Vì sao Nga - Trung Quốc quyết không bỏ rơi Kazakhstan?

Sự ổn định của Kazakhstan có ý nghĩa sống còn đối với khu vực Trung Á, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam nước Nga, khu vực phía Tây Trung Quốc và thậm chí là cả Afghanistan.

Cựu Tổng thống Kazakhstan - Nursultan Nazarbayev (ngoài cùng bên trái), Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình (bên phải). Ảnh: Reuters

Cựu Tổng thống Kazakhstan - Nursultan Nazarbayev (ngoài cùng bên trái), Tổng thống Nga - Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình (bên phải). Ảnh: Reuters

Các cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu ở Kazakhstan bùng phát ngày 2/1, và nhanh chóng leo thang thành bạo loạn.

Một số nhà phân tích cho rằng chính biến Kazakhstan có những đặc điểm của một cuộc “cách mạng màu”. Tuy nhiên theo tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc, làn sóng biểu tình hiện tại chỉ mang tính thời điểm và tình hình sẽ sớm trở lại bình thường.

Kazakhstan đã phát triển ổn định trong suốt 3 thập kỷ qua, và là một trong những quốc gia Liên Xô cũ phát triển nhất với GDP bình quân đầu người hơn 9.000 USD (năm 2020).

Thế nhưng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống của tầng lớp trung lưu Kazakhstan bị ảnh hưởng nặng nề. Thu nhập giảm mạnh, do đó vấn đề tăng giá nhiên liệu đã trở thành “giọt nước tràn ly”.

Một số cơ quan truyền thông cáo buộc Mỹ đứng đằng sau làn sóng bạo lực ở Kazakhstan. Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin này. Nhưng theo Hoàn cầu Thời báo, “nếu có một thế lực nào đó đứng đằng sau các cuộc biểu tình, một thế lực đủ mạnh để kích động bạo loạn trên toàn quốc, thì đó chỉ có thể là phương Tây hoặc Mỹ”. Vì “Kazakhstan là một quốc gia rộng lớn nằm ở Trung Á và có ảnh hưởng đặc biệt đối với an ninh địa chính trị của khu vực”, tờ báo này nhấn mạnh.

Kazakhstan có nền nông nghiệp trù phú, giàu dầu khí, và đóng vai trò là tuyến đường trung chuyển nhiên liệu quan trọng. Sự ổn định của Kazakhstan có ý nghĩa sống còn đối với khu vực Trung Á, đặc biệt là khu vực miền Trung, miền Nam nước Nga, khu vực phía Tây Trung Quốc và thậm chí là cả Afghanistan.

Nếu bất ổn chính trị xảy ra ở Kazakhstan, an ninh của khu vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Đó là lý do vì sao các bên liên quan đều đang nỗ lực giúp Kazakhstan vãn hồi trật tự.

Theo Hoàn cầu Thời báo, Kazakhstan sẽ không thể trở thành nguồn cơn bất ổn vì những lý do sau.

Thứ nhất, trong số các quốc gia láng giềng của Kazakhstan có 2 cường quốc là Nga và Trung Quốc.

Kazakhstan có chung đường biên giới 1.700 km với Trung Quốc, và là thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải gồm 8 thành viên do Bắc Kinh dẫn đầu. Trung Quốc có sự hiện diện kinh tế rất tích cực ở Kazakhstan, và coi Kazakhstan là nước đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy sáng kiến Vành đai - Con đường được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố hồi năm 2013.

Trong khi đó, Nga có đường biên giới dài 7.000km với Kazakhstan. Đây là đường biên giới trên bộ liên tục dài nhất thế giới.

Thành phố Baikonur của Kazakhstan là nơi đặt sân bay vũ trụ đầu tiên - lớn nhất thế giới. Sân bay này đóng vai trò trung tâm trong chương trình không gian của Nga, và được Mátxcơva thuê sử dụng tới năm 2050. Sary Shagan - một bãi thử quan trọng khác đối với chương trình phòng thủ của Nga - cũng nằm ở Kazakhstan. Đây là địa điểm đầu tiên và duy nhất ở Âu-Á thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM).

Hiện, có khoảng 3,5 triệu người gốc Nga sống ở Kazakhstan, chiếm 18.4% dân số. Sự an toàn của cộng đồng người Nga ở Kazakhstan là mối quan tâm lớn của Mátxcơva.

Để đảm bảo lợi ích của chính mình, cả Mátxcơva và Bắc Kinh đều sẽ nỗ lực hết sức để duy trì sự ổn định ở Kazakhstan.

Ông Nazarbayev, 81 tuổi, là người lãnh đạo lâu nhất ở một quốc gia thuộc Liên Xô cũ cho đến khi ông chuyển giao quyền tổng thống cho ông Kassym-Jomart Tokayev vào năm 2019.

Mới đây, ông Nazarbayev đã kêu gọi người dân ủng hộ và tin tưởng chính quyền Kazakhstan để cùng vượt qua những thách thức hiện tại và đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ hai, nội bộ Kazakhstan dưới thời cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev và Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev khá đoàn kết.

Hai vị lãnh đạo này có tầm ảnh hưởng nhất định đến giới tinh hoa ở Kazakhstan. Vì vậy, nếu giới tinh hoa tiếp tục thể hiện sự đoàn kết đồng lòng thì lực lượng chống chính phủ ở Kazakhstan khó có thể lớn mạnh.

Thứ ba, về mặt kinh tế, Tổng thống Tokayev đã lập tức có động thái xử lý vấn đề giá nhiên liệu tăng cao. Ông Tokayev cũng được cho là sẽ yêu cầu chính phủ quan tâm hơn để nhu cầu của người dân và xoa dịu tâm lý bất mãn.

Theo đề nghị của ông Tokayev, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO, do Nga đứng đầu) đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan để khôi phục ổn định và an ninh ở nước này.

Nga và Kazakhstan - 2 thành viên quan trọng của Liên minh Kinh tế Á - Âu - từ lâu vẫn duy trì quan hệ đối tác an ninh đặc biệt. Sự hỗ trợ từ bên ngoài trong việc giải quyết tình hình nội ở Kazakhstan sẽ vừa giúp Nga giảm thiểu rủi ro an ninh ở khu vực Trung Á, đồng thời giúp đưa Kazakhstan tiến lại gần Mátxcơva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác của CSTO sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 10/1 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan, Điện Kremlin cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Putin hành động chớp nhoáng ở Kazakhstan, chiến lược của Trung Quốc đổ bể?

Động thái can thiệp của Nga ở quốc gia láng giềng Kazakhstan gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chiến lược địa kinh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hạnh - Hoàn cầu Thời báo, RT ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN