Ukraine vừa tố EU cấp vũ khí "hết hạn", Pháp lại giục Đức cấp siêu tăng Leopard

Ukraine nói rằng phương Tây đã viện trợ một số loại vũ khí hết hạn sử dụng, nhưng Kiev sẵn sàng dùng chúng trong bối cảnh nhu cầu khí tài hạng nặng ngày một gia tăng.

Trả lời phỏng vấn tạp chí Newsweek hôm 8/1, Đại sứ Ukraine ở Anh Vadim Pristayko cho biết, phần lớn vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine đã cũ, một số loại thậm chí đã "hết hạn sử dụng", nhưng chúng vẫn đang phát huy hiệu quả trên chiến trường.

"Chúng tôi hay nói đùa rằng nếu các bạn muốn bỏ chúng (vũ khí hết hạn) đi, hãy cứ gửi chúng cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa chúng đến đúng chỗ. Chẳng ai làm thế lúc thời bình. Nhưng vào lúc này thì tại sao lại không?", ông Pristayko nhấn mạnh.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa tên lửa chống tăng do phương Tây viện trợ. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine khai hỏa tên lửa chống tăng do phương Tây viện trợ. Ảnh: AP

Một ngày sau, hôm 9/1, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tiếp tục thúc giục các nước phương Tây viện trợ vũ khí nhiều hơn nữa. "Ukraine biết ơn các đối tác vì họ đã viện trợ quân sự, nhưng chúng ta vẫn nên trung thực với nhau: Chưa ai làm đủ đâu! Trang bị vũ khí cho Ukraine để chiến thắng là con đường ngắn nhất khôi phục hòa bình ở châu Âu", ông Kuleba phát biểu.

Sau hơn 10 tháng giao tranh, tình hình chiến sự ở Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Ukraine gần đây liên tục hối thúc phương Tây gửi thêm các loại khí tài hạng nặng.

Đáp lại, Mỹ và các đồng minh châu Âu vài tuần vừa qua cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận tình hình Ukraine, khi họ bắt đầu tính toán bàn giao cho Kiev một số mẫu thiết giáp chiến đấu, bao gồm xe AMX-10 RC của Pháp hay hàng chục chiếc Bradley của Mỹ.

Trong diễn biến liên quan, Politico hôm nay (10/1) dẫn nguồn tin quan chức Pháp xác nhận, Paris đang tìm kiếm một thỏa thuận từ Berlin nhằm chuyển mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard của Đức cho Ukraine. Theo nguồn tin, Pháp muốn thỏa thuận đạt được trước khi lãnh đạo hai nước gặp thượng đỉnh vào ngày 22/1 tới.

Xe tăng Leopard 2 của Đức tham gia một cuộc tập trận. Ảnh: GettyImages

Xe tăng Leopard 2 của Đức tham gia một cuộc tập trận. Ảnh: GettyImages

Ba Lan, một đồng minh NATO khác của Đức ở châu Âu, cũng có các động thái tương tự. Warsaw kì vọng thành lập một cơ chế mới giữa các nước phương Tây để họ cùng chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine.

Leopard là dòng xe tăng hạng nặng do Đức phát triển, có một số phiên bản, trong đó Leopard 2 là mẫu tăng sở hữu pháo tăng nòng trơn được coi là tốt nhất thế giới hiện nay 120mm/L55A1 của hãng Rheinmetall, được thiết kế để khai hỏa các loại đạn pháo tiêu chuẩn NATO.

Leopard 2 thường được so sánh với xe tăng M1 Abrams hiện đại nhất của Mỹ. Với động cơ diesel MB 873 công suất 1.500 mã lực, xe đạt vận tốc lên đến 72km/h trên đường cao tốc, có thể vượt qua chướng ngại vật cao hơn 1m và đủ khả năng hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết.

Bên cạnh năng lực phòng thủ chủ động, Leopard sở hữu giáp phức hợp composite có thể ngăn chặn một số loại đạn và tên lửa chống tăng ATGM để gia tăng khả năng sống sót của kíp lái khi trúng đạn. Mỗi xe Leopard nặng tới 60 tấn.

Ngoài Đức, các nước Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ba Lan, Đan Mạch và Phần Lan cũng sở hữu một lượng đáng kể xe tăng Leopard 2. Pháp được cho là đã thể hiện sự sẵn sàng cho các nước đồng minh NATO mượn xe tăng Leclerc nếu họ gửi Leopard sang Ukraine.

Một chiếc xe tăng được sản xuất từ thời Liên Xô bị bắn cháy ở Ukraine. Ảnh: WSJ

Một chiếc xe tăng được sản xuất từ thời Liên Xô bị bắn cháy ở Ukraine. Ảnh: WSJ

Theo Politico, Kiev từng đề nghị Paris viện trợ tăng Leclerc, nhưng các quan chức Pháp nói rằng mẫu thiết giáp chiến đấu này không còn được sản xuất nữa, nên sẽ kéo theo nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình bảo trì và thay thế phụ tùng.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ và Đức đồng thời tuyên bố cung cấp vũ khí hạng nặng mới cho Ukraine

Mỹ và Đức đồng thời tuyên bố sẽ cung cấp cho Ukraine các xe bọc thép chiến đấu, theo một tuyên bố chung ngày 5/1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN