Thủ tướng Israel cứu vãn sinh mệnh chính trị sau những đòn chí tử vào Hezbollah

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đối đầu với Iran và các lực lượng đồng minh là cách để cứu vãn sinh mệnh chính trị, cho dù phải đối diện nguy cơ chiến tranh khu vực.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Reuters)

Khi quân đội và lực lượng tình báo Israel triển khai hàng loạt cuộc tấn công khiến Hezbollah chao đảo trong những tuần gần đây, nhiều người Israel lấy lại niềm tin đã mất từ vụ tấn công của Hamas ngày 7/10/2023.

Bất chấp làn sóng biểu tình phản đối của hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới và sự khó chịu của đồng minh thân thiết nhất – Mỹ, Thủ tướng Netanyahu hạ lệnh triển khai những đòn đánh táo bạo nhằm vào các lực lượng thân thiết của Iran.

Cái chết của ông Hassan Nasrallah - lãnh đạo cao nhất của Hezbollah và là đồng minh hàng đầu của Hamas - tạo nên sự hân hoan ở Israel, nơi vẫn đang vật lộn với hệ lụy của vụ tấn công ngày 7/10 và 1 năm xung đột ở Dải Gaza khiến uy tín của nước này bị tổn hại.

Việc Israel, với sự hỗ trợ của các đồng minh phương Tây, đánh chặn hầu hết trong gần 200 tên lửa đạn đạo của Iran tuần trước cũng giúp Israel tăng cảm giác hồi phục sức mạnh.

Tuy nhiên, cái chết của ít nhất 9 binh lính Israel ở Li-băng từ khi Israel bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ vào quốc gia láng giềng là một lời nhắc nhở nghiêm khắc về những mối nguy hiểm phía trước.

Gọi cái chết của lãnh đạo Hezbollah Nasrallah là "bước ngoặt", Thủ tướng Netanyahu đưa ra hàng loạt tuyên bố trong những ngày gần đây nhằm chuẩn bị tâm lý cho người dân về khả năng chiến tranh mở rộng hơn.

"Iran đã phạm một sai lầm lớn vào đêm nay và họ sẽ phải trả giá", ông Netanyahu nhấn mạnh khi bắt đầu cuộc họp để bàn về các bước đi tiếp theo sau khi Iran phóng gần 200 tên lửa.

Theo một cuộc khảo sát do Đại học Hebrew ở Jerusalem thực hiện, khoảng 80% người Israel cảm thấy chiến dịch ở Li-băng đã đạt hoặc tốt hơn kỳ vọng. Trước đó, cuộc khảo sát tương tự cho thấy dư luận Israel thất vọng với chiến dịch ở Dải Gaza, với 70% người trả lời ủng hộ lệnh ngừng bắn để đưa các con tin Israel trở về nhà.

Là cựu thành viên của đơn vị tinh nhuệ từng thực hiện những chiến dịch giải cứu con tin nghẹt thở nhất của Israel trong những năm 1970, ông Netanyahu thống trị chính trường Israel trong nhiều thập kỷ, trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu năm nhất của quốc gia này khi ông đắc cử nhiệm kỳ lần thứ 6 vào năm 2022.

Liên minh với các đảng cánh hữu giúp ông đạt được chiến thắng đó, nhưng ông phải đối mặt với phong trào biểu tình lớn nhất trong lịch sử Israel khi đề xuất hạn chế quyền lực của Tòa án tối cao. Uy tín của ông Netanyahu cũng giảm sút vì những cáo buộc tham nhũng, nhưng ông bác bỏ.

Từ khi xung đột nổ ra, phong trào biểu tình phản đối thay đổi tư pháp biến thành phong trào đòi chính phủ làm nhiều hơn nữa để đưa các con tin mà Hamas vẫn giam giữ trở về nhà. Một số ý kiến cho rằng ông Netanyahu cố ý kéo dài xung đột vì tính toán chính trị của riêng mình.

Ông Netanyahu vẫn bảo vệ quan điểm, rằng chỉ có cách duy trì áp lực quân sự với Hamas mới có thể cứu các con tin, và ông thề sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi Hamas bị phá hủy.

Cho đến nay, Thủ tướng Netanyahu vẫn không nhận trách nhiệm cá nhân trong vụ tấn công ngày 7/10, một trong những thất bại an ninh lớn nhất trong lịch sử Israel. Ông chỉ nói rằng mọi người đều phải trả lời những câu hỏi khó khi cuộc chiến với Hamas kết thúc. Ông cũng gạt bỏ lời kêu gọi từ chức và tổ chức bầu cử sớm.

Ở bên ngoài, ông Netanyahu là mục tiêu của nhiều cuộc biểu tình phẫn nộ với chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza, khiến vùng đất này bị tàn phá và gần 42.000 người Palestine thiệt mạng. Các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả đồng minh Mỹ, đã chỉ trích chiến dịch của Israel ở vùng đất của người Palestine và lo ngại chiến tranh lan sang Li-băng.

Tòa án Hình sự Quốc tế đang xem xét kiến nghị truy tố ông Netanyahu, xếp ông vào cùng nhóm với thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, người bị một số nước phương Tây coi là khủng bố.

Trước khi Israel bắt đầu chiến dịch leo thang nhằm vào Hezbollah, ông Netanyahu đã thấy vận may chính trị trong nước của mình phục hồi phần nào.

Các cuộc thăm dò ý kiến ​​gần đây cho thấy đảng Likud của ông Netanyahu trở lại vị thế đảng mạnh nhất ở Israel, cho dù ông có thể chật vật để thành lập liên minh cầm quyền nếu bầu cử được tổ chức ngay bây giờ.

Tuy nhiên, ông Netanyahu có thể không cần phải làm như vậy, sau khi đã đưa đối thủ Gideon Saar vào chính phủ từ tuần trước, tăng số ghế mà đảng cầm quyền nắm giữ trong quốc hội lên 68 .

Vượt qua được thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Israel, giờ đây ông Netanyahu có thể yên tâm làm nốt nhiệm kỳ của mình cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức vào năm 2026.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 5-10 khẳng định gần một năm sau xung đột Dải Gaza, Israel đang giao tranh ở 7 mặt trận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh - Reuters ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hezbollah Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN