Vũ khí hiện đại của phương Tây giúp quân đội Ukraine tăng sức mạnh ra sao?

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Hơn một năm qua, quân đội Ukraine đã nổi lên như một lực lượng chiến đấu hiện đại. Điều này phần lớn nhờ vào lượng vũ khí, công nghệ tiên tiến mà Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp.

Ukraine nhận được nhiều vũ khí hiện đại từ phương Tây. Ảnh minh họa: Getty

Ukraine nhận được nhiều vũ khí hiện đại từ phương Tây. Ảnh minh họa: Getty

Cuộc xung đột ở Ukraine có sự kết hợp đáng kinh ngạc giữa các công nghệ, chiến thuật cũ và mới. Các cuộc đấu pháo, bãi mìn và chiến tranh chiến hào - có từ Thế chiến I - xuất hiện cùng lúc với UAV, bom thông minh và nhiều vũ khí hiện đại khác có thể điều khiển bằng vệ tinh hay mạng Internet. Trong sự kết hợp đó, công nghệ và vũ khí mới được chú ý hơn cả. Chúng dẫn đến thay đổi trong cách tác chiến của cả Nga và Ukraine. Mời độc giả đón đọc loạt bài này để cùng tìm hiểu về khía cạnh vũ khí và tác chiến trong một cuộc chiến hiện đại.

Khi xung đột ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, quân đội Ukraine đối đầu với các lực lượng Nga bằng các vũ khí từ thời Liên Xô, phần lớn đã lỗi thời. 

Vài tuần sau đó cho tới tận bây giờ, các chuyến hàng hỗ trợ quân sự từ các đồng minh phương Tây đã được chuyển tới Ukraine, giúp Kiev tăng cường sức mạnh quân đội. 

"Có thể nói rằng gói hỗ trợ an ninh vào tháng 3/2022 dành cho Ukraine với tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin và các tên lửa chống tăng khác là một trong những lô vũ khí có tác động lớn tới xung đột thời điểm đó", Ankit Panda, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở tại Mỹ), nhận định.

Những tháng sau đó, pháo, đạn pháo và các trang thiết bị quân sự của phương Tây tiếp tục đổ về Ukraine. Tháng 6/2022, Mỹ cung cấp "hỏa thần" HIMARS cho Ukraine. Các hệ thống pháo phản lực, trong đó có HIMARS, có thể mang theo đầu đạn bắn trúng mục tiêu có đường kính vài mét từ khoảng cách gần 80km. Gần như ngay sau khi Kiev có các hệ thống này, các trung tâm chỉ huy và kho tiếp tế của Nga ở xa chiến tuyến đã bị tấn công.

"Trước khi nhận HIMARS, Ukraine chưa có loại vũ khí nào đạt đến uy lực tương tự", Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (có trụ sở tại Mỹ), nói. "Nga đã không kịp thích ứng ở thời điểm đó. HIMARS rõ ràng có tác động lớn khi xuất hiện lần đầu".

Các quốc gia phương Tây trong những tuần đầu tiên của năm 2023 đã cam kết cung cấp các vũ khí tiên tiến như xe tăng hiện đại hay bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) có thể bắn trúng các mục tiêu nhỏ ở khoảng cách 150km. 

"Mọi hệ thống vũ khí mà chúng tôi cung cấp cho Ukraine đều quan trọng, không chỉ các loại có giá trị lớn", George Barros, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở ở Mỹ, nói. 

"Các vũ khí nhỏ mà Mỹ và đồng minh phương Tây gửi cho Ukraine vào đầu năm 2022 đã giúp trang bị cho lực lượng phòng thủ lãnh thổ Ukraine, đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho các lực lượng dân quân bảo vệ các thành phố lớn của Ukraine. Mọi vũ khí gửi cho Kiev đều có giá trị", ông Barros nói thêm.

Tên lửa chống tăng

Theo The Week, Ukraine có thể ngăn chặn thảm họa trong giai đoạn đầu xung đột - khi các lực lượng Nga bất ngờ tấn công thủ đô Kiev - một phần là nhờ các hệ thống phòng không và tên lửa chống tăng, đặc biệt là các loại như Javelin, NLAW hay các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) như Stinger của Mỹ. 

Tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin

Tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Getty

Tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: Getty

Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin, do 2 tập đoàn vũ khí Raytheon và Lockheed Martin phối hợp sản xuất, được đưa vào sử dụng từ năm 1996, là một hệ thống phóng "bắn và quên". Theo đó, xạ thủ chỉ cần phát hiện và khóa mục tiêu. Sau khi tên lửa rời bệ, toàn bộ quy trình tìm kiếm và tấn công mục tiêu đều do hệ thống tích hợp trên tên lửa thực hiện.

Javelin có thể nhắm bắn mục tiêu từ khoảng cách 2,5km và đầu đạn xuyên giáp của nó có thể tiêu diệt xe tăng hoặc xe bọc thép từ trên nóc, nơi lớp giáp mỏng hơn. Ngoài ra, Javelin còn có chế độ bắn trực tiếp với các mục tiêu không phải xe tăng và xe bọc thép. Chỉ cần 1-2 người để sử dụng Javelin. 

George Barros, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, nói với Insider rằng, NATO đã cung cấp hàng nghìn hệ thống Javelin cho Ukraine. Điều đó giúp Kiev "tấn công xe tăng Nga trong giai đoạn đầu cuộc xung đột". 

Khi một đội quân khổng lồ các lực lượng Nga tập trung ở con đường phía nam thủ đô Kiev, quân đội Ukraine có thể chặn đội quân này và tấn công các xe tăng, xe bọc thép bằng các hệ thống tên lửa chống tăng, ngăn các lực lượng Nga kiểm soát Kiev. 

Theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), Ukraine có nguồn cung cấp các hệ thống tên lửa vác vai được thiết kế trong nước hoặc có từ thời Liên Xô, nhưng họ cần ít nhất một tháng để học cách sử dụng chúng. "Javelin dễ sử dụng hơn rất nhiều, chỉ mất vài ngày để biết cách sử dụng", RUSI cho biết. 

Vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW)

NLAW, do Thụy Điển và Anh hợp tác phát triển, được đưa vào sử dụng từ năm 2009. Giống Javelin, tên lửa này là vũ khí "bắn và quên" nhưng nhẹ và có tầm bắn gần hơn. NLAW là vũ khí dùng một lần. 

Ông Lars-Örjan Hovbrandt, giám đốc quản lý sản phẩm của công ty sản xuất vũ khí Saab Bofors Dynamics (trụ sở tại Thụy Điển), cho biết: "Bạn có thể sử dụng NLAW ở bất kỳ đâu, bên trong tòa nhà, từ một tầng hầm hay từ tầng 2 tòa nhà mà tầm bắn của hầu hết các xe tăng không tới".

Ông Hovbrandt nói thêm rằng, một binh sĩ có thể sử dụng hệ thống NLAW chỉ sau một giờ được đào tạo. Nó nhẹ và dễ sử dụng với tất cả binh sĩ Ukraine. "NLAW là vũ khí quan trọng để giúp đối phó các lực lượng tấn công trên bộ của Nga trong giai đoạn đầu xung đột, đặc biệt là ở phía bắc hoặc thủ đô Kiev", BBC dẫn lời chuyên gia Justin Bronk (làm việc tại RUSI).

FIM-92 Stinger

Hệ thống phòng không vác vai Stinger. Ảnh: MDAA

Hệ thống phòng không vác vai Stinger. Ảnh: MDAA

Hệ thống phòng không vác vai Stinger, do công ty quốc phòng Raytheon Missiles & Defense sản xuất, được đưa vào sử dụng từ năm 1981. 

"Trong giai đoạn đầu xung đột, Ukraine sử dụng song song các tổ hợp tên lửa phòng không và các hệ thống phòng không vác vai (MANPADS). Các tổ hợp tên lửa phòng không buộc các chiến đấu cơ Nga phải bay ở tầm thấp và rơi vào tầm bắn của MANPADS", RUSI lý giải cách phối hợp giữa tổ hợp tên lửa phòng không và MANPADS của Ukraine. 

Khi Nga thay đổi chiến thuật, tấn công bằng pháo cùng tên lửa thì hệ thống phòng không của Ukraine bị quá tải và quá mỏng để bao phủ toàn bộ đất nước. Khi đó, Kiev bắt đầu sử dụng các hệ thống Stinger để bắn hạ tên lửa Nga. "Ngay lúc này, hệ thống phòng không của chúng tôi thực sự là những người mang Stinger", Daria Kaleniuk, làm việc tại Trung tâm Hành động chống Tham Nhũng ở Ukraine, nói trên Washington Post vào tháng 10/2022. Đó là thời điểm trước khi các hệ thống tinh vi hơn của phương Tây xuất hiện ở Ukraine.

Các hệ thống pháo phóng GMLRS

Theo Reuters, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Ukraine hơn 20 hệ thống pháo có thể phóng GMLRS - tổ hợp tên lửa phóng loạt tăng tầm, sử dụng hệ thống dẫn đường GPS kết hợp với dẫn đường quán tính.

Các hệ thống pháo này, được biết đến với tên gọi M142 và M270, là các phương tiện sử dụng bánh xe hoặc bánh xích, có thể di chuyển nhanh hơn nhiều so với các hệ thống pháo thông thường và phóng loạt tên lửa chỉ trong vài phút sau khi đến điểm bắn.

M142 hay còn gọi là "hỏa thần" HIMARS, thu hút nhiều sự chú ý nhất vì nó có thể di chuyển với tốc độ lên tới 85 km/h, cho phép hệ thống nhanh chóng rơi khỏi vị trí sau khi phóng tên lửa để tránh bất kỳ nỗ lực tấn công nào của đối phương.

"HIMARS có khả năng sống sót cao", Ankit Panda, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (trụ sở ở Mỹ), nói. "Các hệ thống HIMARS có thể di chuyển sau khi bắn nhanh. Nếu nhìn vào tổng công suất và số lượng được cung cấp cho quân đội Ukraine, HIMARS cho thấy tác động vượt trội".

Theo The Week, với quân đội Ukraine, HIMARS giúp tăng phạm vi tấn công lên gấp đôi so với pháo M777, xa hơn pháo phản lực BM-30 Smerch của Nga và có độ chính xác cao. 

"HIMARS và các loại vũ khí chính xác cao đang xoay chuyển cục diện xung đột theo hướng có lợi cho chúng ta", ông Zelensky viết trên Facebook vào cuối tháng 7/2022. Giữa tháng 1/2023, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 38 hệ thống HIMARS cùng đạn dược. 

Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) đánh giá, việc đưa HIMARS vào xung đột ở Ukraine "có thể coi là thời điểm xung đột bước sang giai đoạn mới".

Pháo tự hành

Quân đội Ukraine dùng pháo tự hành tấn công về phía vị trí của các lực lượng Nga ở vùng Donetsk vào tháng 8/2023. Ảnh: AP

Quân đội Ukraine dùng pháo tự hành tấn công về phía vị trí của các lực lượng Nga ở vùng Donetsk vào tháng 8/2023. Ảnh: AP

Theo Reuters, pháo tự hành phương Tây - pháo gắn trên bệ đỡ có bánh xích hoặc bánh xe, giúp tự di chuyển từ nơi này sang nơi khác - bắt đầu có mặt ở Ukraine vào mùa hè năm 2022. 

Toàn bộ số pháo tự hành này sử dụng đạn pháo 155mm, theo tiêu chuẩn NATO. Nổi bật nhất là các loại pháo tự hành như: M109, AS90, CAESAR, PzH2000, Krab, Zuzana 24 và Archer.

Có nhiều điểm khác biệt giữa các hệ thống pháo tự hành, nhưng đặc điểm chung của chúng là có tính cơ động, tự mang theo đạn và có khả năng ngắm bắn được thiết lập trên máy vi tính. 

Các pháo tự hành phương Tây kể trên đều có thể sử dụng đạn pháo thông minh Excalibur (bay tới mục tiêu theo định vị GPS), giúp mở rộng tầm bắn của pháo và sai số vòng tròn đồng tâm của đạn tới mục tiêu chỉ khoảng 3-4m. Reuter cho biết, Ukraine đã nhận tổng cộng hơn 150 pháo tự hành phương Tây.

"Trong chiến tranh, pháo là vũ khí gây thương vong lớn", Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (có trụ sở tại Mỹ), nói. "Chúng ta thường tập trung vào các vũ khí công nghệ cao hơn nhưng không tự nhiên người ta gọi pháo là vua chiến đấu. Nó đóng vai trò then chốt trong các cuộc chiến tranh, đặc biệt là các cuộc chiến trên bộ". 

Lựu pháo bánh lốp

Ngoài pháo tự hành, Ukraine còn nhận nhiều lựu pháo được kéo bằng xe tải hoặc các phương tiện di chuyển khác. 

Các lựu pháo bánh lốp mà phương Tây hỗ trợ nhiều nhất cho Ukraine là M777 và M119.

M777 là lựu pháo 155mm nhỏ và nhẹ hơn nhiều so với các loại pháo trước đây. Lựu pháo này có thể bắn đạn pháo thông minh và tầm bắn lên tới 40km, tùy thuộc vào loại đạn pháo được sử dụng.

Lựu pháo này dễ lắp đặt và di chuyển. Quân đội Ukraine cũng sử dụng đạn pháo tiêu chuẩn NATO với lựu pháo này. Một tổ bắn M777 gồm 8 người có thể nã 5 quả đạn pháo trong chưa đầy 2 phút.

Hệ thống lựu pháo M777. Ảnh: CAF

Hệ thống lựu pháo M777. Ảnh: CAF

Mỹ và các đồng minh NATO bắt đầu bàn giao pháo M777 cho Ukraine từ tháng 4/2022. Đến giữa tháng 1/2023, riêng Washington đã gửi cho Kiev 160 khẩu pháo loại này, hơn 1 triệu quả đạn pháo 155mm và khoảng 5.800 viên đạn thông minh dùng cho pháo M777. 

Theo The Week, ngay sau đó, các đội pháo binh Ukraine cho rằng, độ chính xác và tính cơ động của pháo M777 đã thay đổi cục diện xung đột. Lựu pháo này hỗ trợ tích cực cho quân đội Ukraine, giúp phá hủy xe bọc thép khi quân Nga cố gắng vượt sông Siverskyi Donets, gần khu định cư Bilohorivka, miền đông Ukraine vào tháng 5/2022. 

Việc sử dụng M777 đòi hỏi phải được đào tạo để duy trì độ chính xác của nó. Nòng pháo cần phải thay thế sau khi đã bắn một số loạt nhất định. Theo Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), vào cuối mùa xuân và đầu mùa hè năm 2022, "nhiều khẩu pháo M777 mà phương Tây bàn giao cho Kiev đã không thể hoạt động do vấn đề bảo trì sau khi có những sai sót trong quá trình sử dụng. Nhưng giờ đây, các đội pháo binh của Ukraine đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp theo thời gian thực từ các nhà thầu dân sự và quân đội phương Tây, thông qua các trung tâm liên lạc an toàn ở Ba Lan, hãng AP của Mỹ đưa tin. 

M119 là lựu pháo 105mm có tầm bắn khoảng 18km, được thiết kế để di chuyển và bắn nhanh hơn các loại vũ khí có kích thước lớn hơn. Với trọng lượng tương đối nhẹ so với các lựu pháo, khoảng 2 tấn, M119 có thể được kéo bằng xe bán tải. Theo Reuters, Ukraine được cho là đã nhận hàng trăm lựu pháo M119. 

"Các lựu pháo 155mm của NATO giúp quân đội Ukraine có thêm nhiều lựa chọn hơn, đồng thời chúng cũng tốt hơn các loại mà Kiev có sẵn. Nhưng một trong những chính là các lựu pháo này mang theo một nguồn đạn dược mới. Điều đó quan trọng với Kiev để duy trì khả năng chiến đấu", ông Lee nói. 

Xe bọc thép

Xe bọc thép chở quân Bradley của Mỹ. Ảnh: Joshua Cowden

Xe bọc thép chở quân Bradley của Mỹ. Ảnh: Joshua Cowden

Nhu cầu về phương tiện di chuyển bộ binh của Ukraine là rất lớn khi nước này thực hiện phản công. Đó là lý do các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Kiev hàng trăm xe bọc thép chở quân, gồm các loại như M113, Marder, Bulldog, Bradley và Stryker. 

Một số trong số xe bọc thép này là loại bánh xích, số còn lại là bánh lốp. Một số xe bọc thép tiên tiến hơn như Marder, Bulldog, Bradley hay Stryker có các cảm biến hữu dụng và thiết bị xác định mục tiêu.

Các xe bọc thép chở quân này được thiết kế để chống chịu các cuộc tấn công bằng vũ khí thô sơ và một số loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ, đồng thời hỗ trợ bộ binh bằng các vũ khí riêng trên xe như súng máy, tên lửa chống tăng thông minh hay pháo tự động (súng cỡ nòng lớn). 

"Vấn đề lớn hơn việc không có xe tăng là thiếu xe bọc thép chở quân", ông Lee nói về quân đội Ukraine. "Tôi nghĩ xe bọc thép chở quân thậm chí còn quan trọng hơn vì nhu cầu sử dụng lớn hơn". 

Xe tăng

Nga và Ukraine đều có hàng trăm xe tăng tham chiến ngay từ đầu, chủ yếu là T-72 và các phiên bản nâng cấp. Nhưng xét cả về số lượng và chất lượng, Ukraine vẫn không thể sánh được so với Nga.

Đó là lý do khiến chính phủ Ukraine liên tục đề nghị các đồng minh phương Tây cung cấp xe tăng. Một số nước như Ba Lan đã hỗ trợ Kiev các xe tăng T-72 từ thời Liên Xô. 

Vào tháng 1/2023, Anh cam kết gửi cho Ukraine 14 xe tăng Challenger 2, loại được quân đội Anh đang sử dụng. Cuối tháng 3 cùng năm, giới chức Ukraine thông báo đã tiếp nhận loại xe tăng này từ London. Challenger 2 sử dụng động cơ diesel, nặng hơn xe tăng T-72 khoảng 50% và có phần giáp bọc dày hơn. Loại xe tăng này có thể đạt tốc độ khoảng 60 km/h khi di chuyển trên đường bằng phẳng.  

Dù sử dụng cỡ nòng tiêu chuẩn NATO cho pháo của xe tăng là 120mm, nhưng nòng pháo của Challenger 2 không giống nòng trơn của các xe tăng phương Tây khác. Điều đó đồng nghĩa là xe tăng này chỉ sử dụng loại đạn mà Anh cung cấp.

Quân nhân Ukraine chụp ảnh khi đứng trên một xe tăng Challenger 2 vào tháng 2/2023. Ảnh: Reuters

Quân nhân Ukraine chụp ảnh khi đứng trên một xe tăng Challenger 2 vào tháng 2/2023. Ảnh: Reuters

Mỹ cũng cam kết cung cấp hàng chục xe tăng Abrams, chạy bằng động cơ tuabin khí. Một số đồng minh phương Tây khác đã gửi xe tăng Leopard 2 (do Đức sản xuất) cho Ukraine. Cuối tháng 5/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine khi đó là ông Oleksiy Reznikov xác nhận rằng nước này đã nhận được khoảng 60 xe tăng Leopard 2 từ các nước như Ba Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Canada.

"Việc các nước phương Tây cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine sẽ giúp Kiev thực hiện chiến tranh cơ giới hóa để đối đầu quân đội Nga", George Barros, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở ở Mỹ, nói. 

"Xe tăng giữ vai trò quan trọng trong chiến tranh vũ trang, giúp tăng cường hỏa lực cho các lực lượng bộ binh. Xe tăng không lỗi thời và Ukraine cần chúng, thậm chí cần nhiều để có thể vượt qua phòng tuyến của Nga", ông Barros nói thêm. 

Hệ thống phòng không

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: EPA

Hệ thống phòng không Patriot. Ảnh: EPA

Để giúp Ukraine tránh các đợt tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV), các đồng minh phương Tây đã hỗ trợ cho Kiev nhiều hệ thống phòng không như Avenger gắn trên xe Humvee hay hệ thống Patriot. 

Các hệ thống phòng không tầm trung như NASAMS và IRIS-T giúp quân đội Ukraine có thể phòng thủ chống tên lửa.

Như một vòng phòng thủ cuối cùng, pháo phòng không Gepard của Đức, được điều khiển bằng radar và gắn trên xe bánh xích, có thể bắn hạ tên lửa, UAV với chi phí tương đối thấp. Chính phủ Ukraine cho biết, Gepard rất có giá trị khi phòng thủ trước các loại UAV chậm và nhỏ.

Đạn dược

Phương Tây đã cung cấp số lượng lớn đạn dược cho Ukraine, trong đó có đạn pháo. Ảnh: AA

Phương Tây đã cung cấp số lượng lớn đạn dược cho Ukraine, trong đó có đạn pháo. Ảnh: AA

Theo Reuters, Ukraine đã nhận hàng triệu viên đạn, bao gồm cả đạn pháo. Một số đạn pháo hiện đại như Excalibur, sử dụng GPS để dẫn đường, có tầm bắn khoảng 40km và trúng vị trí ở cách mục tiêu khoảng 3m. Kiev cũng nhận được đạn pháo BONUS và SMArt 155.

Quân đội Ukraine còn được hỗ trợ HARM (được mệnh danh là kẻ hủy diệt radar) để đối phó với các radar phòng không của Nga. 

"Nếu không có đạn pháo, quân đội Ukraine sẽ gặp nhiều rắc rối", Rob Lee, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (có trụ sở tại Mỹ), nói. "Lợi thế của đạn pháo thông minh là bạn sẽ ít tốn đạn hơn. Khả năng phá hủy mục tiêu ngay trong lần tấn công đầu tiên thực sự là một lợi thế quan trọng". 

Theo các chuyên gia, việc tiếp cận thông tin tình báo của các đồng minh phương Tây cũng giúp ích rất nhiều cho Ukraine trên chiến trường. Biết được thời điểm Nga có thể tấn công hoặc vị trí các kho dự trữ dễ bị tấn công nhất giúp Kiev chủ động đối phó và tránh tổn thất. 

Khi Washington cung cấp gói viện trợ trị giá 2,5 tỷ USD hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng vũ khí và trang thiết bị là sự hỗ trợ quan trọng với Ukraine trong xung đột. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lặp lại thông điệp đó trong bài phát biểu cuối tháng 1, nói rằng: "Sự hỗ trợ của chúng tôi đang tạo ra sự khác biệt thực sự cho người Ukraine. Giúp họ không chỉ tồn tại mà còn đủ sức đáp trả các đợt tấn công của đối phương". 

Các quan chức Nga cho rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine cho thấy NATO - liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu - đang chống lại Nga. Moscow tuyên bố, bất kỳ vũ khí phương Tây nào chuyển tới Ukraine cũng là mục tiêu hợp pháp của các lực lượng Nga

"Bằng cách viện trợ cho Ukraine, phương Tây đang theo đuổi những mục tiêu ích kỷ của họ", Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga, nói. "Tất cả vũ khí được chuyển tới Kiev đều được trả bằng máu của người Ukraine, phải xông pha ra trận để bảo vệ lợi ích và tham vọng địa chính trị của Mỹ cùng đồng minh".

----------------------------

Khi khả năng chiến đấu được tăng cường đáng kể nhờ vũ khí hiện đại của phương Tây, quân đội Ukraine phát động phản công vào tháng 6/2023. Nhưng tới nay, các binh sĩ Ukraine vẫn chưa thể xuyên phá phòng tuyến của Nga. Điều gì giúp Moscow làm nên tuyến phòng thủ vững chắc như vậy? Mời độc giả cùng đón đọc trong bài kỳ tới, đăng lúc 10h ngày 1/10.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Ukaine mạnh hơn nhờ vũ khí phương Tây, vì sao phòng tuyến của Nga vẫn hiệu quả?

Dù quân đội Ukraine đã tăng sức mạnh nhờ vũ khí hiện đại của phương Tây, một tướng quân đội nước này vẫn phải thừa nhận, hệ thống phòng thủ của Nga gây khó khăn cho...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Công nghệ hiện đại, vũ khí thông minh dẫn đến thay đổi cách tác chiến ở xung đột Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN