Vì sao cuộc phản công của Ukraine lại mất nhiều thời gian chuẩn bị?

Giới quan sát giải thích lý do tại sao cuộc phản công tại Ukraine lại mất nhiều thời gian để chuẩn bị, đồng thời chỉ ra những áp lực đối với quân Ukraine trong cuộc phản công này.

Chia sẻ với tờ The Washington Post, cựu Tư lệnh quân đội Mỹ ở châu Âu - Trung tướng Mark Hertling cho rằng cuộc phản công của quân Ukraine có thể diễn ra trong vài ngày, hoặc trong vài tuần nữa. Ngoài ra, ông Hertling còn nói rằng rất khó để xác định thời điểm cụ thể diễn ra cuộc phản công này vì Ukraine cần nhiều thời gian để chuẩn bị lực lượng.

Vì sao Ukraine mất nhiều thời gian chuẩn bị phản công?

Theo The Washington Post, Tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Ukraine - ông Valery Zaluzhny và các chỉ huy quân đội Ukraine đã lên kế hoạch cho cuộc phản công này từ hồi mùa hè năm 2022. Theo đó, họ đã nghiên cứu các báo cáo tình báo, thăm dò các đường dây liên lạc của quân Nga, bố trí thêm lực lượng tại các vị trí quan trọng, nhắm mục tiêu vào các trụ sở nguồn cung cấp khí tài quân sự của quân Nga.

Quân Kiev trong một cuộc tập luyện tại vùng Chernihiv (Ukraine) trong ngày 15-5. Ảnh: REUTERS

Quân Kiev trong một cuộc tập luyện tại vùng Chernihiv (Ukraine) trong ngày 15-5. Ảnh: REUTERS

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất mà ông Zaluzhny và các chỉ huy Ukraine phải đối mặt là họ cần tạo ra “sức mạnh chiến đấu” cho cuộc phản công, tức là họ cần phải tập hợp các lực lượng quân Ukraine đã được huấn luyện bài bản để xây dựng sức mạnh cho quân đội của mình, và đây cũng là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất, bởi quy trình của nó diễn ra “vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian”.

Trước tiên, họ cần đồng bộ hóa việc huy động lực lượng quân đội của mình trên khắp lãnh thổ, cũng như từ những đơn vị huấn luyện quân đội trên khắp thế giới mà quân Ukraine đang được đào tạo. Sau đó, họ cần điều động quân đội tới những vị trí quan trọng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều đột phá cho cuộc phản công.

Theo ông Hertling, nhiệm vụ như trên là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp, và ngay cả những người chỉ huy giỏi nhất cũng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề này.

Ngoài ra, ông Hertling còn nhấn mạnh rằng cuộc phản công lần này tại Ukraine đòi hỏi nhiều lực lượng hơn, sự khéo léo và cơ động của quân lính cũng phải cao hơn, khả năng nhắm mục tiêu và khai hỏa của họ cũng phải ở mức độ chính xác cao hơn, đồng thời việc xây dựng các tuyến đường tiếp tế cũng cần phải cẩn trọng và tỉ mỉ, và an toàn hơn.

Với toàn bộ những điều kiện trên, quân Ukraine thật sự phải mất rất nhiều tháng để có thể đạt được những yếu tố cần thiết cho việc phản công diễn ra. Đây là lý do những cuộc phản công của quân Ukraine tới nay vẫn chưa thật sự xảy ra, họ cần thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ một cách hoàn hảo trước khi bắt đầu chiến dịch “thay đổi cuộc chơi” trên chiến trường với quân Nga.

Điều gì sẽ cản bước Ukraine trên chiến trường?

Hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh: NATIONAL INTEREST

Hệ thống phòng không Patriot mà Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh: NATIONAL INTEREST

Theo The Washington Post, đây cũng là câu hỏi lớn nhất về cuộc phản công lần này của quân Ukraine. Quân Kiev muốn đẩy toàn bộ quân Nga ra khỏi lãnh thổ của mình, và sớm tuyên bố thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đây là một mục đích khó có thể xảy ra, bởi hiện tại quân Nga đang kiểm soát khoảng 1/6 lãnh thổ Ukraine, và việc tăng cường phản công sẽ không thể giúp quân Ukraine đạt được mục tiêu của mình trong “một sớm một chiều”.

Bất kỳ cuộc phản công nào đều sẽ khiến quân Ukraine phải trả giá bằng thiệt hại về lực lượng và vũ khí. Giả sử quân Kiev tạo được nhiều lợi thế trên chiến trường sau cuộc phản công lần này, thì theo ông Hertling, sau đó quân Ukraine cần được phương Tây trang bị thêm khí tài quân sự càng sớm càng tốt "trước khi quân Nga trở tay tìm cách đối phó".

Tuy nhiên, nguồn cung vũ khí của phương Tây không phải là vô hạn. Việc mang lại lợi thế trên chiến trường sẽ phần nào giúp phương Tây có thêm thời gian để tập trung nguồn cung và viện trợ thêm vũ khí, song việc viện trợ lượng lớn khí tài trong thời gian ngắn là không thể, đặc biệt là các loại vũ khí hạng nặng.

Theo bà Polina beliakova, nhà nghiên cứu quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế John Sloan Dicke, có trụ sở tại bang Niedersachsen (Đức), rủi ro hiện tại đối với quân Ukraine không phải là “đi vào bế tắc” mà là việc phương Tây dần nhận ra một sự thật rằng các cuộc phản công càng kéo dài, Ukraine sẽ càng chịu nhiều tổn thất, và cái giá mà quân Kiev phải trả là càng lớn.

Bà lưu ý: “Nếu Ukraine không thành công trong đợt phản công này, sẽ có nhiều lời kêu gọi đàm phán với Nga với lý do rằng xung đột không thể giải quyết bằng con đường quân sự”.

Đó cũng là áp lực lớn nhất đối với quân Ukraine, song đó cũng là điều mà quân Ukraine buộc phải làm ở thời điểm hiện tại.

Nguồn: [Link nguồn]

Ukraine phản công ”gắt”, Nga thừa nhận gặp khó khăn

Tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi nói rằng các lực lượng Nga đã rút lui khỏi một số khu vực gần Bakhmut sau các cuộc phản công của lực lượng Kiev.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÍ THANH ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN