Triều Tiên điều 20 tàu đổ bộ tiến sát biên giới liên Triều

Các nguồn tin quân sự cho rằng Triều Tiên đã triển khai hơn 20 tàu đổ bộ chạy bằng đệm khí tới bờ biển Nampo thuộc khu vực biển phía Tây của bán đảo, kể từ sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố tình trạng chiến tranh.

Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc ngày 24.8 đưa tin Triều Tiên xác nhận các tàu đổ bộ chiến lược đã rời căn cứ để ra tiền tuyến sau khi tuyên bố tình trạng chiến tranh ngày 20.8. Tàu đổ bộ nói trên là một trong ba lực lượng trọng tâm của quân đội nước này, thuộc căn cứ quân sự Cholsan ở tỉnh Pyeongan Bắc.

Đội tàu đã được lệnh di chuyển hơn 60 km theo hướng Bắc ra đường ranh giới phương Bắc giữa hai miền Triều Tiên trong vùng biển Hoàng Hải.

Bình Nhưỡng có hai loại tàu đổ bộ, một là loại Gongbang II, lớp 35 tấn, có thể di chuyển với tốc độ từ 74-96km/h, và loại thứ hai là Gongbang III, lớp 20 tấn có thể di chuyển trên 96km/h.

Triều Tiên điều 20 tàu đổ bộ tiến sát biên giới liên Triều - 1

Hình ảnh tàu đổ bộ của Triều Tiên Gongbang II trong một cuộc tập trận. Ảnh AFP

Hãng tin Yonhap cũng đưa tin, Bình Nhưỡng đã triển khai khoảng 50 trong tổng số 77 tàu ngầm và đội quân pháo binh đặc biệt tiến sát biên giới liên Triều và “sẵn sàng động binh khi tuyên bố chiến tranh có hiệu lực”.

Cũng theo Yonhap, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết,Washington đã tăng cường tập trận chống tàu ngầm và diễn tập tác chiến trên biển với Hàn Quốc nhằm bảo vệ đồng minh hữu hiệu hơn trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Báo cáo cũng cho biết mặc dù mục đích ban đầu của các cuộc diễn tập này là nhằm đối phó với các lực lượng đặc biệt, song do tầm quan trọng của các hoạt động tác chiến trên biển đối với việc bảo vệ Hàn Quốc ngày càng tăng lên, nên các cuộc tập trận thường niên có tên “Giải pháp Then chốt”, “Đại bàng non” với Hàn Quốc đã bao gồm cả các hoạt động đổ bộ và chống tàu ngầm. 

Trước đó, cuối tuần qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho tình trạng chiến tranh với Seoul, sau khi tình hình hai miền Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn do các loạt nã pháo vào lãnh thổ của nhau.

Theo nhiều nguồn tin quân sự Hàn Quốc, với mức độ đe doạ và cách điều binh của Bình Nhưỡng, rất có khả năng vào 15 giờ chiều ngày 22.8, Bình Nhưỡng sẽ sử dụng quân sự. Tuy nhiên thời điểm đó đã qua, tín hiệu tốt lành là quan chức hai miền Triều Tiên đã ngồi vào bàn đàm phán.

Nhưng đến sáng nay 24.8, các cuộc hoà đàm giữa Seoul và Bình Nhưỡng vẫn bế tắc. Phía Seoul cáo buộc rằng, Bình Nhưỡng đã không thiện chí khi vừa hoà đàm, vừa động binh.

Hãng tin Yonhap cho biết rằng, kể từ khi CHDCND Triều Tiên tuyên bố đe doạ chiến tranh, mỗi bước di chuyển của quân đội Bình Nhưỡng đều bị phát hiện bởi hệ thống giám sát chung của Hàn Quốc và Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạ Anh ([Tên nguồn])
Căng thẳng Triều Tiên - Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN