồ, thùng phuy khi không sử dụng, thay nước bình bông thường xuyên, thu gom và xử lý các đồ phế thải để không tồn đọng nước.

- Diệt muỗi và không để muỗi chích: mặc áo quần dài che kín tay chân, sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, bôi kem chống muỗi và ngủ mùng kể cả ban ngày. Người bị sốt xuất huyết hoặc nghi mắc bệnh phải nằm trong mùng để tránh muỗi đốt và lây bệnh cho người khác.

Sốt xuất huyết là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam ta. Bệnh xuất hiện ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, kể cả thành thị hay vùng nông thôn. Đặc biệt, vào mùa mưa như hiện nay đi kèm với nhiệt độ trong tháng cao, sốt xuất huyết thường xuất hiện và tạo thành ổ dịch. Do đó, mỗi cá nhân/gia đình cần tự ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng bằng cách tích cực áp dụng các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết và nâng cao kiến thức về bệnh. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe!

>> Chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng cách tham khảo bài viết của Bác sĩ về các bệnh thường gặp từ trang Tin y tế YouMed nhé!

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN