Tình báo Ukraine phát hiện các vũ khí hiện đại nhất của Nga gắn đầy linh kiện của Mỹ

Tình báo Ukraine tìm thấy nhiều vi mạch do Mỹ sản xuất trong các vũ khí hiện đại nhất bị thu giữ của Nga, từ đó đặt ra câu hỏi về khả năng của Moscow trong việc sản xuất bộ phận công nghệ.

Tình báo Ukraine đã tiết lộ về việc sử dụng các vi mạch do Mỹ sản xuất trong các khí tài quân sự Nga, từ đó đặt ra câu hỏi về khả năng của Moscow trong việc sản xuất bộ phận công nghệ.

Khi quân đội Ukraine bắt đầu tháo dỡ vũ khí của Nga, nhiều thiết bị bị thu giữ hoặc bị phá hủy một phần có sử dụng rất nhiều vi mạch nước ngoài, đặc biệt là những vi mạch được sản xuất tại Mỹ, theo trang tin The EurAsian Times.

Hệ thống phòng không Pantsir S1 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Hệ thống phòng không Pantsir S1 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Theo danh sách các linh kiện mà tình báo Ukraine tiết lộ với cổng thông tin quốc phòng The War Zone (Mỹ), các vi mạch được tìm thấy bên trong một xe chỉ huy-điều khiển được trang bị radar 9S932-1 bị thu giữ vốn thuộc hệ thống phòng không tiên tiến Barnaul-T, một hệ thống phòng không Pantsir, một trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52 và một tên lửa hành trình Kh-101.

Danh sách linh kiện nước ngoài

Barnaul-T là hệ thống chỉ huy và kiểm soát phòng không tiên tiến nhất của Nga. 9S932-1 là module trinh sát và điều khiển được trang bị radar của Barnaul-T.

Module 9S932-1 được kết nối trực tiếp với các đơn vị được trang bị nhiều hệ thống phòng không tầm ngắn khác nhau, bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không Tor-M-series (SA-15) và 9K35 Strela (SA-13), hệ thống tên lửa đất đối không di động 9K33 Osa (SA-8), hệ thống phòng không tự hành 2K22 Tunguska (SA-19) và hệ thống tên lửa phòng không vác vai di động (MANPADS) 9K333 Verba (SA-25).

Ảnh chụp một số vi mạch mà tình báo Ukraine nói tìm thấy trong hệ thống liên lạc của hệ thống phòng không Nga Barnaul-T. Ảnh: Ukraine Intelligence

Ảnh chụp một số vi mạch mà tình báo Ukraine nói tìm thấy trong hệ thống liên lạc của hệ thống phòng không Nga Barnaul-T. Ảnh: Ukraine Intelligence

Tình báo Ukraine cho hay họ đã phát hiện tám vi mạch trong các hệ thống liên lạc của module 9S932-1 có nguồn gốc từ các nhà sản xuất của Mỹ như Intel, Micrel, Micron Technology và Atmel Corp.

Pantsir là tổ hợp tên lửa-pháo phòng không. Các chuyên gia Ukraine được cho đã tìm thấy năm con chip do Mỹ sản xuất bên trong máy tìm phương của hệ thống phòng không này. Những con chip trên do các hãng AMD, Rochester Electronics, Texas Instruments và Linear Technology sản xuất.

Tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-101 gây chú ý vì tỉ lệ thất bại cao bất ngờ trong cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu của Ukraine. Theo lời của một quan chức quốc phòng Mỹ hồi tháng 3, tên lửa Kh-101 hoặc bị phóng hỏng, hoặc bắn trượt mục tiêu hoặc không phát nổ khi chạm mục tiêu.

Bên cạnh tỉ lệ thất bại cao, Kh-101 dường như còn phụ thuộc nhiều vào con chip nước ngoài khi tình báo Ukraine tuyên bố đã tìm thấy ít nhất 35 con chip do Mỹ sản xuất, trong đó có những con chip do hãng Texas Instruments, Atmel Corp sản xuất.

Tỉ lệ hỏng hóc cao cùng những phát hiện mới nhất về việc phụ thuộc nhiều vào con chip nước ngoài như vậy trong hệ thống Kh-101 là điều đáng lo ngại với Moscow vì biến thể khác của loại tên lửa này – Kh-102 là tên lửa hành trình phóng từ trên không được trang bị hạt nhân chính của Không quân Nga.

Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52M. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Trực thăng tấn công “Cá sấu” Ka-52M. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Nói về “Cá sấu” Ka-52, trực thăng tấn công hai chỗ ngồi có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết của Nga, các chuyên gia Ukraine đã phát hiện 22 con chip do Mỹ sản xuất và một con chip cho Hàn Quốc sản xuất. Các nhà sản xuất Mỹ bao gồm Texas Instruments, IDT, Altera USA, Burr-Brown, Analog Devices Inc., Micron Technology, Linear Technology và TE Connectivity.

Con chip không nhất thiết phải có nguồn gốc trực tiếp từ nhà sản xuất

Những con chip này có thể không nhất thiết phải có nguồn gốc trực tiếp từ nhà sản xuất vì có một thị trường khổng lồ và không được kiểm soát cho các loại chip tái chế nổi lên từ Trung Quốc. Những con chip được tìm thấy trong các hệ thống vũ khí của Nga có nhiều khả năng xuất phát từ đây vì nhiều trong số đó dường như khá cũ, theo các chuyên gia Ukraine.

Ngoài ra, như trang The EurAsian Times đưa tin trước đó, các nhà nghiên cứu tại Anh hồi tháng 4 tiết lộ rằng Nga đang tìm nguồn cung ứng linh kiện lưỡng dụng do Anh sản xuất, chẳng hạn như chip điện tử và bộ chuyển mạch cho vũ khí của nước này thông qua các doanh nghiệp trung gian ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Trước đó trong tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ - bà Gina Raimondo trong buổi điều trần Thượng viện nói rằng: “Chúng tôi có báo cáo từ Ukraine rằng khi họ tìm thấy thiết bị quân sự của Nga thì những thiết bị đó chứa đầy chất bán dẫn mà họ đã lấy ra từ máy rửa bát và tủ lạnh”.

Các nước NATO đang cấp vũ khí cho Nga?

Hồi cuối tháng 4, báo The Telegraph tiết lộ chấn động rằng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã sử dụng Điều khoản dành cho những người có chức (Grandfather Clause) để vượt qua lệnh cấm vận mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga.

Lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức trong một cuộc họp trước đó theo Thỏa thuận Minsk. Ảnh: TWITTER

Lãnh đạo các nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức trong một cuộc họp trước đó theo Thỏa thuận Minsk. Ảnh: TWITTER

Theo một báo cáo của EU, ít nhất 10 nước thành viên NATO đã xuất khẩu khoảng 378,6 triệu USD khí tài quân sự cho Nga, trong đó các công ty Đức và Pháp chiếm 78% (tương đương 295,4 triệu USD) xuất khẩu quân sự.

Bất chấp lệnh cấm vận của toàn EU về cung cấp vũ khí cho Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Đức và Pháp vẫn chuyên giao bom, rocket, tên lửa và súng cho Moscow.

Ngoài ra, các công ty Pháp còn cung cấp camera ảnh nhiệt cũng như hệ thống định vị cho máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, và xe tăng Nga.

Các nước thành viên NATO kể trên đã lợi dụng lỗ hổng vốn cho phép các hợp đồng ký trước ngày 1-8-2014.

Đức từng biện giải rằng các sản phẩm được cung cấp sau khi Nga hứa sẽ sử dụng cho mục đích dân sự, không phải mục đích quân sự. Đức bán thiết bị lưỡng dụng trị giá 130,1 triệu USD cho Moscow, bao gồm súng và phương tiện bảo vệ đặc biệt.

Còn Pháp, lợi dụng kẽ hở trong lệnh cấm vận vũ khí của EU, Paris cho phép các nhà xuất khẩu hoàn thành các hợp đồng ký trước năm 2014. Pháp đã vận chuyển 164,4 triệu USD thiết bị quân sự cho Nga.

Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu, các thành viên EU đã bán cho Nga 35,7 triệu USD vũ khí và đạn dược hồi năm ngoái khi Điện Kremlin chuẩn bị tấn công Ukraine.

Điều khoản dành cho những người có chức là điều khoản cho phép một quy tắc cũ tiếp tục áp dụng cho một số trường hợp hiện tại trong khi một quy tắc mới áp dụng cho tất cả trường hợp sau này.

Theo The EurAsian Times, những phát hiện mới nhất này đã phơi bày sự phụ thuộc nặng nề của Nga vào công nghệ phương Tây trong các lĩnh vực nhạy cảm quan trọng như công nghệ xác định mục tiêu, định vị, liên lạc và hệ thống kiểm soát vũ khí, có thể gây lo lắng sâu sắc cho Moscow.

Nguồn: [Link nguồn]

Thực hư 2 siêu vũ khí đến Mỹ cũng không có mà Nga đã sử dụng ở Ukraine

Nga tuyên bố nước này đã sử dụng hai vũ khí tinh vi nhất ở Ukraine là tên lửa siêu thanh và vũ khí laser. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cho rằng những vũ khí này kém hiệu quả và coi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN