Vua Anh tàn bạo bậc nhất lịch sử và sự cố "rợn người" sau khi qua đời

Tang lễ của một vị hoàng đế luôn được coi là sự kiện trọng đại của đất nước và phải được chuẩn bị vô vùng cẩn thận. Tuy nhiên, cái chết của William I – công tước xứ Normandy thuộc Pháp, vị vua chinh phạt của Anh – lại là mớ hỗn độn khiến người đời sau không muốn nhắc lại.

Bức tranh miêu tả William I như người khổng lồ vì thân hình to béo (tranh: Howstuffworks)

Bức tranh miêu tả William I như người khổng lồ vì thân hình to béo (tranh: Howstuffworks)

William I sinh năm 1027 tại thị trấn Falaise, vùng Normandy (Pháp). Cha ông là công tước Robert trị vì xứ Normandy và mẹ ông (vợ lẽ của Robert) chỉ là con gái của một gia đình làm nghề thuộc da. William là con trai duy nhất của Robert và ông nghiễm nhiên trở thành người cai quản xứ Normandy sau khi cha qua đời. Tuy nhiên, từ khi còn nhỏ đến khi trở thành công tước, William luôn phải chịu những lời đàm tiếu do có người mẹ là dân thường, làm nghề thuộc da, theo Royal UK.

Công tước William sớm thể hiện tài năng quân sự của mình khi nhanh chóng dập tắt những thế lực chống đối ở Normandy. Ông thậm chí còn đem quân đánh chiếm lãnh thổ lân cận. Đầu những năm 1050, khi William tấn công thành phố Alencon, dân ở đây đã treo những bộ da thú lên tường nhà nhằm chế giễu ông. Sau khi chiếm được Alencon, William ra lệnh chặt tay và chân những kẻ treo da thú.

Đến năm 1064, William đã trở thành một trong những lãnh chúa hùng mạnh nhất nước Pháp. Kiêng dè William, vua Pháp Henry I đã phong tước hiệp sĩ cho ông. Trong khi đó, vua Anh Edward (1003 – 1066), người không có con nối dõi, được cho là hứa sẽ để William thừa kế ngai vàng nước Anh (mẹ của vua Edward là em gái ông nội của William), theo History.

William I dẫn quân xâm chiếm nước Anh (tranh: History)

William I dẫn quân xâm chiếm nước Anh (tranh: History)

Tuy nhiên, sau khi Edward qua đời, anh rể của ông và cũng là người quyền lực nhất trong số các lãnh chúa Anh – Harold Godwin – không chấp nhận để một người Pháp như William nắm quyền nước Anh. Harold Godwin tuyên bố ông là vua nước Anh và sẽ trừng trị bất kỳ kẻ nào chống đối. Người dân và hội đồng lãnh chúa nước Anh ủng hộ Harold Godwin.

Tức giận vì mất “khoản thừa kế” kếch xù, công tước William quyết cất quân từ Pháp tấn công Anh. Thời bấy giờ, Pháp là quốc gia rộng lớn, có quân đội mạnh hơn Anh. Với danh tiếng “kẻ chinh phạt”, William không khó để kêu gọi nhiều binh sĩ Pháp gia nhập đội quân Normandy của mình.

Tháng 10/1066, William dẫn khoảng 7.000 người, 3.000 ngựa cùng 600 chiến thuyền đổ bộ vào bờ biển gần thị trấn Hastings (đông nam nước Anh). William đã tính toán kỹ lưỡng thời điểm bắt đầu cuộc chiến của mình. Khi đó, quân của vua Harold Godwin đang phải căng mình chống đỡ sự xâm lược của Na Uy ở miền bắc Anh, theo Howstuffworks.

Ngay sau khi đánh bại quân Na Uy, Harold Godwin không cho quân lính của mình nghỉ ngơi mà hành quân thẳng đến miền nam, nơi kỵ binh và cung thủ của William chờ sẵn. Quân Normandy thiện chiến nhanh chóng phá vỡ đội hình của những người lính Anh đang mỏi mệt. Harold Godwin cùng 2 em trai tử trận trên chiến trường.

Ngày 25/12/1066 (trùng lễ Giáng sinh), William tuyên bố trở thành vua nước Anh và thẳng tay trừng trị những thế lực phản kháng.

Trận Hastings, William I đại thắng (tranh: Royal UK)

Trận Hastings, William I đại thắng (tranh: Royal UK)

Trong khoảng 2 năm đầu trị vì, William I phải vất vả đánh dẹp những cuộc nổi dậy ở miền bắc nước Anh, đặc biệt là ở xứ York. Để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh, William I cho thực hiện triệt để chiến thuật “thiêu rụi”.  Ông ra lệnh cho quân lính (chủ yếu là người Pháp) đốt sạch tài sản và những cánh đồng ở khu vực xảy ra nổi loạn. Kết quả là khoảng 100.000 dân Anh đã chết đói khi William tàn phá miền bắc, theo Ancient Origins.

“Sự tàn nhẫn của William I lúc này đã đạt tới cực điểm”, David Bates – tác giả cuốn tiểu sử vua William của nhà xuất bản Đại học Yale (Mỹ) – nhận xét.

Triều đại của William I nổi tiếng với bạo lực, áp bức, tàn sát và đàn áp văn hóa người Anh bản địa, theo History.

William I cũng là người chủ trương phổ biến tiếng Pháp ở Anh, nhằm thay thế tiếng Anh cổ. Kết quả là tiếng Anh ngày nay chứa khoảng 10.000 từ có nguồn gốc từ Pháp. Trên thực tế, William I không biết tiếng Anh dù đã cố học.

Sau khi tạm thời dẹp yên các cuộc nổi dậy của dân Anh, tháng 2/1067, William I trở về xứ Normandy và cai trị nước Anh từ xa. Tuy nhiên, rõ ràng là người Anh không dễ dàng chấp nhận một vị vua xuất thân từ nước Pháp. Năm 1069, William I một lần nữa cất quân từ Normandy đánh dẹp các thế lực chống đối ở Anh.

Quân đội của William I tàn phá những khu vực chống đối ở Anh (tranh: History)

Quân đội của William I tàn phá những khu vực chống đối ở Anh (tranh: History)

Từ năm 1069 – 1071, William I liên tiếp mở các chiến dịch lớn đánh từ miền nam đến miền bắc nước Anh. Giới quý tộc cũ của Anh từ thời vua Harold Godwin gần như bị quét sạch. Để thay thế, William I phong tước và phân chia đất đai nước Anh cho những tướng lĩnh, quan chức xứ Normandy trung thành với ông.

Những năm tiếp theo, William I quay về Pháp và tiếp tục đánh chiếm các vùng đất xung quanh Normandy. Ông cũng khiến âm mưu thôn tính Normandy của vua Pháp Philip I thất bại. Năm 1087, William I bị ngã ngựa và bị thủng ruột sau trận chiến ở thành phố Mantes (Pháp). Ông được đưa về Rouen (thủ phủ xứ Normandy) để nghỉ ngơi, theo Howstuffworks.

Sau 6 tuần bị hành hạ vì những cơn đau, William I qua đời. Các thầy thuốc thời bấy giờ không thể làm gì để cứu chữa cho William I, nguyên nhân cũng là bởi thân hình quá to béo của ông.

William I là nhà vua háu ăn đến mức đáng kinh ngạc, theo Howstuffworks. Ông luôn muốn thưởng thức những món ăn ngon nhất và uống các loại bia hảo hạng nhất. Sự thèm ăn mất kiểm soát khiến thân hình của William I trở nên quá khổ. Vua Pháp Philip I từng gọi William I là “mụ đàn bà chửa”, theo Britannica.

William I có tính cách rất tàn bạo và nóng nảy. Những người bàn tán về thói quen ăn uống, cân nặng hay làm trái ý nhà vua đều bị đánh thừa sống thiếu chết. William I không có bạn bè, 3 người con trai cũng xa lánh ông.

Sau khi William I chết, đám hầu cận thường ngày tỏ ra cung kính đã lột sạch quần áo, trang sức quý giá trên người ông và bỏ trốn. Không ai trong số 3 người con trai của William I muốn đứng ra tổ chức tang lễ cho cha.

Một số người lính trung thành với William I quyết định đưa thi thể ông về chôn cất ở Tu viện St.Stephen tại thành phố Caen, cách Rouen hơn 100 km. Đây cũng là tu viện William I bỏ tiền xây dựng, theo Allthatsinteresting.

Trên đường đi, phần ruột nhiễm trùng trên thi thể nhà vua Anh phân hủy nghiêm trọng và bụng ông trương lên vì vi khuẩn gây thối.

Một vụ cháy xảy ra ở Rouen khiến thi thể William I mất nhiều ngày mới được đưa vào làm lễ ở Tu viện St.Stephen. Lúc này, thi thể to béo của ông đã trương lên hết cỡ. Khi những người thợ đào huyệt cố nhét thi thể William I vào một chiếc quan tài đá, họ đè phần bụng quá chặt khiến cái xác… nổ tung. Nhiều người có mặt trong đám tang ngất xỉu hoặc bỏ chạy khỏi tu viện vì mùi hôi thối, theo Ancient Origins.

Tranh vẽ cảnh người nông dân xông vào đám tang vua William I (tranh: Howstuffworks)

Tranh vẽ cảnh người nông dân xông vào đám tang vua William I (tranh: Howstuffworks)

Số phận vẫn chưa buông tha cho William I, khi quan tài chuẩn bị hạ huyệt, một người nông dân bỗng xông vào tu viện Tu viện St.Stephen kêu la đòi đất. Người này tố cáo William I đã cướp trắng trợn đất đai của mình để xây tu viện mà không trả tiền.

Không muốn tang lễ kinh hoàng của nhà vua bị kéo dài thêm bất kỳ giây phút nào nữa, giới chức Caen bèn “xì tiền” cho yên chuyện. William I cuối cùng cũng được chôn cất.

Trước khi qua đời vào ngày 9/9/1087, William I lập di chúc để lại xứ Normandy cho Robert – người con trai cả luôn thích đối đầu với ông. William Rufus – con trai thứ của William I – có quyền làm vua nước Anh và người con trai út Henry được thừa kế khoản tiền khổng lồ.

Theo History, mọi quốc vương Anh kể từ thời William I đều được coi là hậu duệ của ông.

Nguồn: [Link nguồn]

Vua Anh thời trẻ trốn chạy khắp nơi, triều đại liên tiếp gặp 2 đại họa

Sau cuộc nội chiến Anh đầu tiên, vua Charles I bị chặt đầu. Những người trung thành với Charles I đã thề sẽ báo thù và đưa con trai ông – Charles II – lên ngôi hoàng đế nước...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN