Việt Nam lên tiếng việc Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine

Về việc Nga vừa hoàn tất các thủ tục pháp lý để sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine, Việt Nam kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 6/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine.

Bà Hằng cho biết, Việt Nam quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình gần đây liên quan đến cuộc xung đột Nga – Ukraine. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

“Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới”, bà Hằng nói.

Ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thành luật 4 hiệp ước sáp nhập Cộng hòa nhân dân Donetsk và Cộng hoà nhân dân Lugansk tự xưng, cùng 2 tỉnh Kherson và Zaporozhye của Ukraine vào Nga. Ukraine và phương Tây bác bỏ bước đi này.

Về việc báo chí Mỹ đưa tin một số sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất sang Mỹ làm từ gỗ có xuất xứ Nga, bà Hằng cho biết đến nay “chưa có thông tin về việc này”.

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định, với tư cách thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam luôn tôn trọng, tuân thủ đúng các quy định của WTO và các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

“Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ thông qua các cơ chế hiện có, như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư, để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư song phương, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân hai nước”, bà Hằng nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam kêu gọi loại bỏ xu hướng đối đầu

Phát biểu trước Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh kêu gọi loại bỏ xu hướng đối đầu, tư duy "được – mất", và thay vào đó cần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN