Trung Quốc bị ảnh hưởng thế nào sau đảo chính ở Myanmar?

Với việc quân đội Myanmar thay thế hàng loạt quan chức cấp cao trong chính phủ, giới đầu tư Trung Quốc có lý do để lo lắng, theo một nhà quan sát.

Xe bọc thép của quân đội Myanmar chạy trên đường phố hôm 2/2. Ảnh: Getty

Xe bọc thép của quân đội Myanmar chạy trên đường phố hôm 2/2. Ảnh: Getty

Tờ SCMP hôm 3/2 đưa tin, chính phủ quân sự ở Myanmar tối 2/2 tuyên bố sẽ thay thế nhiều quan chức cấp cao thuộc nhiều bộ ngành - những người được chỉ định bởi chính phủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. 

Các bộ ngành bị ảnh hưởng bao gồm Tài chính, hợp tác quốc tế, kinh tế đối ngoại, nội vụ và ngoại giao. 

Theo Yin Yihang, một nhà nghiên cứu về các vấn đề Myanmar tại Viện Taihe (Trung Quốc), cho biết, một số quan chức bị sa thải đang tham gia vào các cuộc đàm phán với giới đầu tư Trung Quốc. Điều này gây bất lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc. 

"Nhiều quan chức bị sa thải đã hoặc đang tham gia vào các hoạt động hợp tác kinh tế với Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa rằng, một số thỏa thuận kinh tế có thể phải đàm phán lại và điều này khiến các nhà đầu tư Trung Quốc phải nản lòng", ông Yin nói. 

Một trong những dự án chung lớn nhất giữa Myanmar và Trung Quốc là tuyến đường sắt nối Mandalay - thành phố lớn thứ 2 của Myanmar - với Kyaukpyu - một thị trấn ven biển của Myanmar, nơi có trạm cuối của đường ống dẫn dầu, khí đốt kéo dài tới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. 

Các kế hoạch hợp tác cũng đang được triển khai tại một dự án cảng nước sâu do Trung Quốc tài trợ và nhiều dự án công nghiệp ở thị trấn Kyaukpyu. 

Trong vài tuần gần đây, Trung Quốc và Myanmar đã ký biên bản ghi nhớ cho nghiên cứu về Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar, nối tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với thị trấn Kyaukpyu và cuối cùng là kết nối với khu vực Ấn Độ Dương. 

Quân đội Myanmar đã từ chối chấp nhận kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020 và phát động đảo chính. Tình trạng khẩn cấp được tuyên bố áp dụng trong ít nhất một năm, cho tới khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. 

Theo nhà nghiên cứu Yin, hệ quả của việc này có thể là sự trì hoãn của các dự án hợp tác giữa Myanmar và Trung Quốc. 

"Đầu tư của Trung Quốc vào Myanmar có thể sẽ giảm dần trong ngắn hạn. Trong khi đó, chính phủ và các công ty Trung Quốc sẽ đánh giá kỹ lưỡng hơn về các dự án sắp triển khai tại quốc gia Đông Nam Á. Tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ tăng cường các dự án lớn vào Myanmar ở thời điểm này", ông Yin nhận định. 

Trung Quốc và Myanmar từ lâu đã có quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ. Bắc Kinh là một trong số ít những nguồn đầu tư nước ngoài ở Myanmar sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính vào cuối những năm 1980. 

Năm 2010, Myanmar đã thực hiện một loạt cải cách chính trị và kinh tế, bao gồm việc thả nhà lãnh đạo Suu Kyi sau 15 năm quản thúc tại gia. 

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây từ đó cũng được nới lỏng và Myanmar đã thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể, đặc biệt là từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc đã gặp trở ngại vào năm 2011 khi dự án thủy điện Myitsone 3,6 tỷ USD do Bắc Kinh hậu thuẫn bị đình chỉ do lo ngại về môi trường. Dự án này tới nay vẫn bị tạm dừng. 

"Kể từ đó, các nhà đầu tư Trung Quốc ít mặn mà hơn với việc đầu tư vào Myanmar", ông Yin nói. 

Theo Tổng cục Đầu tư và Quản lý các công ty Myanmar, quốc gia Đông Nam Á này đã nhận được 4,35 tỷ USD đầu tư từ Trung Quốc trong giai đoạn 2011 - 2012, nhưng con số này giảm mạnh chỉ còn 231 triệu USD trong năm tài chính tiếp theo. 

Nguồn: [Link nguồn]

Công dân Việt gặp nạn trong căng thẳng tại Myanmar liên hệ giúp đỡ thế nào?

Cơ quan ngoại giao Việt Nam đã sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân khi cần thiết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN