Thông điệp của ASEAN với Myanmar

Thương vong gia tăng có thể buộc cộng đồng quốc tế triển khai thêm nhiều hành động chống lại quân đội Myanmar

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN hôm 2-3 tổ chức phiên họp đặc biệt để thảo luận tình hình Myanmar sau cuộc đảo chính hồi đầu tháng rồi. Xuyên suốt cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 giờ này, theo tường thuật của báo South China Morning Post, ASEAN lắng nghe người đại diện của chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời kêu gọi quân đội nước này trả tự do và đối thoại với nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, chấm dứt mọi hành động bạo lực nhằm vào người dân để tránh làm leo thang căng thẳng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho rằng tình hình bạo lực và căng thẳng gia tăng gây tổn thất sinh mạng người dân trong những ngày gần đây tại Myanmar đã ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định không chỉ của Myanmar mà cả khu vực. Phó Thủ tướng kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh mọi hành động bạo lực, bảo đảm an toàn cho người dân, tổ chức đối thoại hòa bình nhằm sớm đưa tình hình trở lại bình thường. Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN phối hợp chặt chẽ, phát huy vai trò, sử dụng hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có phối hợp với các tổ chức và cơ chế toàn cầu, bao gồm Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhằm giúp Myanmar ổn định tình hình vì lợi ích của nhân dân và đất nước Myanmar, cũng như vì hòa bình, ổn định khu vực và đoàn kết, uy tín của ASEAN.

Người dân Myanmar tiếp tục biểu tình phản đối quân đội tại TP Yangon hôm 2-3 Ảnh: REUTERS

Người dân Myanmar tiếp tục biểu tình phản đối quân đội tại TP Yangon hôm 2-3 Ảnh: REUTERS

Cũng trong ngày 2-3, tức 2 ngày sau đợt trấn áp đẫm máu nhất nhằm vào người biểu tình kể từ cuộc đảo chính nêu trên, nhiều nhà hoạt động khẳng định lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục sử dụng khí cay, lựu đạn gây choáng, đạn cao su và đạn thật để đối phó với hàng trăm người biểu tình tại TP Yangon và thị trấn Kale, khiến nhiều người bị thương.

Cùng ngày, trong một tuyên bố trên Đài Phát thanh và Truyền hình quốc gia Myanmar (MRTV), quân đội nước này yêu cầu lực lượng an ninh không sử dụng đạn thật. "Trong trường hợp bị đám đông biểu tình đe dọa tính mạng, lực lượng an ninh được phép tự vệ bằng cách nổ súng vào vùng dưới thắt lưng của người biểu tình" - quân đội Myanmar cho biết, đồng thời cáo buộc đám đông biểu tình dùng ná và bom xăng khiến bạo lực leo thang. Trước đó, Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing đã đe dọa trừng phạt những người tổ chức biểu tình và những phần tử "kích động bạo lực".

Theo Reuters, ít nhất 21 người biểu tình đã thiệt mạng kể từ khi bất ổn nổ ra. Quân đội Myanmar khẳng định một cảnh sát cũng thiệt mạng. Tính riêng ngày biểu tình đẫm máu nhất hôm 28-2, hãng tin AP dẫn nguồn Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 18 người biểu tình thiệt mạng, 30 người bị thương và hơn 1.000 người bị bắt giữ.

Giới chuyên gia nhận định thương vong gia tăng có thể buộc cộng đồng quốc tế triển khai thêm nhiều hành động chống lại các tướng lĩnh Myanmar, những người bác bỏ chiến thắng của Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020.

Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm 1-3 tuyên bố sẽ tranh thủ cương vị chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng này để thúc đẩy thêm "các cuộc thảo luận quyết liệt" về tình hình Myanmar, cũng như để "buộc quân đội Myanmar đảo ngược hành động và khôi phục chính quyền dân chủ được bầu chọn". Dù vậy, theo AP, không dễ để Hội đồng Bảo an LHQ có được một quyết định thống nhất.

Cũng theo bà Thomas-Greenfield, Mỹ vẫn công nhận ông Kyaw Moe Tun là đại sứ hợp pháp của Myanmar tại LHQ. Tương tự, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric, tuyên bố mọi sự thách thức đối với vai trò của đại sứ Moe Tun cần được giải quyết thông qua ủy ban chứng nhận của LHQ và đến giờ, cơ quan này vẫn chưa hành động. Bản thân ông Moe Tun trước đó tuyên bố "sẽ chiến đấu đến cùng", sau khi bị chính quyền quân sự Myanmar sa thải vì kêu gọi LHQ "sử dụng mọi biện pháp cần thiết để chống lại quân đội Myanmar". 

Nguồn: [Link nguồn]

Myanmar: Quốc hội bất ngờ hành động trái ý chính quyền quân sự

Quốc hội Myanmar (Pyidaungsu Hluttaw) hôm 2.3 tuyên bố, kể từ khi Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bị bắt giữ “bất hợp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CAO LỰC - DƯƠNG NGỌC ([Tên nguồn])
Đảo chính quân sự ở Myanmar Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN